Ngày xuân, tìm hiểu một số bánh chưng độc, lạ

Sống khỏe mạnh - 05/14/2024

Bánh chưng là món ăn truyền thống dịp Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, bánh chưng được biến tấu thành nhiều loại bánh khác độc đáo, hấp dẫn hơn.

Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ của mỗi gia đình Việt Nam mỗi dịp Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, bánh chưng còn được biến tấu thành nhiều loại bánh khác độc đáo, hấp dẫn hơn. Hãy cùng khám phá những biến tấu ngon lạ từ chiếc bánh chưng xanh cổ truyền các bạn nhé.

Bánh chưng ngũ sắc

Ngày xuân, tìm hiểu một số bánh chưng độc, lạ

Bánh chưng ngũ sắc đặc biệt bởi có 5 màu: vàng, xanh, tím, đỏ, trắng tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với ý nghĩa mang lại sự bình an và may mắn cho năm mới.

5 màu của bánh đều được làm bằng nguyên liệu tự nhiên: màu vàng của nghệ, màu xanh từ nước của lá riềng xay, màu tím từ nếp cẩm, màu đỏ của gấc.

Chiếc bánh ngũ sắc tuyệt vời không chỉ ở màu sắc mà còn có mùi vị rất thơm, là sự quyện hòa của 5 vị khác nhau, khiến người ăn không dễ bị ngấy.

Để làm được một chiếc bánh chưng ngũ sắc cần nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, kỹ thuật cầu kỳ, người nội trợ phải khéo léo trong các khâu: ngâm gạo, pha nước màu, đổ gạo vào khuôn, gói chặt tay sao cho các màu không bị lẫn với nhau và để bánh có 5 màu đẹp nhất.

Bánh chưng gấc

Ngày xuân, tìm hiểu một số bánh chưng độc, lạ

Những năm gần đây, thị trường bánh chưng ngày Tết còn xuất hiện thêm 1 loại bánh mới là bánh chưng gấc của làng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội). Bánh vẫn có vỏ ngoài là màu xanh truyền thống nhưng bên trong là màu đỏ au đẹp mắt quyện cùng vị thơm ngầy ngậy của gấc.

Nguyên liệu làm bánh được người dân làng Tranh Khúc lựa chọn rất cẩn thận: gạo nếp cái hoa vàng của Hải Hậu (Nam Định), quả gấc có độ chín vừa và lá gói bánh phải là lá dong nếp rừng.

Nhân bánh vẫn làm từ đỗ xanh, thịt lợn nạc nhiều hơn mỡ và được trộn thêm đường, khi ăn cảm nhận được vị dẻo, nhuyễn và hài hòa giữa các nguyên liệu.

Khâu luộc bánh cũng đòi hỏi người làm phải cẩn thận và có kỹ thuật, bánh chưng gấc sau khi luộc xong phải được ép để giữ được độ dền, chặt.

Bánh chưng cốm

Ngày xuân, tìm hiểu một số bánh chưng độc, lạ

Bánh chưng cốm là loại bánh được nhiều người ưa chuộng mỗi dịp Tết. Nguyên liệu làm bánh chưng cốm là gạo nếp ngâm với cốm khô, lá thơm để tạo màu xanh và mùi thơm đặc trưng. Nhân bánh là nhân đỗ xanh, có thịt nạc bên trong.

Bánh ăn có vị bùi, dẻo thơm của cốm và còn hấp dẫn hơn bởi 5 sắc màu đẹp mắt: màu hồng của thịt lợn, màu trắng của nếp dẻo thơm, màu xanh vàng của lá dong, màu xanh ngọc của cốm và màu vàng của nhân đậu.

Bánh chưng cẩm

Ngày xuân, tìm hiểu một số bánh chưng độc, lạ

Bánh chưng cẩm (bánh chưng đen) là món bánh truyền thống của người Tày ở Lạng Sơn. Điểm đặc biệt của loại bánh này là có màu đen tím và hình dạng tròn, dài, giống bánh tét ở miền Nam.

Nguyên liệu chính làm nên bánh chưng cẩm là: rơm nếp vàng đốt thành tro, gạo nếp, thịt mỡ, đậu xanh. Bánh chưng cẩm ăn mềm, dẻo, có vị thanh mát rất riêng. Bánh ngon nhất là khi nướng trên than hồng, lớp lá gói ngoài cháy hết cũng là lúc ngửi thấy mùi thơm của thịt mỡ, gạo nếp tỏa lan trong không khí.

Bánh chưng chay

Ngày xuân, tìm hiểu một số bánh chưng độc, lạ

Bánh chưng chay giống loại bánh chưng xanh thông thường, vỏ ngoài được gói bằng lá dong xanh, bên trong là gạo nếp với nhân làm từ đỗ xanh, được đồ chín tới, trộn với những sợi nấm hương nhỏ, được xao tẩm kỹ cùng một số gia vị tạo nên hương vị thơm ngon đậm đà.

Nhân bánh chưng chay có thể được thay bằng hạt sen, gấc, bí đao hoặc dừa. Bánh chưng chay sau khi luộc xong, cần được vớt ra và rửa trong nước lạnh để lớp nhựa hết dính vào lá, có như vậy bánh mới giữ được lâu.

Hải Hà

(Ảnh minh họa: Internet)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!