Có khá nhiều bệnh nhân trong đời đã từng bị ngất. Có người ngất xảy ra liên tục và họ rất lo sợ cũng như không biết phải làm thế nào để phòng và điều trị ngất. Bài viết sau sẽ góp phần trả lời phần nào những thắc mắc ấy.
Thế nào gọi là ngất?
Ngất là một hội chứng bao gồm nhược cơ toàn thân kèm theo mất trương lực tư thế không có khả năng đứng thẳng và mất ý thức. Thường bệnh nhân luôn cảm thấy trước cơn ngất với cảm giác thấy khó chịu, có cảm giác lảo đảo quay cuồng của mặt đất và các đồ vật xung quanh. Các giác quan trở nên lộn xộn, ngáp nhiều chảy nước mắt và có cảm giác ù tai, nôn và buồn nôn. Mặt bệnh nhân trở lên nhợt nhạt vã mồ hôi lạnh và ngã xuồng kèm mất ý thức thường gọi là bất tỉnh.
Mức độ ngất và thời gian ngất thay đổi rất nhiều tùy theo bệnh gây ra ngất, có thể chỉ vài giây, vài phút thậm chí kéo dài đến nửa giờ. Tuy mất ý thức nhưng các cơ vòng vẫn được kiểm soát tốt nên không bị tiêu tiểu ra quần. Mạch của bệnh nhân rất yếu, huyết áp thấp hoặc không đo được. Tuy nhiên, có điều khác với động kinh hay các bệnh co giật khác khi bệnh nhân hồi phục không hề bị đau đầu và tình trạng thẫn thờ không tỉnh táo sau cơn ngất.
Các nguyên nhân gây ngất
Loại ngất thường gặp nhất là ngất do kích ứng thần kinh phế vị. Với nguyên nhân này ngất có thể xảy ra ngay cả ở những người khỏe mạnh, nó thường hay bị đi bị lại và liên quan nhiều đến việc bị stress, hay xảy ra ở trong những phòng nóng và có đông người. Bệnh nhân bị ngất với mạch nhanh, huyết áp hạ, tim đập chậm chứ không đập nhanh như các trường hợp tụt huyết áp khác do kích thích của dây thần kinh phế vị. Khi xảy ra ngất trong trường hợp này nên cho bệnh nhân nằm đầu thấp và đưa hai chân lên cao, loại bỏ các tác nhân gây kích thích thì bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh chóng.
Ngất do tim thường xảy ra khi hiệu suất bơm máu của tim đi nuôi các cơ quan nhất là não bị giảm đột ngột do loạn nhịp tim
Loại ngất thứ hai có liên quan đến bệnh tim mạch đó là ngất do hạ huyết áp tư thế: loại ngất này hay xảy ra ở những bệnh nhân có tiền căn hạ huyết áp tư thế là một bệnh tim mạch mạn tính. Bệnh xảy ra khi bệnh nhân đang ngồi hay nằm mà đứng dậy khá nhanh hay đứng lâu quá. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị mất phản xạ co mạch làm cho huyết áp bất ngờ hạ nhanh và máu không về tim đủ gây ra phản xạ trên tim và gây ngất. Với loại ngất này việc đứng lên hay ngồi xuống cần phải cẩn thận và nhất là không nên đứng lâu ở trạng thái bất động, kèm theo tập thể dục hàng ngày là liệu pháp phòng ngừa tốt nhất.
Nguyên nhân xếp hàng thứ ba mới là ngất do tim. Ngất do tim thường xảy ra khi hiệu suất bơm máu của tim đi nuôi các cơ quan nhất là não bị giảm đột ngột do loạn nhịp tim. Với người bình thường nhịp tim không được chậm dưới 35 - 45 lần phút và nhanh không quá 180 lần một phút. Ở những người có bệnh tim thì ngưỡng này thay đổi rất nhiều và tùy theo tư thế của bệnh nhân đang đứng hay đang nằm mà hiện tượng ngất do tim có thể xảy ra. Việc rối loạn trong dẫn truyền giữa tâm nhĩ và tâm thất cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ngất do bệnh của tim nhiều nhất. Việc phòng ngừa rất đơn giản, bệnh nhân chỉ cần khám và đo điện tim, nếu thấy có bất thường về dẫn truyền thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa tim mạch tư vấn và điều trị có hiệu quả.
Một số bệnh nhân khác có thể bị ngất sau khi bị một số bệnh nặng về tim như hồi máu cơ tim, suy tim, viêm cơ tim, tăng áp động mạch phổi. Khi đó bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được điều trị và làm một số thủ thuật quan trọng như: thông tim đặt stent động mạch vành, đốt bằng sóng cao tần, sử dụng thuốc…
Ngoài ra còn một số nguyên nhân hiếm gặp nhưng không phải là không có chúng ta cũng cần chú ý đến như: ngất do kích thích xoang cảnh, ngất do ho nhiều, ngất do đau dây thần kinh phế vị…
PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM
(Giảng viên cao cấp Đại học Y dược TP.HCM)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!