Theo ước tính của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, mỗi năm có khoảng 128.000 người Mỹ phải nhập viện và khoảng 3.000 người Mỹ tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm là bệnh do ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm. Tác nhân gây ô nhiễm thường gặp bao gồm: vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng. Ngoài ra có thể bị ngộ độc khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm do hóa chất.
Các vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của vi khuẩn có thể làm ô nhiễm thực phẩm tại bất kỳ thời điểm nào của quá trình sản xuất, tiêu thụ, bảo quản hoặc chế biến. Thực phẩm thường bị ô nhiễm chéo do các vi sinh vật có hại từ một bề mặt khác lây truyền tới thực phẩm sạch không bị ô nhiễm.
Nguyên nhân, thời gian khởi phát và nguồn bệnh:
Có rất nhiều tác nhân là vi sinh vật gây bệnh khác nhau, một số tác nhân thường gặp là:
- Campylobacter:
Thời gian khởi phát triệu chứng 2-5 ngày.
Thịt và gia cầm, ô nhiễm xảy ra trong quá trình xử lý nếu phân động vật gây ô nhiễm với bề mặt thực phẩm. Các nguồn khác bao gồm sữa chưa được tiệt trùng và nguồn nước bị ô nhiễm.
- Clostridium botulinum (Thường gọi là trực khuẩn độc thịt):
Thời gian khởi phát triệu chứng 12-72 giờ.
Các loại thực phẩm đóng hộp có độ a-xít thấp, các loại thực phẩm thương mại đóng hộp không đúng cách, thực phẩm hun khói hoặc cá muối, khoai tây nướng trong giấy nhôm, và các thực phẩm khác được giữ ở nhiệt độ nóng quá lâu.
- Clostridium perfringens:
Thời gian khởi phát triệu chứng 8-16 giờ.
Thịt, các món hầm và nước thịt, thường lây lan khi không giữ thực phẩm đủ nóng hoặc thực phẩm đưa vào bảo quản lạnh quá chậm.
- Escherichia coli (E. coli) O157:H7:
Thời gian khởi phát triệu chứng 1-8 ngày.
Thịt bò bị nhiễm phân trong quá trình giết mổ, lây lan chủ yếu khi thịt bò chưa nấu chín. Các nguồn khác bao gồm sữa chưa được tiệt trùng, rau sống, và nguồn nước bị ô nhiễm.
- Listeria:
Thời gian khởi phát triệu chứng 9-48 giờ.
Xúc xích, sữa chưa tiệt trùng và pho mát, và những sản phẩm thô chưa rửa sạch, vi khuẩn có thể được lan truyền qua đất và nước bị ô nhiễm.
- Norovirus:
Thời gian khởi phát triệu chứng 12-48 giờ.
Thực phẩm chế biến để ăn sẵn, động vật thủy sinh có vỏ như nghêu sò, ốc… bị ô nhiễm. Vi-rút có thể được lây lan bởi bộ dụng cụ xử lý thực phẩm bị lây nhiễm vi-rút.
- Rotavirus:
Thời gian khởi phát triệu chứng 24-72 giờ.
Thực phẩm sản xuất dùng để ăn sẵn. Có thể được lây lan bởi một bộ xử lý thực phẩm bị nhiễm bệnh.
- Salmonella:
Thời gian khởi phát triệu chứng 24-72 giờ.
Thịt, sản phẩm gia cầm, sữa hoặc trứng… bị ô nhiễm có thể lây lan do dao, thớt hoặc bộ xử lý thực phẩm bị ô nhiễm.
- Shigella:
Thời gian khởi phát triệu chứng 24-48 giờ.
Hải sản và sản phẩm tươi, sống... Vi khuẩn có thể được lây lan bởi một bộ xử lý thực phẩm bị nhiễm bệnh.
- Staphylococcus (Tụ cầu khuẩn):
Thời gian khởi phát triệu chứng 1-6 giờ.
Các loại thịt và rau trộn chuẩn bị sẵn, nước sốt kem, bánh ngọt… có thể lây lan qua tiếp xúc bằng tay, ho và hắt hơi từ người sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm.
Yếu tố nguy cơ:
Cho dù ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm, nhưng có gây bệnh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sứcđề kháng của cơ thể, số lượng vi sinh vật tiếp xúc, loại vi sinh vật gây bệnh… Những người có nguy cơ cao dễ bị ngộ độc thực phẩm là người già, phụ nữ có thai, trẻ em và trẻ sơ sinh, người có bệnh mạn tính.
Người già hệ thống miễn dịch không đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả với các sinh vật gây bệnh.
Phụ nữ trong khi mang thai, những thay đổi trong quá trình chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ em chưa phát triển một cách đầy đủ, trong khi những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh gan, ung thư… làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu.
Triệu chứng:
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu trong vòng vài giờ thậm chí đến vài ngày sau khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm, các triệu chứng thường gặp là: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt… Thông thường, ngộ độc thực phẩm là nhẹ và không cần nhập viện điều trị. Tuy nhiên trong những trường hợp nặng thì ngộ độc thực phẩm có thể gây tử vong nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.
Biến chứng:
Các biến chứng nghiêm trọng phổ biến của ngộ độc thực phẩm là tình trạng mất nước. Mất nước và điện giải kéo theo các rối loạn khác như suy thận cấp, hạ huyết áp, trụy tim mạch… Cần đặc biệt lưu ý biến chứng này ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và người có bệnh mạn tính. Trong trường hợp nặng, mất nước và các biến chứng có thể gây tử vong.
Chẩn đoán:
Ngộ độc thực phẩm thường được chẩn đoán dựa trên bệnh sử chi tiết, bao gồm các triệu chứng đã xuất hiện, thời gian xuất hiện triệu chứng và các loại thực phẩm mà người bệnh đã tiêu thụ. Tùy thuộc vào triệu chứng và bệnh sử, bác sĩ có thể tiến hành thêm một số xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm máu, cấy phân, kiểm tra ký sinh trùng để tìm nguyên nhân và xác định chẩn đoán.
Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm thường không khó nhưng trong một số trường hợp có thể không tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm:
Thông thường ngộ độc thực phẩm là nhẹ và thường khỏi trong vòng 48 giờ mà không cần nhập viện điều trị.
Nếu bạn có dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm hãy để cho hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi bằng cách không nên ăn trong vài giờ, nên uống nhiều nước, uống từng ngụm nhỏ để tránh mất nước, các dung dịch điện giải như oresol là một lựa chọn hữu ích. Đừng quên cơ thể cần được nghỉ ngơi để tránh mệt mỏi.
Khi các triệu chứng đã giảm đi, có thể ăn lại một cách từ từ nhưng nên thăm dò, tránh ăn các chất béo, tránh ăn nhiều sữa, hay pho mát, nên ăn thức ăn nhẹ dễ tiêu hóa như cháo, ruột bánh mỳ… Không sử dụng đồ uống có cồn hoặc cafein hay đồ uống có gas.
Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây, hãy tới cơ sở y tế để được khám và điều trị:
- Thường xuyên nôn mửa và không kiểm soát được tình trạng nôn.
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.
- Đi ngoài phân lỏng hơn 3 lần/ngày.
- Đau bụng quá mức.
- Sốt trên 38.6oC.
- Có dấu hiệu hoặc triệu chứng của mất nước như khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, mệt mỏi nghiêm trọng, chóng mặt hoặc hoa mắt.
- Xuất hiện các triệu chứng thần kinh như: Nhìn mờ, yếu cơ và cảm giác kiến bò, tê bì ở tay, chân.
Dự phòng:
- Rửa sạch đồ dùng và các dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm thường xuyên như dao, thớt...
- Rửa tay kỹ bằng nước ấm và xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn. Sử dụng nước nóng, nước xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt khác dùng khi chế biến thực phẩm.
- Giữ cho thực phẩm tươi sống tách biệt với các loại thực phẩm được chế biến sẵn để ăn. Khi mua, chuẩn bị thức ăn hoặc lưu trữ thực phẩm, cần giữ thịt, cá, sản phẩm gia cầm và động vật thủy sinh có vỏ cách xa các loại thực phẩm khác, điều này giúp ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
- Cách tốt nhất là nên rửa sạch và nấu chín kỹ thực phẩm để phòng chống ngộ độc, nhiệt độ cao có thể tiêu diệt sinh vật gây hại trong hầu hết các loại thực phẩm. Vì vậy nguyên tắc ăn chín, uống sôi vẫn là cách phòng bệnh hữu hiệu.
- Sử dụng tủ lạnh hoặc tủ đông để bảo quản các loại thực phẩm. Thực phẩm nên được để trong tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi mua hoặc chuẩn bị, chế biến. Nếu nhiệt độ phòng trên 32oC, các loại thực phẩm nên đưa vào tủ lạnh trong vòng 1 giờ.
- Rã đông thực phẩm một cách an toàn, không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng. Cách an toàn nhất để rã đông thực phẩm là để làm tan trong tủ lạnh. Nếu sử dụng lò vi sóng để rã đông, hãy chắc chắn là sẽ nấu thực phẩm ngay lập tức.
- Cần bỏ đi các loại thực phẩm không an toàn khi có nghi ngờ, một số loại thực phẩm khi để ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể chứa vi khuẩn hay độc tố mà khi đó không bị phá hủy bởi nhiệt. Bởi vậy, hãy loại bỏ những thực phẩm không chắc chắn về chất lượng.
>> Xem thêm:
114 người ngộ độc ở đám tang do đồ ăn nhiễm bẩn
Phòng tránh ngộ độc với cách không thể dễ hơn
Ăn trứng cóc, nam thanh niên bị ngộ độc
Ảnh minh họa: Internet
Quang Thanh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!