Nhiều người chia sẻ kinh nghiệm trị bệnh suy giãn tĩnh mạch bằng cách ngâm chân vào nước ấm, xin hỏi có đúng không? (Thuy).
Ảnh minh họa: News.
Trả lời:
Chào bạn,
Bệnh suy tĩnh mạch có nguồn gốc từ việc các van tĩnh mạch bị hư hỏng. Khi đó sẽ xuất hiện dòng máu chảy ngược chiều làm cho những đoạn tĩnh mạch mắc bệnh bị quá tải thể tích dẫn đến tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch và gây viêm. Bệnh nhân sẽ cảm thấy các triệu chứng đau và khó chịu ở cẳng chân như tê, châm chích, dị cảm, mỏi chân, nặng chân, chuột rút... Như vậy, có thể nói tình trạng tăng áp lực trong tĩnh mạch chính là nguồn gốc gây đau và khó chịu.
Bình thường, máu trong cơ thể người di chuyển từ tim, theo các động mạch, đến các mao mạch rồi trở về tĩnh mạch. Nếu cung lượng máu qua động mạch nhiều thì lượng máu trở về tĩnh mạch cũng tương đương như vậy. Lượng máu trở về tĩnh mạch nhiều sẽ gây tăng áp lực tĩnh mạch, y học gọi là tăng áp lực tồn lưu (residual pressure).
Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn bình thường, chẳng hạn như ngâm chân trong nước ấm, nhịp tim sẽ tăng lên, lượng máu theo động mạch đến chân cũng tăng theo và làm tăng áp lực tồn lưu trong tĩnh mạch. Do đó làm nặng hơn triệu chứng suy tĩnh mạch. Bên cạnh đó, theo phản xạ tự nhiên, khi gặp nóng, các tĩnh mạch sẽ giãn nở, làm cho các van tĩnh mạch vốn bám vào thành mạch hở ra nhiều hơn, dòng máu chảy ngược tăng lên nhiều hơn. Khi đó các tĩnh mạch nhỏ ở chân cũng giãn to hơn, kích thích các thụ thể thần kinh quanh tĩnh mạch nhiều hơn nên tăng cảm giác khó chịu và đau.
Chính vì những lý do trên, các chuyên gia khuyên bệnh nhân suy tĩnh mạch nên tránh thoa dầu nóng, không ngâm chân vào nước nóng, tắm nước nóng hay tiếp xúc với môi trường nóng. Mặt khác, đa số bệnh nhân suy tĩnh mạch cho biết cảm thấy dễ chịu hơn khi tiếp xúc với lạnh ví dụ như xối nước lạnh vào chân, ở trong phòng điều hòa nhiệt độ, đi chân không tiếp xúc với nền đất lạnh hay nhiệt độ lạnh vào mùa đông...
Thân ái.
Bác sĩ Lê Thanh Phong
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!