Mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi thế nào từ 1/1/2016?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Theo quy định mới, tiền tính đóng bảo hiểm xã hội sẽ gồm lương và phụ cấp thay vì dựa vào bảng lương như hiện nay.

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi từ đầu năm tới. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng.

Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.

'Với cách tính trên, quyền lợi của người lao động sẽ tăng, bởi mức hưởng sau này dựa trên mức đóng và thời gian đóng. Đóng càng cao thì hưởng lương hưu sau này càng nhiều', ông Trần Đình Liêu, Trưởng ban thu BHXH Việt Nam nói.

Theo ông, người lao động sẽ có tích lũy lâu dài, về già sẽ nhận được lương hưu nhiều hơn so với hiện nay. So với các nước trên thế giới, độ tuổi trung bình nghỉ hưu của người Việt thấp, khoảng 54,2 (bình quân 55,6 với nam và 52,6 đối với nữ). Trong khi đó thế giới độ tuổi trên dao động 60-62. Mỗi năm đóng BHXH, lao động nữ được nhận bình quân 3% lương hưu, còn lao động nam được 2,5%.

Việc nghỉ hưu sớm và chính sách được hưởng lương hưu một lần khiến cho quỹ lương hưu mất cân đối. Cách tính mới này đảm bảo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, bình ổn quỹ lương hưu và để đảm bảo tương lai lâu dài cho người lao động.

Mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi thế nào từ 1/1/2016?

Từ 1/1/2016, mức đóng BHXH sẽ thay đổi (Ảnh minh họa: Internet)

Hiện nay, nhiều chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội theo tiền ghi trên hợp đồng, trong khi mức tiền lương này thấp hơn thực tế. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp còn 'chẻ' thu nhập của người lao động ra thành nhiều khoản dẫn đến nghịch lý là các loại phụ cấp lớn hơn lương. Số tiền này không được tính đóng bảo hiểm xã hội gây thiệt thòi cho người lao động, dẫn đến thất thu BHXH.

'Việc đóng BHXH theo phương thức mới khắc phục được tình trạng trên, buộc doanh nghiệp phải đóng đúng theo tiền lương người lao động thực lĩnh. Doanh nghiệp cần hướng tới mục tiêu vì người lao động. Trả lương cao, đóng góp các khoản phúc lợi xã hội cao thì người lao động yên tâm làm việc, mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp', ông nói.

Việc giám sát sẽ do cơ quan bảo hiểm phối hợp với cơ quan thuế thực hiện. Theo quy định mới của Luật hình sự sửa đổi được Quốc hội thông qua, việc trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị xử lý hình sự từ 2 đến 7 năm tù.

Còn hơn 10 ngày nữa là luật có hiệu lực, song cách tính các khoản để thu BHXH ra sao, số tiền thu được thế nào thì các cơ quan còn chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Trao đổi về việc này, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội cho biết, thông tư đã lấy ý kiến xong và chờ ban hành. Song theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chờ thông tư cũng mất một thời gian, có khả năng sẽ không kịp ban hành trước 1/1/2016 khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!