Nắng nóng 'tàn phá' cơ thể như thế nào?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Nắng nóng kéo dài tạo cơ hội cho nhiều mầm bệnh phát triển. Mọi người cần có biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho mình và người thân.

Vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển khiến nhiệt độ khắp miền Bắc và miền Trung tăng cao. Cơ quan khí tượng dự báo nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 40oC. Nắng nóng đột ngột tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hoá… Trong đó, trẻ nhỏ và người cao tuổi là những đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh để tránh các bệnh thường gặp trong đợt nắng nóng.

Bệnh về hô hấp

Trong ngày nắng nóng, quạt và điều hoà được các gia đình sử dụng thường xuyên. Kem và nước đá trở thành thực phẩm hạ nhiệt được ưa chuộng. Việc lạm dụng những sản phẩm này sẽ khiến mũi họng bị khô, mất lớp bảo vệ đường hô hấp. Đây là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh gây viêm họng, viêm xoang… tấn công cơ thể, đặc biệt với trẻ nhỏ. Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viên Nhi Trung ương những ngày nắng nóng đều tiếp nhận số bệnh nhân tăng từ 30-40% so với ngày thường.

Nắng nóng 'tàn phá' cơ thể như thế nào?

Mùa hè đến là nỗi sợ hãi của nhiều người

Bệnh lý về tim mạch

Trong đợt nắng nóng đầu hè 2014, số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng khoảng 25% so với ngày thường. Trong đó chủ yếu các bệnh liên quan đến tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ… Vì thế, người có tiền sử bệnh tim cần chú ý đến sức khoẻ trong đợt nắng nóng vì bệnh dễ tái phát.

Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao khiến cơ thể nhanh mất nước. Việc bổ sung nước không đúng cách khiến máu cô đặc nên lưu thông khó khăn, tim phải hoạt động nhiều hơn. Tình trạng này dễ gây tắc nghẽn mạch máu, hại tim.

Nắng nóng 'tàn phá' cơ thể như thế nào?

Người già, trẻ em, người béo phì là những đối tượng dễ mắc bệnh mùa nóng

Bệnh về da

Để thải nhiệt, tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong đợt nắng nóng thường hoạt động mạnh hơn. Tuy nhiên, nó cũng để lại nhiều chất bẩn trên da. Những người không giữ vệ sinh cá nhân cá nhân làm các chất bẩn ứ đọng, tạo cơ hội cho nấm da và vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời trong đợt nắng nóng cũng mạnh mẽ hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến làn da. Người không có các biện pháp bảo vệ da có thể bị cháy nắng, tăng nguy cơ ung thư da.

Bệnh truyền nhiễm

Nhiệt độ tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại siêu vi gây bệnh sởi, thuỷ đậu, chân tay miệng phát triển. Nửa đầu năm 2014, 62/63 tỉnh thành ghi nhận hơn 20.500 trường hợp mắc tay chân miệng, 02 ca tử vong. Trong đó, 80,4% bệnh nhân thuộc các tỉnh phía Nam, nơi có nhiệt độ cao.

Bệnh về đường tiêu hóa

Nắng nóng 'tàn phá' cơ thể như thế nào?

Ngồi quá nhiều trong điều hòa, quạt cũng không tốt cho hệ hô hấp

Trong đợt nắng nóng, việc bảo quản thực phẩm sai cách khiến vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập, gây bệnh. Người ăn phải những thực phẩm này dễ bị ngộ độc. Ở mức nhẹ, nạn nhân thường đau bụng, tiêu chảy nhưng ở mức nặng, nạn nhân có thể hôn mê, tiêu chảy cấp. Nếu không điều trị sớm dễ dẫn đến những hậu quả xấu.

Thêm vào đó, hệ tiêu hoá thường hoạt động kém khi thời tiết tăng cao, nhiều người chán ăn, bỏ bữa. Cơ thể không được bổ sung đầy đủ năng lượng càng thêm mệt mỏi, ốm yếu.

Ngoài các bệnh trên, việc đi nắng nhiều cũng tăng nguy cơ bị cảm nắng, say nắng. Ở mức độ nặng cũng gây nguy hiểm cho tính mạng. Vì vậy, mọi người cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho mình và người thân.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân, bổ sung dinh dưỡng hợp lý giúp hệ miễn dịch khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng. Thực phẩm mua về cần bảo quản đúng cách. Không ăn quá nhiều kem, uống nhiều nước đá. Hạn chế ra đường khi nhiệt độ quá cao, sử dụng kem chống nắng, đội mũ nón, mặc áo dài tay.

Ảnh minh họa: Internet

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!