Ngày 26/5/1998, ông Michael Barnett và bà Kristine Barnett đến từ bang Indiana, Mỹ chào đón người con thứ ba, cậu bé Jacob Barnett. Họ sớm nhận ra con trai mình khác biệt so với những đứa trẻ bình thường. 'Mỗi khi tôi bế Jacob, thằng bé sẽ uốn cong lưng và quay đi. Jacob không thể giao tiếp bằng ánh mắt với tôi. Ngay từ lúc một tuổi, thằng bé thường hướng ra cửa sổ và nhìn chăm chăm vào bóng tối hoặc xoay quả bóng suốt nhiều giờ. Trong khi những đứa trẻ khác hiếu động và thiếu kiểm soát, con tôi lại rất rõ ràng và ngăn nắp', mẹ của Jacob, bà Kristine kể lại.
Cậu bé Jacob bị chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ từ khi mới 2 tuổi.
Các bác sĩ chẩn đoán Jacob bị tự kỷ và nói rằng cậu sẽ không bao giờ biết đọc, biết viết, thậm chí là thực hiện những hoạt động bình thường như buộc dây giày. Nhiều phương pháp chữa trị được áp dụng, hàng loạt chương trình giáo dục đặc biệt giúp Jacob phục hồi đều vô hiệu. Cậu bé tự kỷ ngày càng nặng và sống khép kín hơn.
Thế nhưng mẹ Jacob đã phủ nhận những nhận định về con mình và vẫn kiên định nuôi dưỡng con trai trở thành một thiên tài toán – lý. Với kinh nghiệm của một giáo viên mẫu giáo, bà đã tự mình nuôi dưỡng giáo dục con theo cách riêng và áp dụng song song một số phương pháp điều trị mà sau này thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Jacob. Cậu bé có chỉ số IQ 170, cao hơn Einstein. Jacob còn được dự đoán sẽ đạt giải Nobel khi chỉ mới 14 tuổi.
Jacob bây giờ đã là một thần đồng với chỉ số IQ được cho là còn cao hơn của Einstein.
Không chỉ thế, chỉ trong vòng 2 tuần, Jacob đã học xong toàn bộ chương trình toán học của bậc trung học phổ thông. Cậu được nhận vào Đại học Purdue ở bang Indiana (Mỹ) khi mới 11 tuổi. Vào năm 2013, khi mới 15 tuổi, Jacob đã nộp hồ sơ và được nhận vào Viện vật lý lý thuyết Perimeter ở thành phố Waterloo, bang Ontario (Canada) để học tiến sĩ. Đây là một trong những viện vật lý danh giá nhất thế giới. Cậu bé tự kỷ ngày nào đang là người trẻ nhất từng được nhận vào viện, theo hãng tin CTV News của Canada.
Vậy điều gì đã làm nên điều kì diệu đó? Câu trả lời chính là nhờ công lao của bố mẹ Jacob, mà đặc biệt là mẹ cậu bé, bà Kristine.
Luôn tin tưởng vào con
Mặc cho những chuyên gia và cả giáo viên đều nói Jacob bị tự kỷ nặng và hầu như không còn hy vọng để học tập và phát triển như những đứa trẻ bình thường, mẹ của cậu bé vẫn không hề mất niềm tin ở con, bà đã từng nói: 'Là một người mẹ, bằng tất cả trái tim mình, chúng tôi biết điều con mình muốn và chúng tôi tin tưởng nhiều hơn nữa vào điều đó. Thậm chỉ cả khi nó đi ngược với những gì người khác nói'.
Bà Kristine luôn tin tưởng và sát cánh bên con.
Thậm chí ngay cả vào những lúc vô cùng lo sợ nhưng bà cũng vẫn luôn giữ niềm tin vào con. Vào năm Jacob lên 8, bà Kristine quyết định đưa con trai đến Đại học Indiana để diễn thuyết về toán học, thiên văn học và vật lý. Bà Kristine nhớ lại: 'Sau những lần diễn thuyết đó, thằng bé về nhà và không thèm chơi với chúng bạn mà quay sang chúi mắt vào quả bóng. Đó là một quyết định đáng sợ nhưng tôi hiểu thằng bé chắc chắn có lý do riêng của nó. Quan trọng là chúng tôi vẫn sẽ giữ mối quan hệ gần gũi của cháu với gia đình'.
Bà Kristine nhắn nhủ đến tất cả những bậc làm cha, làm mẹ, đặc biệt là những người có con bị tự kỷ. 'Trong mỗi đứa trẻ luôn có một tia sáng'.
Khuyến khích những sở thích/sở trường thay vì tập trung vào những khiếm khuyết của con
Tin vào nhìn nhận sáng suốt của mình trong quá trình chăm sóc con ở nhà, bà Kristine quyết tâm theo đuổi 'tia sáng' phát lộ ở Jacob – đam mê của cậu bé đối với vật lý. Tại sao phải tập trung vào những điều cậu không làm được mà không hướng đến những điều cậu có thể làm? Triết lý này, cùng với niềm tin của vào sức mạnh của cách vui chơi thời thơ ấu, đã giúp cậu bé phát triển một cách đáng kinh ngạc.
'Con tôi thích các hành vi lặp lại. Nó có thể chơi với một cái ly và nhìn vào ánh sáng, xoay trở nó hàng tiếng không ngừng. Thay vì cất cái ly đi, tôi mang thêm cho con 50 cái ly, đổ đầy nước với các mức khác nhau và cho con được tha hồ khảo sát', bà kể, 'tôi mang cho con tất cả những gì con thích'.
Jacob được khuyến khích theo đuổi và tập trung vào đam mê vật lý của cậu bé.
Khi bà nói chuyện với những người mẹ khác có con nằm trong phổ tự kỷ và chứng rối loạn hiếu động thiếu chú ý (ADHD), rối loạn học tập, hay các chứng khác, bà đã nói 'Điều thực sự quan trọng là khi bạn không để cho cái tên bệnh định hình/chi phối bạn. Con bạn có những thế mạnh nào? Hãy để điều đó trở thành định hướng. Sáng tạo những hình thức vận động cho con tự vận hành được. Để con theo đuổi cái con thích'.
Tự áp dụng một chương trình học riêng cho con
Cũng như nhiều ông bố bà mẹ có con bị tự kỉ khác, ban đầu bố mẹ Jacob cũng cho con theo học chương trình giáo dục đặc biệt dành cho trẻ bị tự kỷ. Nhưng tất cả các phương pháp đều không có tác dụng mà thậm chí còn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. 'Suốt thời gian đó, thằng bé không nói được bất kỳ từ nào, không giao tiếp ánh mắt với bất kỳ ai, không phản ứng lại khi được gọi tên. Nếu được ai đó ôm, thằng bé sẽ đẩy người đó ra', bà Kristine kể lại.
Từ đó, mẹ cậu mới bắt đầu nhận thấy rằng chương trình đặc biệt cậu đang theo học sẽ không cho cậu những thứ cậu thực sự muốn. Vì vậy, bà quyết định tự dạy con mình ở nhà. Bà cũng thừa nhận rằng: 'Đối với một người bố, người mẹ mà nói, đi ngược lại với lời khuyên của các vị giáo sư thì thực sự không hay ho gì. Nhưng trong thâm tâm tôi biết rõ rằng, nếu để thằng bé cứ theo học chương trình đặc biệt đó, nó sẽ cứ trượt dài mãi'.
Bức ảnh chụp cả gia đình Jacob.
Và thực sự như vậy, Jacob ngày càng tiến bộ dưới sự trông nom dạy dỗ của mẹ mình. Trong khi bà để cho cậu bé tự khám phá những điều cậu muốn, học về những thứ liên quan đến vật lý, bà cũng chắc chắn rằng con mình cũng được chơi những trò chơi con trẻ, hay đi picnic như bất cứ đứa trẻ nào ở lứa tuổi của cậu.
Và cuối cùng chính những nỗ lực không mệt mỏi này của người mẹ đã dần dần biến Jacob từ một đứa trẻ tự kỷ nặng, tương lai mù mịt thành một thiên tài vật lý.
Kristine cũng đã ghi lại hành trình và sự vượt qua kỳ diệu của con trai trong quyển sách của bà 'The Spark: A Mother’s Story of Nurturing, Genius, and Autism ' (Tạm dịch: 'Tia sáng: Câu chuyện của một người mẹ về sự giáo dục, thiên tài, và tự kỷ').
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!