Ngứa do lạnh

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Dị ứng do lạnh là hiện tượng các phản ứng dị ứng của cơ thể xảy ra khi nhiệt độ xuống thấp.

Thế nào là dị ứng do lạnh?

Dị ứng do lạnh là hiện tượng các phản ứng dị ứng của cơ thể xảy ra khi nhiệt độ xuống thấp. Hiện tượng này thường biểu hiện khi nhiệt độ môi trường xuống thấp dưới 4,4oC nhưng cũng có những người bị dị ứng ở nhiệt độ cao hơn. Ngoài ra, gió và độ ẩm cao cũng là những yếu tố góp phần vào việc gây dị ứng khi nhiệt độ xuống thấp.

Ngứa do lạnh

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Hà Nội đang khám cho một bệnh nhân bị ngứa da do lạnh.   Ảnh: Thái Hà

Nguyên nhân của chứng dị ứng do lạnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Có thể da của những người bị chứng bệnh này trở nên nhạy cảm hơn khi nhiệt độ xuống thấp. Dị ứng do lạnh cũng có thể liên quan đến yếu tố di truyền, viêm nhiễm virut hoặc một số các yếu tố bệnh lý khác. Nhiệt độ thấp là một tác nhân kích thích sự giải phóng các chất như histamin gây các phản ứng dị ứng toàn thân hoặc khu trú.

Ai có nguy cơ bị dị ứng do lạnh?

Dị ứng do lạnh có thể xảy ra ở mọi nhóm tuổi và không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Tuy nhiên, người ta thấy ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng thì hay bị hơn và các triệu chứng của bệnh thì giảm dần khi trẻ lớn lên. Dị ứng do lạnh cũng gặp ở người sau nhiễm virut, sau viêm phổi do mycoplasma… Người mắc các bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, viêm gan, các bệnh tim phổi mạn tính cũng có nguy cơ cao bị dị ứng khi nhiệt độ xuống thấp. Gần đây, một số nghiên cứu cũng cho thấy chứng dị ứng do lạnh có tính chất gia đình (liên quan đến gen), một gia đình có nhiều người cùng bị bệnh hoặc ở những gia đình có người mắc các bệnh tự miễn cũng dễ dàng bị dị ứng khi lạnh hay có biểu hiện hội chứng giả cúm do thời tiết.

Biểu hiện

Biểu hiện của dị ứng do lạnh bao gồm các triệu chứng như mẩn ngứa, nổi ban đỏ vùng da bị tiếp xúc với không khí lạnh. Ngoài ra, tay, chân bệnh nhân có thể nề đỏ, ngứa nhiều sau khi cầm các đồ vật có nhiệt độ thấp, phù nề môi, lưỡi, thanh môn sau ăn kem, nước đá. Trường hợp bệnh nhân bị phù nề thanh môn có thể gây suy hô hấp cấp và tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Một số trường hợp có biểu hiện toàn thân khi bệnh nhân tắm trong nước lạnh hoặc đi vào vùng thời tiết quá lạnh mà không đủ quần áo ấm. Trong những trường hợp này, các biểu hiện toàn thân có thể có như ngất xỉu, tụt huyết áp, mẩn đỏ hoặc phù quink toàn thân, hết sức nguy hiểm và có thể gây tử vong cho bệnh nhân.

Biểu hiện dị ứng của cơ thể do lạnh thì rất khác nhau ở từng đối tượng cả về mức độ và thời giai. Có bệnh nhân chỉ mẩn ngứa nhẹ do lạnh và triệu chứng hết nhanh trong vòng nửa giờ sau khi thôi tiếp xúc với không khí hoặc vật thể lạnh trong khi người khác thì có phản ứng dữ dội toàn thân và các triệu chứng chỉ mất đi sau nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng.

Điều trị thế nào?

Việc xử trí chứng dị ứng do lạnh phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của triệu chứng. Việc đầu tiên là tách bệnh nhân ra khỏi môi trường hoặc vật thể gây lạnh như đưa bệnh nhân từ ngoài trời lạnh vào nhà, ủ chăn hoặc sưởi ấm. Nhiều khi các triệu chứng giảm hẳn sau khi bệnh nhân không còn bị lạnh. Sau đó, có thể cho bệnh nhân uống nước ấm và sử dụng một số thuốc chống dị ứng như kháng histamin, prednisolon (đường uống hoặc tiêm nếu cần). Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng, phải tuân thủ theo các phác đồ cấp cứu như đảm bảo hô hấp, tuần hoàn, khí dung adrenalin (nếu có phù thanh môn gây suy hô hấp cấp)  hoặc tiêm (dưới da, tĩnh mạch) nếu có biểu hiện như sốc phản vệ cộng thêm với các thuốc đường tĩnh mạch khác như methylprednisolon đồng thời theo dõi bệnh nhân hết sức chặt chẽ. Sau khi bệnh nhân đã ổn sẽ chuyển sang dùng các thuốc theo đường uống cho tới khi hết các triệu chứng.

Cần giữ ấm cơ thể

Người bị dị ứng do lạnh nên tránh đi ra ngoài trời lạnh hoặc chú ý mặc ấm, khăn quàng bịt mặt hoặt đeo khẩu trang dày khi phải ra ngoài để tránh hít thở không khí quá lạnh; nên tránh tiếp xúc hoặc ăn uống những đồ lạnh quá như nước đá, bia lạnh; những người có sở thích bơi lội nên tránh đi bơi hoặc bơi tại các bể bơi trong nhà hoặc nước đã được sưởi ấm.

Ngứa do lạnh

Trang bị đủ ấm khi đi ngoài trời lạnh để phòng tránh dị ứng. Ảnh: Hoàng Hà

Tất cả những người có tiền sử đã bị hoặc có nguy cơ bị dị ứng do lạnh nên được tư vấn bởi những thầy thuốc chuyên khoa dị ứng để tự chủ động phòng ngừa và xử trí khi có biểu hiện dị ứng xảy ra do lạnh. Ở những người thường xuyên bị dị ứng do lạnh, có thể uống thuốc kháng dự phòng ngay trước khi phải làm việc hoặc đi vào vùng có nhiệt độ thấp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!