Ngành Y tế 2019: Từ bệnh viện không tiếng loa gọi tên…đến nền y tế thông minh, hiện đại

Thời sự - 11/24/2024

Thay đổi diện mạo y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phát triển kỹ thuật cao, đổi mới cơ chế tài chính, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đẩy mạnh 'số hóa' các bệnh viện… Năm 2019 được đánh giá là một năm thành công của ngành Y tế mà đích đến là sự hài lòng của người bệnh. Nhân dịp Tết Canh Tý 2020, cùng Báo Gia đình & Xã hội điểm lại những kết quả nổi bật nhất của ngành Y năm qua.

Ngành Y tế 2019: Từ bệnh viện không tiếng loa gọi tên…đến nền y tế thông minh, hiện đại

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm và tặng quà cho bênh nhân tại Bệnh viện K. Ảnh: P.V

Bệnh viện không tiếng loa, số hoá toàn bộ hoạt động

Bệnh viện quận Thủ Đức, TPHCM mỗi ngày tiếp nhận khoảng hơn 6.500 bệnh nhân, một con số rất cao so với bệnh viện tuyến quận. Từng nổi lên như là 'hiện tượng của ngành Y tế', quý IV/2019, Bệnh viện này còn là bệnh viện tuyến quận đầu tiên của cả nước được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Anh Hoàng, một kỹ sư gốc Hà Nội vào làm việc tại quận Thủ Đức nhiều năm rất ngạc nhiên khi lần đầu chứng kiến bệnh viện tuyến quận nhưng quá hiện đại, thông minh. Điều khiến anh ngạc nhiên là không có cảnh lộn xộn, không có tiếng loa gọi tên bệnh nhân như đa số các bệnh viện trên cả nước. Lý do là bởi tất cả nhân viên y tế tại đây đều làm việc với máy tính hoặc máy tính bảng khi khám bệnh. Người bệnh như anh Hoàng đến khám không cần mang theo sổ khám bệnh, đơn thuốc cũ, tiền mặt… Bởi tất cả được vận hành bằng hệ thống online, số thứ tự trung tâm. Mọi việc trơn tru, gọn gàng. 'Không khác gì check-in ở sân bay', anh Hoàng nói.

Lãnh đạo Bệnh viện quận Thủ Đức đã cho thấy sự quyết tâm 'số hoá' toàn bộ hoạt động của bệnh viện, tiến đến xây dựng bệnh viện thông minh - một định hướng lớn của ngành Y tế về phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh, cũng là 'giấc mơ' của tất cả cơ sở y tế hiện đại.

Bộ Y tế được đánh giá là Bộ, ngành đầu tiên phê duyệt đề án về chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư kể từ khi có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ chương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến nay 100% các bệnh viện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Hàng loạt hệ thống telemedicine được xây dựng, vận hành, giúp các bệnh viện lớn có thể chỉ đạo chuyên môn từ xa tới các bệnh viện vệ tinh, cứu sống thêm nhiều người bệnh.

Ngành Y tế 2019: Từ bệnh viện không tiếng loa gọi tên…đến nền y tế thông minh, hiện đại

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi người nhà bệnh nhi tới khám tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: T.L

Năm 2019, 'trí tuệ nhân tạo' (AI) là từ khoá thường xuyên được nhắc đến ở nhiều lĩnh vực, ngành Y tế cũng đã áp dụng AI trong điều trị bệnh. Để đặt những nền móng vững chắc xây dựng 'Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực các nước Đông Nam Á', nhiều bệnh viện tại TP HCM đang tạo ra bước đột phá trong ứng dụng công nghệ AI. Robot ngoại tổng quát Da Vinci được áp dụng tại Bệnh viện Bình Dân, phẫu thuật cho khoảng 700 ca bệnh lý phức tạp. Bệnh viện Nhân dân 115 cũng triển khai phẫu thuật robot thần kinh Modus V Synaptive (thế hệ thứ 2) từ tháng 2/2019. Không chỉ vậy, bệnh viện này còn ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Bệnh viện Nhân dân 115 cùng Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp triển khai toàn bộ phần mềm RAPID trong chẩn đoán và đưa ra cửa sổ điều trị mới đối với đột quỵ não cấp, lên đến 24 giờ.

Việc ứng dụng AI cũng được triển khai rốt ráo ở các bệnh viện phía Bắc khi năm 2019, Bệnh viện K ứng dụng robot Da Vinci thế hệ mới nhất trong phẫu thuật nội soi ung thư hay phần mềm RAPID ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, giúp nới rộng biên độ cơ hội sống cho bệnh nhân phức tạp. Việc các bệnh viện từ tuyến Trung ương hay tuyến tỉnh mạnh tay đầu tư hệ thống phẫu thuật bằng robot được đánh giá là đột phá dũng cảm, bởi đây là bước tiến cao nhất trong kỹ thuật mổ ít xâm lấn, được triển khai rộng rãi tại các trung tâm phẫu thuật lớn ở các nước tiên tiến. Cùng đó, các bệnh viện lớn về chuyên ngành Ung bướu cũng ứng dụng AI trong hỗ trợ điều trị ung thư, đem lại hiệu quả rõ rệt, được thế giới công nhận. Ứng dụng ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện; cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; trong hỗ trợ tư vấn - chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu và hệ thống thông tin bệnh viện đang được các doanh nghiệp nghiên cứu thực nghiệm…

Ngành Y tế 2019: Từ bệnh viện không tiếng loa gọi tên…đến nền y tế thông minh, hiện đại

Bác sĩ Trạm Y tế Bình Hưng Hoà A (quận Bình Tân, TP.HCM) kết nối từ xa với bác sĩ chuyên khoa tim mạch của BV Trưng Vương để thống nhất phương án điều trị cho người bệnh. Ảnh: Nguyễn Vũ

Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao trong cung ứng dịch vụ và chăm sóc, điều trị bệnh tại các bệnh viện là định hướng lớn của ngành Y tế năm 2019. Năm qua cũng đánh dấu việc hàng chục bệnh viện ở các đô thị lớn cải tiến, áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, giúp giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và người nhà, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh, người dân sẽ được sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến và thuận lợi, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị, tiết kiệm được thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh sẽ góp phần giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện, giảm thiểu tối đa các lỗi bất cẩn của con người. Góp phần xây dựng hình ảnh mới của bệnh viện: văn minh, hiện đại, hết lòng vì bệnh nhân. Quản lý, khai thác thông tin bệnh viện nhanh chóng, hiệu quả, thuận tiện…

'Kéo ngược' bệnh nhân 4 cấp, các bệnh viện lớn 'bắt tay nhau' mở cơ hội sống cho bệnh nhân

Ngành Y tế 2019: Từ bệnh viện không tiếng loa gọi tên…đến nền y tế thông minh, hiện đại

Hướng dẫn cho người dân các thông tin có trên thẻ BHYY tại Trung tâm Y tế TP Thái Nguyên. Ảnh: D.Thu

Đầu năm 2019, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin năm trước đó có 300.000 người bệnh là Việt kiều và người nước ngoài, trong đó có cả người Nhật chọn chữa trị bệnh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như: Nha khoa, điều trị hiếm muộn, thẩm mỹ. Có 3 lý do khiến họ lựa chọn đến Việt Nam để chăm sóc sức khoẻ: Trình độ chuyên môn của các bác sĩ, chi phí thấp, dịch vụ thuận lợi. Điều này đã khiến rất nhiều người lạc quan, tự hào. Tuy nhiên, những người làm ngành Y cũng 'đau đầu' bởi việc 'chảy máu ngoại tệ' trong tầm tay khi mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Điều đó có nghĩa là ngành Y tế cả nước phải bứt phá để vừa có thể giữ lại 2 tỉ USD này, vừa thu hút bệnh nhân nước ngoài tới Việt Nam chăm sóc y tế, vừa chăm sóc thật tốt cho hơn 95 triệu dân.

Thống kê cho thấy, có 30% bệnh nhân ở tuyến Trung ương là bệnh nhẹ, có thể điều trị ở tuyến tỉnh, 30% bệnh nhân tuyến tỉnh có thể điều trị tại tuyến huyện. Lãnh đạo ngành Y tế rất quyết liệt khi chỉ ra 'điều bất cập' là việc phân bổ ngân sách y tế có mô hình tam giác ngược. Tức là tuyến tỉnh và trung ương điều trị cho chưa đầy 30% người bệnh nhưng sử dụng 70% kinh phí, trong khi tuyến huyện, xã chăm sóc 70% lại chỉ nhận 30% kinh phí. Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối của TPHCM, Hà Nội không thể 'tham bát bỏ mâm', chuyên gia giỏi không thể dành thời gian để chữa những bệnh thông thường mà tuyến tỉnh, huyện có thể làm được. Thay vào đó, các bệnh viện này phải tập trung phát triển kỹ thuật cao - sâu - khó, đầu tư dịch vụ chất lượng cao, thậm chí xây dựng phòng bệnh theo chuẩn '5 sao', lấy người bệnh là trung tâm chăm sóc, thu hút, giữ chân người bệnh. Đối với tuyến cơ sở, phải đầu tư phát triển nhân lực, cơ sở vật chất để tự tin chăm sóc, chữa bệnh cho người dân. 'Dây rút ngược' 4 cấp được xác định là: Thu hút người nước ngoài chọn Việt Nam, hạn chế người Việt ra nước ngoài chữa bệnh; Rút bệnh nhân ở tuyến Trung ương về tỉnh; rút bệnh nhân ở tỉnh về huyện; rút bệnh nhân ở huyện về xã.

Ngành Y tế 2019: Từ bệnh viện không tiếng loa gọi tên…đến nền y tế thông minh, hiện đại

Đồ họa: Vi Anh

Năm 2019, rất nhiều kĩ thuật khó, trong đó có chuyên ngành ung thư, nội tiết, ghép tạng… ngang tầm thế giới đã được các bác sĩ Việt Nam triển khai. Không ít các bệnh nhân ung thư khi ra nước ngoài, kể cả các nước tiên tiến cũng được khuyên quay trở lại Việt Nam điều trị. Thậm chí, tại nhiều bệnh viện lớn (Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai…), các bác sĩ nước ngoài cũng tới học tập, nghiên cứu. Cuối năm 2019, giới y khoa cảm phục các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương khi phẫu thuật thành công cho bệnh nhân cao tuổi nhất và có nhiều bệnh lý phức tạp nhất từng điều trị tại đây. Đáng nói, cụ ông 90 tuổi này từng được người nhà đưa từ Séc sang Qatar - một trong 16 nước có nền y tế tốt nhất thế giới để điều trị, tuy nhiên bệnh tình không giảm. Gia đình đưa cụ quay trở về Việt Nam rồi tới Bệnh viện Phổi Trung ương như là hi vọng chữa trị cuối cùng. Tại đây, các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Phổi Trung ương hội chẩn cùng các bệnh viện lớn khác, dốc hết vốn liếng trong kỹ thuật gây mê hồi sức, mổ nội soi tiên tiến nhất với độ khó cao, đòi hỏi chuyên môn sâu để phẫu thuật điều trị cho người bệnh 'gần đất xa trời' này.

Một câu chuyện đẹp trong năm 2019 cũng liên quan đến việc các bệnh viện lớn 'bắt tay' nhau tìm kiếm cơ hội sống cho bệnh nhân, tìm đến cái kết viên mãn. Đó là câu chuyện của mẹ con chị Nguyễn Thị Liên và bé Đỗ Bình An ở Hà Nam. Chị Liên phát hiện ung thư giai đoạn cuối di căn phổi, xương khi mới mang thai được hơn 4 tháng. Bác sĩ Bệnh viện K sau một thời gian hội chẩn liên viện, tìm hướng điều trị, giúp chị giữ thai đến tuần thứ 26, đã cùng các chuyên gia hàng đầu từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức mổ lấy thai trong ca mổ hiếm có, đón em bé Bình An chỉ nặng 1,5kg. Sau khi rời lòng mẹ, Bình An nhanh chóng được đưa về Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong tình trạng không tự thở được, phải thở máy, da bị phù, phải sử dụng thiết bị hỗ trợ giãn nở phổi. Để rồi sau 55 ngày điều trị, với thiết bị hiện đại nhất, Bình An đã có thể ra viện, như một em bé đủ ngày đủ tháng, hoàn toàn bình thường. Chị Liên được các bác sĩ Bệnh viện K điều trị tích cực 'hơn cả người nhà', đã hồi phục kỳ diệu, có thể cùng con trở về nhà trên chuyến xe yêu thương… Hành trình hồi sinh kỳ diệu đó của hai mẹ con chị không thể không kể đến sự chăm sóc, những lần cân não tính toán của các bác sĩ tại 3 bệnh viện hàng đầu cả nước để làm sao, giữ con cho mẹ, giữ mẹ cho con…

Hệ thống Bệnh viện vệ tinh, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cao tiếp tục khẳng định là bước đi đúng đắn của ngành Y tế trong việc phát triển nhân lực, trình độ và chất lượng đội ngũ nhân viên y tế tuyến tỉnh, huyện. Rất nhiều bệnh viện tỉnh đã làm chủ được hàng loạt kĩ thuật như: Ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư cổ tử cung hay xạ trị ung thư vú, ung thư buồng trứng. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trước đây tỉ lệ chuyển tuyến lên tới trên 70% nhưng hiện nay chỉ còn dưới 1%. Điều này góp phần vào việc giảm tải cho Bệnh viện K, công suất giường bệnh từ 300% xuống còn hơn 100%. Những kỹ thuật khó như ghép tạng cũng được các bệnh viện tỉnh (Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hoá, Đà Nẵng…) thực hiện thành công từ việc chuyển giao công nghệ. Không chỉ thêm những bệnh nhân khoẻ mạnh, nhân thêm tinh thần nhân văn, 'trao đi là mãi mãi' mà điều này chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của đa ngành (cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật…), tinh thần ham học hỏi của bác sĩ Việt ở tuyến dưới trong việc chinh phục những kỹ thuật khó.

Khi tuyến trên tập trung kỹ thuật cao, sâu, y tế cơ sở (huyện, xã, thôn, bác sĩ gia đình) cũng tập trung nhiệm vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh ban đầu, đúng với vai trò tuyến đầu, là nền tảng, xương sống và là 'người gác cổng' của hệ thống y tế toàn quốc. Năm 2019, 26 trạm y tế xã tại 8 tỉnh, thành phố do Bộ Y tế lựa chọn thí điểm tiếp tục hoàn thiện, hoạt động theo mô hình bác sĩ gia đình, thu hút đông bệnh nhân tới khám, chữa bệnh, cho thấy đây là hướng đi đúng trong định hướng 'rút ngược' bệnh nhân về tuyến dưới. Bởi tới đây, người dân được chăm sóc không chỉ khi bị bệnh, được nhận thuốc điều trị mà còn được tư vấn sức khoẻ, lập hồ sơ sức khoẻ cá nhân… Mô hình này tiếp tục được nhiều tỉnh, thành phố chủ động nhân rộng.

Để đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động y tế cơ sở, năm 2019, Bộ Y tế thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá về tài chính, trong đó tiến hành xây dựng danh mục và giá dịch vụ y tế cơ bản tại trạm y tế xã, được coi là bước đi tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện.

Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh sẽ góp phần giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện, giảm thiểu tối đa các lỗi bất cẩn của con người.

Bao phủ sức khoẻ toàn dân, hướng tới chăm sóc, cải thiện giống nòi Việt

Năm 2020 là năm 'về đích' của nhiều chương trình, kế hoạch về ngành Y tế như Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số 2016-2020; Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Đề án Bệnh viện vệ tinh 2013-2020; Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020… Để hoàn thành đòi hỏi sự nỗ lực lớn mang tính 'bứt tốc' của toàn ngành.

Bộ Y tế cho biết, năm 2020 ngành tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc người khi còn khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, tăng cường y tế dự phòng, phát hiện sớm bệnh, kiểm tra sức khỏe khi mới bị bệnh, gắn với y học gia đình, gắn y tế xã phường. Cùng đó, khi người dân bị bệnh phải vào bệnh viện phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, giảm thời gian điều trị, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thực hiện 'dây rút ngược' ngành Y, giảm bớt người Việt ra nước ngoài chữa bệnh, thu hút nhiều người nước ngoài đến Việt Nam chữa trị; Từng bước đổi mới toàn diện cơ chế tài chính, tự chủ, giá dịch vụ, kết hợp công tư… trong ngành Y tế.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!