Nghĩa cử cao đẹp của nữ bác sĩ hiến giác mạc cho y học

Sống khỏe mạnh - 05/22/2024

Bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa trút hơi thở cuối cùng trưa hôm qua, ngày 30/8/2016 bởi căn bệnh ung thư vú di căn vào tận xương.

Để lại bao nỗi tiếc thương vô hạn cho người ở lại, chị cũng để lại một nghĩa cử cao đẹp cho đời: hiến tạng giác mạc, mô duy nhất còn lại chưa bị căn bệnh ung thư xâm chiếm, để có thêm những mảnh đời bất hạnh có cơ hội tìm lại ánh sáng.

Nghĩa cử cao đẹp của người bác sĩ - chiến sĩ công an nhân dân

Chị nằm đó, khuôn mặt phúc hậu, mái tóc lưa thưa vì tác dụng của những đợt điều chị hóa chất, trong chúng tôi dâng lên niềm xúc động khó tả.

Các y bác sĩ, những người đồng đội, đồng nghiệp của chị trong giờ khắc thiêng liêng đó, không ai bảo ai cùng nghiêng mình trước chị - người bác sĩ, chiến sĩ công an - Trưởng khoa Mắt bệnh viện (BV) 19-8, Bộ Công an.

Với mong muốn hiến tạng cho y học, nhưng do đã trải qua thời gian dài điều trị hóa chất chữa bệnh ung thư, nên chỉ còn lại giác mạc - bộ phận cơ thể duy nhất còn có thể giúp ích được những người khác, bác sĩ (BS) Vũ Thị Thoa mong muốn được hiến tặng cho người bệnh. Di nguyện của chị được chồng, các con và tập thể y bác sĩ hết lòng trân trọng, ủng hộ.

Nghĩa cử cao đẹp của nữ bác sĩ hiến giác mạc cho y học

Những người đồng đội, bác sĩ kính cẩn nghiêng mình trước chị.

Chiều cùng ngày, đôi giác mạc của BS - đại tá Vũ Thị Thoa đã được các cán bộ y tế Ngân hàng Mắt, BV Mắt Trung ương lấy, bảo quản, giữ gìn cẩn thận. Người BS nhãn khoa trước khi nằm xuống vẫn đau đáu nghĩ về những số phận còn thiệt thòi, góp phần nhỏ bé nhưng đầy cao cả và ý nghĩa trong công cuộc giải phóng mù lòa.

20 năm chiến đấu với ung thư và kiên cường sống, kiên cường làm việc

Đó là một chặng đường đầy gian nan nhưng phi thường ở người bác sĩ ấy. Các đồng nghiệp ở BV 19 - 8 ai ai cũng khâm phục về nghị lực vượt qua bệnh tật, sống lạc quan yêu đời của bác sĩ Vũ Thị Thoa.

Tốt nghiệp đại học rồi bác sĩ nội trú khóa 14, về công tác tại khoa Mắt BV 19-8. Nhưng vào năm 1996, khi đang mang trong mình sinh linh bé nhỏ thứ 2, bác sĩ Thoa thấy xuất hiện một khối hạch ở nách. Khi biết mình bị ung thư vú, chị âm thầm đối mặt; năm 1997 khi sinh em bé xong, chị bắt đầu chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Là một bác sĩ, hơn ai hết chị hiểu rõ bệnh tình của mình và kiên trì điều trị. Bạn bè, đồng nghiệp vô cùng ngưỡng mộ nghị lực, tinh thần lạc quan, vui vẻ, luôn sống hết mình với công việc, với mọi người của BS. Vũ Thị Thoa. BS. Lý Minh Đức người đồng nghiệp của chị trong khoa chia sẻ:

'Điều chúng tôi khâm phục nhất ở chị Thoa là chưa bao giờ thấy chị bi quan. Chị luôn sống tích cực, lạc quan. Chị tham gia vào nhiều công việc, kể cả các đợt đi khám chữa bệnh từ thiện cho bà con vùng sâu vùng xa; chị luôn tạo điều kiện giúp đỡ những BS trẻ mới về khoa; và đặc biệt ở chị có một sự thấu hiểu đồng cảm với người bệnh'.

Nghĩa cử cao đẹp của nữ bác sĩ hiến giác mạc cho y học

Giác mạc lấy ra được bảo quản trong dung dịch đặc biệt.

BS. Trần Quốc Hùng- Phó Giám đốc Bệnh viện 19-8, phụ trách khối ngoại, người trực tiếp điều trị bệnh cho chị Thoa không giấu niềm cảm phục: 'Chị Thoa là một con người có nghị lực phi thường. Mặc dù đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, năm 2013 phát hiện đã di căn nhưng trong thời gian điều trị nhưng chị vẫn theo học BS chuyên khoa 2. Mới đây, vào tháng 12/2015, chị đã hoàn thành xuất sắc luận án tốt nghiệp BS CK 2. Chị vẫn cố gắng hoàn thành và thực hiện các công việc đều đặn trong khoa cho đến lúc cuối phải nằm trên giường bệnh'.

BS. Thái Hoài Hương – Phó khoa Mắt, người em, người đồng nghiệp thân thiết của chị kể lại, chưa bao giờ nghe thấy một câu than vãn về bệnh tình chị đang mang. Cách đây 2 năm, chị Thoa vừa bị gãy cổ xương đùi, hậu quả của bệnh ung thư di căn vào xương, chị vẫn chống nạng lên sân khấu hát cùng mọi người trong một hội diễn của BV.

Hay mới tháng trước, trong khi đang là bệnh nhân điều trị trên tầng 8, thấy Khoa Mắt rất thiếu người vì các y bác sĩ được phân công đi khám bệnh ở tỉnh, chị Thoa vẫn xuống khoa hỗ trợ và họp giao ban với các đồng nghiệp.

Người bác sĩ đầu tiên hiến tạng cho y học

Đã có rất nhiều lá đơn, trong đó có không ít đơn của các cán bộ đã và đang công tác trong ngành y xin hiến tặng tạng cho y học sau khi qua đời. Và BS. Vũ Thị Thoa là người đầu tiên đã hoàn thành di nguyện cao cả của mình!

Di nguyện của chị Thoa được chồng, người cùng công tác trong ngành y (và cũng từng làm đề tài nghiên cứu về mắt cộng đồng) và con trai hiện đang là BS nội trú BV Mắt Trung ương hết sức ủng hộ, trân trọng và tự hào.

Nghĩa cử cao đẹp của nữ bác sĩ hiến giác mạc cho y học

Những người bạn, người đồng nghiệp chia sẻ nỗi đau của gia đình.

Trước khi tiến hành lấy giác mạc, gia đình và đồng nghiệp nghiêng mình dành 1 phút mặc niệm chia tay người vợ, người mẹ, người đồng đội đáng kính. Anh Tiến, chồng chị Thoa gọi 2 con tới bên mẹ, xúc động nói: 'Mẹ các con, khi mất đi vẫn còn làm được một điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời này!'. Tất cả chúng tôi, những người chứng kiến giây phút đó đều lặng đi!

Trong cơn bạo bệnh vượt qua những nỗi đau nhức của bệnh tật, chị vẫn không một lời than vãn, luôn nở nụ cười lạc quan với đồng nghiệp, luôn canh cánh trách nhiệm của một người thầy thuốc. Tâm nguyện của chị đã được thực hiện, rồi đây 2 con người không quen biết sẽ được thấy lại ánh sáng. Đó chính là điều đẹp đẽ nhất mà BS. Vũ Thị Thoa đã hoàn thành lúc lâm chung.

PGS. TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc BV Mắt Trung ương trao đổi với chúng tôi mà cảm xúc còn dâng trào qua giọng nói: 'Tuy đã tham gia vào nhiều ca lấy giác mạc nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi lấy giác mạc trên chính đồng nghiệp của mình, trên chính BS đã cống hiến cả đời trong ngành mắt. Thật vô cùng cảm kích. Nghĩa cử cao đẹp của BS. Thoa giúp cho những người còn sống chúng ta nghĩ về trách nhiệm của mình với những con người kém may mắn đang sống trong cảnh mù lòa, nghĩ về những việc cần phải làm. Với 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, nhu cầu được ghép giác mạc rất lớn. Nhưng mỗi năm chúng ta nhận đươc trên dưới 100 giác mạc từ 50 người hiến, và khoảng 100 giác mạc từ nước ngoài. Mong xã hội sẽ hiểu hơn về việc hiến tặng giác mạc để góp sức cùng  BS nhãn khoa chúng tôi làm sáng lên những đôi mắt cho đời'.

Vâng, sự hồi sinh của những cuộc đời mới, của những tương lai đang được mong chờ, bắt đầu từ chính nhận thức và nghĩa cử cao đẹp của mỗi người, của bạn và của tôi!

Giác mạc hiến tặng được lấy trong khoảng từ 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (khoảng 25-30 phút). Kỹ thuật viên chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước lòng đen nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khuôn mặt người hiến.

Những người mắc bệnh nan y như ung thư, người có thị lực kém (cận, viễn, loạn, đục thuỷ tinh thể...) hay đã từng phẫu thuật về mắt mà giác mạc vẫn còn tốt thì vẫn có thể hiến tặng giác mạc.

>> Xem thêm: Hiến tạng cứu người: Chuyện không của riêng ai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!