Nguy cơ mất mạng khi hạ sốt không đúng cách

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Nhiều người tìm mọi cách để hạ sốt kể cả áp dụng kinh nghiệm dân gian, truyền miệng như dùng cồn lau người mà không kịp xem xét.

Hậu quả là vô cùng nguy hiểm, nhiều trường hợp thậm chí đã tử vong.

Dùng cồn hạ sốt – nguy hiểm chết ngừời

Rượu, cồn có thể làm mát nhanh nhưng vô cùng nguy hại.  Các hợp chất có trong cồn như methanol gây ngộ độc khi uống, hít, thấm qua da. Nhiễm độc methanol có thể gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp. Một số phụ gia như thuốc diệt sâu rầy có trong một số loại rượu cũng có thể gây ngộ độc.

Ngày 14/6 vừa qua, cậu bé Xiao Dong người Trung Quốc đã chết oan uổng vì ngộ độc methanol sau khi bố mẹ em dùng cồn để lau người hạ sốt cho con mình.

Do từng đọc thấy thông tin cồn có thể giúp hạ sốt cơ thể, bố cậu bé là anh Chang đã mang một chai methanol, một chất cồn công nghiệp từ công ty về và lau vào nách con.

Tuy nhiên, chỉ vài chục phút sau đó, cậu bé lịm dần đi. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, Xiao Dong đã không qua khỏi do ngộ độc methanol.

Nguy cơ mất mạng khi hạ sốt không đúng cách

Hầu như ai cũng bị sốt ít nhất một vài lần trong đời

Các cách hạ sốt nguy hiểm

Truyền dịch hạ sốt

Nhiều người bị sốt liền nghĩ ngay đến truyền dịch với mục đích bù điện giải. Tuy nhiên, nhiều trường hợp thậm chí mất mạng do sốc phản vệ trong khi truyền dịch. Tỷ lệ người bị sốc do truyền dịch không cao nhưng vẫn có thể xảy ra. Truyền dịch chỉ phát huy tác dụng trong những trường hợp như sốt quá cao, nôn nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước. Lạm dụng việc truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ rất nguy hiểm.

Nạn nhân Chu Đình Thành, 43 tuổi, tại Ngọc Phụng, Thường Xuân, Thanh Hóa đã chết trong khi truyền dịch hạ sốt. Thấy người mệt mỏi, ông đã đến một phòng khám tư gần nhà và sau khi truyền gần hết hai chai nước, ông Thành rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong 20 phút sau đó.

Lạm dụng thuốc tùy tiện

Việc lạm dụng các loại thuốc như Paracetamol, Aspirin để hạ sốt hoặc dùng thuốc tùy tiện không thể lường hết các nguy cơ. Lạm dụng paracetamol có thể gây ngộ độc. Aspirin có nhiều tác dụng phụ như gây viêm loét dạ dày, suy hô hấp, gây co thắt phế quản, hại thận. Đã có trường hợp sử dụng thuốc tùy tiện gây tử vong.

Nguy cơ mất mạng khi hạ sốt không đúng cách

Hạ sốt cho trẻ nhỏ phải đặc biệt lưu ý dùng các biện pháp an toàn

Cháu Phạm Thị M., 2 tuổi ở Thái Bình sau khi uống thuốc hạ sốt do mẹ tự đi mua đã xuất hiện các triệu chứng vàng da, mắt, co giật, hôn mê. Các bác sỹ chẩn đoán cháu M. đã bị suy gan cấp tính do ngộ độc thuốc hạ sốt.

Chườm đá lạnh

Chườm đá lạnh là cách hạ sốt khá phổ biến, nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, biện pháp chườm đá hạ sốt được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo không sử dụng vì có thể gây bỏng lạnh, suy hô hấp.

Trường hợp chị H. ở Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội từng hạ sốt cho con bằng cách lấy nước đá cho vào túi nilong, bọc vải bên ngoài, rồi đặt vào hai bên gần nách. Một lúc sau, cậu bé lịm dần và ngay lập tức được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.  May mắn là cậu bé đã qua khỏi tuy nhiên sự việc này khiến nhiều người phải bang hoàng vì sai lầm khi sử dụng các biện pháp hạ sốt không đúng cách.

Cách hạ sốt an toàn

Cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân cũng như tiến hành các bước hạ sốt phù hợp.

- Để người bệnh nằm nơi thoáng mát, giảm nhiệt độ phòng, tránh gió.

- Để bệnh nhân mặc quần áo thoáng mát, không ủ ấm, đắp chăn kín mít vì sẽ làm nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn. Nhưng cũng không nên cởi hết quần áo vì có thể bị nhiễm lạnh.

Nguy cơ mất mạng khi hạ sốt không đúng cách

Chườm mát để giảm thân nhiệt

- Đắp khăn ấm vào nách, trán, bẹn của bệnh nhân. Tránh dùng nước lạnh, không dùng nước có pha rượu, cồn.

- Khi bị sốt, nước và muối bị mất thông qua việc toát mồ hôi, cơ thể cũng bị mất đi năng lượng và các vitamin tan trong nước. Nên bù lại bằng cách cho người bệnh uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm mát, các loại nước ép trái cây giàu chất dinh dưỡng.

- Khi sốt cao từ 38,5oC trở lên thì bắt đầu dùng thuốc hạ sốt theo sự chỉ định cụ thể của bác sĩ.

Trong trường hợp sốt cao hay kéo dài quá 48h kèm theo nôn mửa, ho, khò khè, khó thở… bạn cần đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc. Còn trường hợp sốt cao, co giật cần nhập viện khẩn cấp.

>> Xem thêm: Trẻ chết thảm vì bố dùng cồn lau người để hạ sốt

Ảnh minh họa: Internet

Mai Hồ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!