Trong không khí đón xuân rộn ràng, chắc hẳn không bố mẹ nào muốn phải phạt con hoặc mắng con. Tuy nhiên Tết cũng là khoảng thời gian khá nhạy cảm bởi các bé vẫn chỉ là những đứa trẻ như mọi ngày, vẫn có thể khiến cha mẹ bực mình bởi có những trò đùa nghịch hoặc lời nói, hành động chưa phù hợp.
Việc la mắng và phạt trẻ ngay trong dịp đầu xuân năm mới lại không phải là ý kiến hay. Những khúc mắc của con cái có được đáp ứng hay không, gia đình có giữ được bầu không khí vui vẻ, ấm áp trong dịp Tết hay không, điều đó rất cần 1 phương pháp làm cha mẹ thông minh hay còn gọi là Mindful parenting - nuôi con chuyên tâm, có trách nhiệm.
Khi bé làm ngược lại những gì cha mẹ yêu cầu thì chính bạn lại là người mất bình tĩnh (Ảnh minh họa).
Đây là phương pháp nuôi dạy con trong đó cha mẹ tập trung toàn bộ cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ của mình vào hành động, việc làm của con và không có bất cứ phán xét gì tại khi sự việc đang xảy ra, không để mọi thứ xung quanh tác động làm phân tâm, hoặc các vấn đề khác về cảm xúc ảnh hưởng. Mục đích cao nhất đó là tối đa hóa lợi ích của trẻ, cải thiện tâm lý, cách đối diện với một vấn đề cho cả cha mẹ và con cái, làm cho bầu không khí gia đình bớt căng thẳng tỏng những ngày đón xuân.
Để tiếp cận phương pháp nuôi dạy Mindful parenting này, cha mẹ cần nắm vững những nguyên tắc sau:
1. Hiểu được cách vận hành của bộ não khi xảy ra xung đột với bé
Thông thường, khi con bạn cư xử đúng mực, ngoan ngoãn, vâng lời thì tất nhiên cha mẹ sẽ tỏ ra yêu thương và ngọt ngào hơn với con. Thế nhưng khi bé làm ngược lại những gì cha mẹ yêu cầu thì chính bạn lại là người mất bình tĩnh. Lí do là vì những hành động mang tính thách thức của con được bộ não của cha mẹ nhận thức như là một mối đe dọa tiềm ẩn. Khi vượt qua ngưỡng chịu đựng, cha mẹ sẽ bùng nổ và xảy ra xung đột với con.
Tiến sĩ Daniel Siegel, nhà thần kinh học hàng đầu và là tác giả cuốn 'Parenting from Inside Out' cho biết: 'Vỏ não trán trước hay còn gọi là não trên đóng vai trò chính bởi đây vùng não bộ chuyên cấu tạo, hình thành những ý tưởng và ngôn ngữ, cùng điều hòa những tình cảm yêu ghét giận hờn của con người. Khi lớp não trên này bị kích thích quá mức, cha mẹ sẽ mất khả năng suy nghĩ và kiểm soát hành vi. Nó không còn có khả năng phối hợp bộ não não dưới - nơi có cảm xúc và ký ức - để kiềm chế cơn nóng giận.'
Hệ quả tất yếu là bạn bắt đầu la hét, quát mắng con, xung đột với con. Não trên thường mất gần 20 năm, khoảng từ năm 3 tuổi đến năm 20 tuổi để phát triển hoàn thiện. Điều này có thể lí giải vì sao các bé khó có thể điều khiển được hành vi của mình và cần cha mẹ định hướng, dạy bảo.
Giải quyết mẫu thuẫn trong hòa bình hay tiếp tục xảy ra xung đột - tất cả đều phụ thuộc vào khả năng và sự khéo léo của cha mẹ (Ảnh minh họa).
2. Thực hiện phương pháp Mindful parenting mỗi ngày
Trong cuốn sách 'Everyday Blessings: The Inner Work of Mindful Parenting” (Tạm dịch: NIềm vui mỗi ngày: Thực hành phương pháp nuôi dạy con chuyên tâm từ trong chính suy nghĩ của cha mẹ), tác giả Myla và Jon Kabat-Zinn đã đề cập đến việc thực hành ngay phương pháp Mindful parenting: “Cha mẹ hãy thử đặt mình vào vị trí của con, cố gắng tưởng tượng ra thế giới dưới cái nhìn và quan điểm của đứa trẻ và suy nghĩ mọi việc 1 cách nhẹ nhàng. Hãy thực hành điều này mỗi ngày ít nhất là một vài phút để tự nhắc nhở bản thân về việc đứa trẻ này là ai và những gì con đang phải đối diện'.
Tiếp đến là thực hành trong từng hoạt động tương tác của cha mẹ với con cái. Bạn hãy suy nghĩ, cân nhắc về các cách khác nhau mà một người làm cha làm mẹ có thể đáp ứng mà không để cho cảm xúc chi phối, khiến bạn mất bình tĩnh. Đó không phải là sự cho phép, mà là sự đồng cảm với suy nghĩ của con trẻ đồng thời thiết lập các giới hạn khi cần thiết và có thể. Việc thực hành chuyên tâm, suy nghĩ thấu đáo bằng phương pháp Mindful parenting đều đặn hàng ngày sẽ là hành trang chuẩn bị cho chính cha mẹ để có thể khéo léo xử lý xung đột khi nó thực sự xảy ra vào một lúc nào đó.
3. Khi xung đột xảy ra: Hãy lập tức áp dụng S.T.O.P
Khi bắt đầu thấy nguy cơ xảy mâu thuẫn, xung đột với con, cha mẹ hãy ngay lập tức áp dụng 4 chiêu S.T.O.P, trong đó:
S: Stop – Tạm dừng mọi hành động.
Khi phát sinh vấn đề, cha mẹ hãy tạm dừng lại mọi hành động, giống như nhấn vào nút 'Pausa-tạm dừng' trong bộ não để não lý trí có thời gian làm việc, không bị não cảm xúc lấn át, chi phối. Nhờ đó cha mẹ có thể nhận thức rõ hơn về những gì đang xảy ra.
T: Take a breath – Hít thở thật sâu.
Cha mẹ hãy lấy lại bình tĩnh bằng cách hít thở thật sâu 1, 2, 3, 4, 5 và ngược lại 5, 4, 3, 2, 1. Khi đã bình tĩnh hơn, hãy tiếp tục bước 3.
O: Observe – Quan sát, cân nhắc.
Lúc này, cha mẹ chỉ quan sát chính mình và con mà không cần phán xét gì hết. Cha mẹ hãy thử nghĩ xem cảm nhận của mình lúc này là gì?
Trên thực tế, cha mẹ cần hiểu rằng việc kỉ luật con, ngoài việc dùng hành động như đánh, phạt hay lời nói như quát, mắng thì thái độ, cử chỉ của cha mẹ lại là thứ 'đòn roi' hữu hiệu hơn cả. Trẻ hoàn toàn có thể phát hiện sự thất vọng trong cái lắc đầu, sự bực bội trong ánh mắt, sự bất lực trong tiếng thở dài hay sự tức giận khi nhăn mặt của cha mẹ bé.
P: Proceed – Thực hiện.
Sau khi đã quan sát và phân tích, bây giờ là lúc bắt đầu với việc thiết lập kết nối với trẻ. Khi đặt mình vào vị trí của trẻ, cha mẹ sẽ phần nào hiểu được cảm nhận của con, cho dù bạn không đồng tình với hành vi của bé. Cha mẹ thử nghĩ xem trẻ cần nhất điều gì vào thời điểm đó. Hãy giúp con nói ra những suy nghĩ và cảm xúc. Khi được cha mẹ thấu hiểu và lắng nghe, tâm trạng của bé sẽ được cải thiện tốt hơn. Kết nối được thiết lập, bây giờ cha mẹ hoàn toàn có thể đưa ra phán quyết hoặc giới hạn cho con mà không nhất thiết phải xảy ra xung đột với con.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng sự tương tác giữa cha mẹ và con cái sẽ giúp hình thành cấu trúc và chức năng não bộ vốn đang trong quá trình phát triển hoàn thiện của trẻ. Đó là lý do tại sao sự bình tâm, khéo léo trong cách nuôi dạy con cái lại quan trọng đến vậy. Vì vậy, những ngày đầu năm mới, nếu trẻ có nghịch ngợm, có hành vi chưa phù hợp thì cha mẹ hãy ngay lập tức nhớ đến 4 chữ S.T.O.P đơn giản này thôi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!