Trang Sohu đưa tin một ví dụ điển hình là trường hợp của Tiểu Ngô (Trung Quốc) năm nay 35 tuổi. Một năm trở lại đây, người phụ nữ này thường xuyên đau đầu, trí nhớ giảm sút nhưng không mấy chú ý. Cho đến khi chị Ngô phát bệnh đột ngột vào buổi tối và bị lạc đường, người nhà đưa đi khám mới biết chị mắc chứng bệnh Alzheimer của người già.
Alzheimer là một căn bệnh thoái hóa não thường xảy ra ở người già, nhưng vì sao nó vẫn có thể xuất hiện ở người trẻ? Các bác sĩ điều trị cho chị Ngô suy đoán rằng điều này có thể liên quan đến thói quen ăn sáng của bệnh nhân kéo dài suốt hơn 10 năm.
Theo đó, trong khoảng 10 năm trở lại đây, bữa sáng mỗi ngày của người phụ nữ này hầu như là quẩy và đây có thể là sai lầm chính khiến não bộ của cô bị lão hóa sớm gây ra căn bệnh Alzheimer. Bác sĩ giải thích rằng, trong quẩy thường có sử dụng chất phụ gia tạo phồng có chứa không ít nhôm như phèn chua, bột nở và soda... Sử dụng một thời gian dài sẽ dẫn đến lượng nhôm tiêu thụ vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Trong khi đó, nhôm là nguyên tố hoàn toàn không cần thiết đối với cơ thể con người. Khi một lượng nhôm lớn ở trong cơ thể quá lâu không được đào thải ra ngoài sẽ lắng đọng trong cơ thể gây hại cho não.
Nếu lượng nhôm vượt quá tiêu chuẩn sẽ bị lắng đọng trong não gây độc cho tế bào thần kinh não, gây tổn thương bệnh lý như rối loạn sợi thần kinh não, thoái hóa và hoại tử tế bào thần kinh dẫn đến giảm trí nhớ, xuất hiện các hành vi chậm chạm, trí tuệ cũng giảm sút...
Ngay từ năm 1989, Tổ chức y tế Thế giới WHO đã xếp nhôm là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm và khuyến cáo mức tiêu thụ hằng ngày cần được kiểm soát dưới 0.004g/người. Tuy nhiên, phần lớn phụ gia tạo xốp trong các thực phẩm như quẩy, màn thầu, bánh ngọt, bánh mì, bánh quy, khoai tây chiên, phồng tôm... vẫn sử dụng chất phụ gia chứa nhôm, do đó cần kiểm soát lượng thực phẩm sử dụng hằng ngày.
Một số loại thực phẩm sản xuất tràn lan không qua kiểm định có thể chứa hàm lượng nhôm lên đến 100mg/100g thực phẩm.
Bên cạnh đó bác sĩ cũng đưa ra những lý do rất có hại cho não bộ trong cuộc sống hằng ngày như sau:
1. Sử dụng vật dụng nhà bếp chứa nhôm cũng không tốt cho não
Các loại dụng cụ nhà bếp bằng nhôm thường có một lớp màng oxit dày đặc, trong trường hợp bình thường thì những dụng cụ này khá an toàn. Nhưng do được làm từ chế phẩm nhôm nên bề mặt của chúng rất dễ bị cạo mòn dẫn đến vô tình làm tràn nhôm ra ngoài. Đặc biệt khi tiếp xúc với dung dịch axit hoặc dung dịch có tính kiềm mạnh, lớp màng oxit phía trên bị phá hủy, từ đó nhôm phía trong có thể bị trộn lẫn với thực phẩm. Các chuyên gia y tế khuyên rằng, các bà nội trợ không nên hoặc hạn chế sử dụng nồi nhôm, thay vào đó hãy sử dụng các loại nồi bằng thép không gỉ, gốm sứ... để nấu ăn.
Khi tiếp xúc với dung dịch axit hoặc dung dịch có tính kiềm mạnh, lớp màng oxit phía trên bị phá hủy, từ đó nhôm phía trong có thể bị trộn lẫn với thực phẩm.
2. Lao động trí óc mệt mỏi nên cẩn trọng vì não có thể bị lão hóa sớm
Tháng 1 năm 2012, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Psychiatry cho thấy rằng trung bình sau 9 năm theo dõi và đo lường 137 bệnh nhân bị suy giảm nhận thức ở mức độ nhẹ, người ta nhận ra rằng chứng bệnh Alzheimer đã được hình thành trong não từ 5-10 năm trước khi bệnh chính thức khởi phát.
Trung Quốc có hơn 6 triệu bệnh nhân mắc chứng Alzheimer, độ tuổi mắc bệnh từ trung bình 65 tuổi dần giảm xuống còn 55 tuổi. Điều này cho thấy chứng bệnh thoái hóa này đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ.
Lao động trí óc quá sức trong một thời gian dài có thể gây ra chứng mỏi não.
Lao động trí óc quá sức trong một thời gian dài có thể gây ra chứng mỏi não, khiến nhiều chất độc có hại sinh ra trong quá trình trao đổi chất tích tụ lại trong não làm tắc nghẽn nguồn dinh dưỡng, dẫn đến lượng oxy trong máu lên não thấp hơn,tuần hoàn máu kém... Chính những vấn đề suy giảm hoạt động tế bào não này cuối cùng sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa ở não.
Theo một cuộc khảo sát ở Thượng Hải - Trung Quốc, có đến 80% lao động trí óc làm việc đến khuya có triệu chứng mỏi não bao gồm rối loạn trí nhớ, sai ngôn ngữ, dễ mệt mỏi, tê phần mặt và các triệu chứng khác.
Bên cạnh đó, tinh thần căng thẳng, mất ngủ kéo dài, lo lắng, trầm cảm, stress, căng thẳng đầu óc... cũng dễ làm con người rơi vào trạng thái căng thẳng ức chế, khi đó cơ thể sẽ tiết ra các chất độc có hại, những chất độc này tích tụ lại và làm tăng tỉ lệ mắc Alzheimer.
3. Thói quen hại não: Đêm thức ngày ngủ bù
Bộ não chỉ có thể sử dụng dịch não tủy để đào thải các chất độc có hại khi cơ thể có một giấc ngủ sâu vào ban đêm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thức đêm có hàm lượng protein β-amyloid trong não tăng 5%, cho dù ngủ bù vào ban ngày thì lượng β-amyloid tích lũy vẫn cao gấp 3 lần người có lịch sinh hoạt bình thường. Nói cách khác, việc ngủ bù vào ban ngày rất khó có thể bù đắp những tổn thương ở não do thức khuya.
Cho dù ngủ bù vào ban ngày cũng khó có thể khôi phục những tổn thương cho não khi thức khuya.
4. Hút thuốc lá và uống rượu thường xuyên cũng làm tổn thương não
Chất nicotin trong thuốc lá sẽ kích hoạt các thụ thể acetylcholine trong não làm cho thần kinh bị kích thích ở trạng thái hưng phấn và rất dễ gây nghiện. Những người hút thuốc lá nhiều năm dễ bị suy nhược, nhức đầu chóng mặt, suy nghĩ chậm chạm...
Rượu cũng có thể làm tê liệt dây thần kinh trung ương, người uống rượu trong một thời gian dài có hiện tượng teo vỏ não. Trong khi đó, vỏ não là vùng chức năng sinh lý cực kỳ quan trọng, vỏ não bị tổn thương sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng vận động, ăn uống, suy nghĩ và các giác quan...
Theo Sohu, QQ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!