Mục tiêu điều trị và cách kiểm soát tiểu đường

Bài thuốc dân gian - 05/03/2024

Bệnh đái tháo đường dễ chẩn đoán nhưng có thể bị điều trị cẩu thả bởi những người cẩu thả.

Do tính chất phức tạp của bệnh đái tháo đường (tiểu đường) nên việc kiểm soát và điều trị cho từng bệnh nhân cũng có những khác biệt đặc thù. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng trên hết vẫn là việc phòng ngừa, làm chậm sự xuất hiện các biến chứng đồng thời cải thiện sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân. Dưới đây là những thông tin cơ bản hằm giúp đạt được và duy trì các mục tiêu cụ thể, chuyên biệt.

Mục tiêu điều trị

Trước tiên, điều quan trọng nhất trong điều trị đái tháo đường là cần phòng ngừa và làm chậm xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ và cải thiện sức khỏe toàn diện. Mục tiêu này sẽ được cụ thể bằng các chỉ số: kiểm soát đường huyết bằng xét nghiệm A1C, đường huyết lúc đói và sau ăn, các thành phần lipid, huyết áp, và cân nặng cơ thể.

Kiểm soát đường huyết

Kiểm soát đường huyết đối với bệnh nhân đái tháo đường nhắm đến các mục tiêu chuyên biệt có thể đo lường được, như là Hemoglobin A1C (còn được gọi là ‘A1C’ hay ‘HbA1C’) là tiêu chuẩn thường được dùng để đánh giá sự kiểm soát đường huyết trong thời gian dài và là mục tiêu chính của việc kiểm soát, điều trị đái tháo đường. Xét nghiệm A1C được đề nghị thực hiện từ hai đến bốn lần mỗi năm cho các bệnh nhân với bất kỳ loại đái tháo đường nào, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và mức độ kiểm soát đường huyết của từng bệnh nhân.

Đối với các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 điều trị bằng insulin nên kiểm tra ba lần hay nhiều hơn trong ngày; số lần kiểm tra có thể ít hơn ở những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 điều trị bằng thuốc hạ đường huyết uống, nhưng có thể nhiều hơn đối với bệnh nhân điều trị bằng insulin có kèm hoặc không các loại thuốc uống.

Mục tiêu đường huyết nên được điều chỉnh cho phù hợp với tuổi, giới, và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân; một số nhóm đối tượng đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt (trẻ em, phụ nữ mang thai, và người lớn tuổi).

Mục tiêu điều trị và cách kiểm soát tiểu đường

Ảnh minh họa

Dưới đây là bảng chỉ số mục tiêu được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu riêng biệt của từng cá nhân:

Mục tiêu điều trị và cách kiểm soát tiểu đường

* Các mục tiêu này dành cho những người không mang thai và liên quan đến mức 4,0-6,0% của nhóm không bị tiểu đường, sử dụng phân tích cơ bản của DCCT.

+  Nồng độ glucose trong huyết tương sau ăn nên được đo 1-2 giờ sau khi bắt đầu bữa ăn, nồng độ cao nhất ở các bệnh nhân tiểu đường thường xảy ra trong khoảng thời gian này.

Đường huyết sau ăn (PPG) và kiểm soát đường huyết

Tăng đường huyết sau ăn (PPG) góp phần làm cho việc kiểm soát đường huyết không đạt được mức độ tối ưu, thường xảy ra sớm trong quá trình tiến triển của bệnh đái tháo đường và là một nguy cơ dự báo cho các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Tăng đường huyết sau ăn cũng có liên quan đến sự xuất hiện của các bệnh mạch máu lớn và mạch máu nhỏ, đồng thời gia tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Tăng đường huyết sau ăn đã được xem là dấu hiệu báo trước quan trọng của cơn đau tim.

Các phương pháp nhằm giảm đường huyết sau ăn có thể giúp giảm nồng độ A1C và cải thiện việc kiểm soát đường huyết. Bên cạnh đó, một phương pháp về chế độ ăn nhằm cải thiện đường huyết sau ăn là tiêu thụ loại carbohydrate được tiêu hóa chậm, giúp phóng thích glucose qua một đoạn dài hơn dẫn đến đường huyết sau ăn được giảm đi hẳng so với việc thực hiện chế độ ăn với các nguồn cung cấp carbohydrate tiêu hóa nhanh khác.

KIỂM SOÁT MỠ MÁU

Kiểm soát mỡ máu nhằm mục đích hạ thấp LDL cholesterol, tăng HDL cholesterol, và giảm triglyceride là mục tiêu quan trọng đối với bệnh đái tháo đường tuýp 2.  Dưới đây là bảng nồng độ lipid được khuyến cáo:

Mục tiêu điều trị và cách kiểm soát tiểu đường

* Các dữ liệu này là các giá trị lipid của những người trưởng thành, có nguy cơ thấp. Các thông số về lipid nên được đo ít nhất mỗi năm một lần ở hầu hết các bệnh nhân trưởng thành; đối với những người trưởng thành có các chỉ số giá trị lipid nguy cơ thấp, đánh giá lipid máu có thể lặp lại mỗi hai năm.

Kiểm soát lipid hiệu quả giúp làm giảm bệnh mạch máu lớn và tử vong ở những bệnh nhân có tiền sử biến cố tim mạch. Các chuyên gia đái tháo đường khuyên nên kiểm tra các rối loạn lipid ở các bệnh nhân đái tháo đường trưởng thành ít nhất một lần mỗi năm và thường xuyên hơn nếu cần thiết để đạt được các mục tiêu.

Liệu pháp điều trị khởi đầu được khuyến nghị nhằm kiểm soát nồng độ lipid bao gồm điều chỉnh chế độ ăn, giảm cân, và tăng cường tập luyện. Việc thêm vào các thuốc hạ lipid máu được chỉ định cho những người bị bệnh tim mạch, những người trên 40 tuổi có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, hay các trường hợp cần thiết để đạt được các mục tiêu điều trị về lipid máu.

Mục tiêu điều trị và cách kiểm soát tiểu đường

Ảnh minh họa

Các chiến lược kiểm soát, điều trị chủ yếu

Các thuốc điều trị đái tháo đường nên theo hướng dẫn của nhân viên y tế

Các thuốc điều trị bệnh đái tháo đường giúp hạ thấp nồng độ glucose trong máu. Có nhiều loại thuốc điều trị đái tháo đường khác nhau bao gồm thuốc uống và thuốc chích, sự lựa chọn thuốc tùy thuộc vào bệnh đái tháo đường, tuổi và tình trạng của bệnh nhân, cũng như các yếu tố khác. Sulfonylurea, meglitinid, metformin (một loại thuốc trong nhóm biguanide), thiazolidinedion, và glipicid là các ví dụ về các loại thuốc chống tăng đường huyết hiện có để điều trị đái tháo đường tuýp 2. 

Một vài loại trong số các thuốc này cũng có ích trong điều trị đái tháo đường tuýp 1, và một số loại được kê toa kết hợp với các loại thuốc khác. Ngoài ra, một nhóm thuốc mới đầy hứa hẹn là các chất ức chế SGLT2, có thể được lưu hành trên thị trường trong tương lai gần.

Insulin

Các dạng trình bày của insulin đang lưu hành trên thị trường đều là dạng tiêm dưới da và được phân loại theo khoảng thời gian tác dụng của thuốc. Liệu pháp dùng Insulin luôn được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 và đôi khi cần thiết để kiểm soát, điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường tuýp 2. Liệu pháp điều trị cơ bản là tiêm các chất tương tự insulin tác dụng dài, hoặc kết hợp với các liều dùng sau khi ăn của các chất tương tự insulin tác dụng ngắn. 

Nồng độ insulin cơ bản có thể đạt được bằng cách dùng insulin tác dụng ngắn khi truyền dưới da liên tục thông qua một dụng cụ bơm nhỏ có chứa sẵn insulin. Các bơm tiêm Insulin có thể được lập trình để phóng thích một lượng nạp nhanh insulin vào các bữa ăn chính và phụ.

Thay đổi lối sống

Như đã trình bày trong một số các thử nghiệm lâm sàng lớn, và đã được các chuyên gia như Hội Đái tháo đường Hoa kỳ (ADA) và Hội Nghiên cứu Đái tháo đường châu Âu (EASD) nhấn mạnh, một trong những phần quan trọng nhất của việc kiểm soát, điều trị đái tháo đường và tiền đái tháo đường (và trong việc phòng ngừa hay làm chậm khởi phát bệnh đái tháo đường) là thay đổi lối sống. Liệu pháp Dinh dưỡng Y học (MNT) và các vận động thể lực thích hợp (tập luyện) là những giải pháp then chốt cho việc thay đổi lối sống.

Liệu pháp Dinh dưỡng Y học dành cho các bệnh nhân đái tháo đường nhằm mục đích cải thiện sức khỏe với việc chọn lựa các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, dẫn đến giảm cân hay duy trì cân nặng khỏe mạnh, trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân. Nhu cầu của từng cá nhân dựa trên tình trạng bệnh tật, thể trạng, sở thích các nhân và văn hóa ẩm thực, lối sống và quan điểm. Các mục tiêu đặc biệt của liệu pháp dinh dưỡng là nhằm phòng ngừa hay làm chậm khởi phát bệnh đái tháo đường, kiểm soát bệnh đái tháo đường hiện tại và giảm nguy cơ các biến chứng của bệnh đái tháo đường bằng cách đạt được và duy trì tối ưu các kết quả chuyển hóa.

Một phương pháp khác khá hiệu quả là lựa chọn các sản phẩm thích hợp thay thế cho các bữa ăn thông thường. Các sản phẩm thay thế bữa ăn bao gồm các sản phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng nhằm thay thế các bữa ăn cung cấp nhiều năng lượng nhưng giá trị dinh dưỡng thấp và các bữa ăn phụ khác. Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khẳng định rằng, ‘Dùng các sản phẩm thay thế bữa ăn một hay hai lần một ngày nhằm thay thế bữa ăn thông thường có thể làm giảm cân đáng kể... Liệu pháp thay thế bữa ăn phải được tiếp tục ngay cả khi đã giảm cân'.

Vận động thể chất tiêu hao nhiều năng lượng không chỉ cần thiết góp phần làm giảm cân mà còn cải thiện sự kiểm soát glucose. Các chuyên gia xác định chắc chắn dựa trên bằng chứng thuyết phục rằng ‘Các bệnh nhân đái tháo đường  được khuyên nên thực hiện các vận động thể lực aerobic cường độ trung bình (50-70% tần số tim đập tối đa) với ít nhất 150 phút/tuần’ và hơn nữa, nếu họ có thể.

Tập luyện thường xuyên giúp cải thiện kiểm soát glucose trong máu, giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, góp phần làm giảm cân, và cải thiện tình trạng sức khỏe. Hơn nữa, tập luyện thường xuyên có thể phòng ngừa đái tháo đường tuýp 2 ở những người có nguy cơ cao. Tập luyện theo chương trình định sẵn trong khoảng thời gian ít nhất 8 tuần giúp giảm A1C trung bình 0,66% ở những bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường tuýp 2, ngay cả khi việc tập luyện không tạo thay đổi đáng kể trong cân nặng. Cường độ tập luyện ở mức độ cao hơn thường đi kèm với sự cải thiện A1C cao hơn và sức khỏe tốt hơn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!