Người cao tuổi dễ mắc bệnh bởi “ngày nóng đêm lạnh”

Cần biết - 11/28/2024

Thời tiết thay đổi bất thường, sáng nắng chiều se lạnh của TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung trong những ngày cuối năm khiến người già và trẻ nhỏ dễ bị mắc bệnh đường hô hấp, tim mạch và đau xương khớp.

Đau nhức xương khớp

Đây là bệnh lý xuất hiện nhiều nhất ở người lớn tuổi khi thời tiết thay đổi đột ngột theo kiểu cả ngày nắng nóng, chiều tối lại se se lạnh. Sự thay đổi nhiệt độ liên tục khiến các mạch máu nuôi dưỡng trở nên kém tuần hoàn máu, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng viêm khớp, nhất là những người đã mắc chứng thoái hóa xương.

Bệnh bắt đầu từ cơn đau khớp gối, sưng khớp, người bệnh cảm thấy khó vận động khớp gối, khó co duỗi chân, ngồi xuống đứng dậy và lên xuống cầu thang cũng trở nên khó khăn. Cách làm giảm cơn đau là xoa bóp vùng đau bằng các loại rượu thuốc để làm tăng lượng máu lưu thông, ngoài ra cũng có thể tập thể dục bằng các động tác nhẹ nhàng như đi lại và co duỗi chân. Không nên dùng các loại thuốc giảm đau, nhất là những loại thuốc không nguồn gốc có công hiệu trị “bách bệnh”.

Ngoài đau khớp, uể oải toàn thân hoặc đau lưng cũng là những triệu chứng thường thấy. Với người có tuổi, chuyện đau lưng nhức mỏi đã không còn xa lạ, tuy nhiên bệnh sẽ rõ hơn khi thời tiết thay đổi đột ngột. Có nhiều nguyên nhân khiến đau lưng, song ở người già, tình trạng thoái hoá đốt sống là nguyên nhân chủ yếu. Chứng đau lưng vào thời khắc chuyển mùa thường chuyển từ âm ĩ sang đau dữ dội đến mức không thể nằm lâu, không thể ngồi lâu.

Người cao tuổi dễ mắc bệnh bởi “ngày nóng đêm lạnh”Ảnh minh họa

Xoa bóp cũng là một trong những cách tốt nhất giúp giảm cơn đau do giúp tăng lượng máu đến với vùng bị tổn thương của các đốt xương. Người nhà có thể dùng thuốc rượu hoặc dầu nóng xoa ở các đốt sống của cột sống, xoa tập trung nhiều hơn ở thắt lưng vì đây là khu vực gây đau nhiều nhất. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc giảm đau vì rất dễ gây tác dụng phụ. Muốn uống thuốc, cần đến bác sĩ để khám thật kỹ những bệnh kèm theo và uống theo liều cho phép.

Viêm phổi và viêm đường hô hấp

Ngoài đau nhức, các bệnh đường hô hấp như đau họng, ho, chảy nước mũi, viêm phế quản, giãn phế quản, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là mối đe dọa đến tính mạng người cao tuổi trong những ngày thời tiết biến đổi khí hậu bất thường.

Viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm mà người già dễ bị mắc phải khi thời tiết thay đổi đột ngột trong ngày. Không như người trẻ, cơ thể người già đã suy yếu, sức đề kháng không còn mạnh mẽ, thêm nữa một số người còn mắc một số bệnh mạn tính đường hô hấp như giãn phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính… Chính vì thế đôi khi chỉ cần ho vài cơn đã có thể trở nặng thành viêm phổi cấp tính rất nguy hiểm.

Thực tế điều trị vào những ngày cuối năm tại TP.HCM cho thấy nhiều bệnh nhân lớn tuổi bị viêm phổi cấp tính, nhập viện trong tình trạng mê man nhưng trước đó không hề bị sốt cao, người nhà cũng không thấy có những biểu hiện khác như ho kéo dài hoặc than mệt, than khó chịu. Thông thường những người cao tuổi bị viêm phổi nặng là những người quá ít vận động, nhiều hơn cả là nhóm bị bệnh mạn tính, hoặc nhóm sống thực vật do mắc bệnh lý khác. Trước cơn trở nặng, người bệnh thường thở gấp, ho liên tục, hoa mắt ù tai, khó thở tức ngực, miệng khô, lưỡi trắng.

Cách tốt nhất để ngăn các bệnh viêm đường hô hấp ở người già là đảm bảo sao cho cơ thể không được thay đổi nhiệt độ đột ngột: Khi ra đường nắng nóng cần được mặc kín, che chắn, không vào phòng máy lạnh ngay sau khi đi từ ngoài nắng nóng vào, tránh tắm bằng nước lạnh một cách đột ngột. Trong ăn uống, không nên dùng thức uống có nhiệt độ quá lạnh, cần ăn đủ chất trong đó phải có chất xơ, ăn nhiều rau quả để cung cấp đủ các loại vi chất có lợi cho sức đề kháng. Lưu ý cần phải uống đủ lượng nước cần thiết để tránh tình trạng cơ thể mất nước. Về giấc ngủ, tránh nằm ngay hướng quạt và máy điều hòa dù trong ngày nắng nóng. Đêm nên giữ ấm cơ thể nhưng không gian phòng ngủ nên thoáng không khí.

Bệnh tim mạch và chứng đột quỵ não

Bệnh lý huyết áp cùng sự xơ cứng mạch máu kết hợp với sự thay đổi thời tiết nhanh chóng trong ngày là những yếu tố nguy cơ khiến người lớn tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh lý tim mạch dễ bị chứng đột quỵ não do tai biến mạch máu não.

Sự thay đổi thời tiết đột ngột từ nóng sang lạnh có thể khiến lượng máu đến não giảm so với bình thường do mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp một cách đột ngột. Ngoài ra, huyết áp tăng cao đột biến cũng sẽ làm tăng áp lực trong lòng mạch, dẫn đến vỡ thành động mạch, đặc biệt, người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay cục máu đông.

Thông thường trong ngày, thời điểm dễ xảy tai biến là chiều tối và đêm. Triệu chứng đầu tiên là choáng váng, tê buốt cứng đờ hai bên thái dương, hoa mắt, tối sầm và quay cuồng. Một số người bị quỵ ngã, bất tỉnh, nửa người bị liệt, miệng bị giật méo sang một bên.

Để phòng chứng đột quỵ do tai biến mạch máu não, người lớn tuổi, đặc biệt là những người lớn tuổi có tiền căn mắc bệnh lý tim mạch, tránh để cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, không nên đi ra ngoài lúc nắng quá nóng, cũng không nên đang đi từ trời nắng vào phòng máy lạnh hoặc vì trời nóng mà tắm bằng nước quá lạnh. Về đêm hoặc sáng sớm khi trời se lạnh, cần giữ ấm cơ thể.

Với người bị bệnh tăng huyết áp, tuyệt đối không bước ra khỏi nhà để đi tập thể dục vào những sáng trời chuyển lạnh đột ngột vì tai biến đột quỵ, nhồi máu cơ tim dễ xảy ra vào những thời điểm này. Người tăng huyết áp nên ngồi dậy chậm vài phút sau khi thức giấc. Trước khi tập thể dục, cần làm nóng cơ thể bằng cách bài tập nhẹ ở trong nhà.

Một trong những việc cần làm khi thời tiết thay đổi là tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…Riêng với người nhà, nếu thấy người thân có biểu hiện bất thường như đột ngột mất thăng bằng, than đau đầu dữ dội, nôn ói không rõ nguyên nhân phải đặc biệt lưu tâm và cần nên đưa đến bệnh viện để được theo dõi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!