Các chuyên gia sản khoa đều cảnh báo đây là bệnh lý nguy hiểm trong sản khoa.
Nhau tiền đạo bệnh lý nguy hiểm của sản khoa. (Ảnh minh họa: Internet)
Đứng ngồi không yên vì nhau tiền đạo
Chị Phan Thị Minh 34 tuổi trú tại Thanh Trì, Hà Nội đang mang bầu tuần thứ 35 thì phát hiện ra bị nhau tiền đạo. Chị Minh kể từ lúc mang bầu đến giờ chị vẫn khoẻ, ăn uống tốt nhưng thai nhi chậm phát triển hơn.
Chị Minh rất lo lắng nhưng đều đặn mốc 22 – 25 đến tuần thứ 32 chị đi siêu âm thì bác sĩ cho biết chị bị nhau tiền đạo bán trung tâm phải theo dõi rất kỹ.
Từ đó, chị phải treo chân ở nhà và có bất thường gì là vào viện ngày. Ngoài ra, bác sĩ còn tiêm thêm thuốc tăng trưởng cho thai nhi để bé phát triển nhanh.
Đến nay, chị Minh đã chuẩn bị tâm lý vào viện bất cứ lúc nào nếu có dấu hiệu ra máu. Vì thế, chồng chị cũng phải xin nghỉ phép ở nhà trực chiến với vợ.
Tại các bệnh viện bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị nhau tiền đạo, đây được coi là bệnh lý sản khoa. Trường hợp chị P.T.N sinh năm 1988 ngụ tại Bình Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ được bác sĩ cấp cứu thành công khi bị nhau tiền đạo.
Bệnh nhân N. được chuyển đến Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ trong tình trạng thai 34 tuần, nhau tiền đạo ra huyết, choáng do mất máu nặng.
Ngay lập tức các bác sĩ đã cấp cứu, hội chẩn viện và quyết định vừa hồi sức tích cực vừa mổ lấy thai cấp cứu. Bé gái, nặng 2200gram. Trong quá trình mổ bệnh nhân N. phải truyền 2 đơn vị khối hồng cầu.
Theo các bác sĩ sản khoa khi có dấu hiệu của nhau tiền đạo thì người bệnh bắt buộc phải vào bệnh viện chuyên khoa sản và bệnh viện đó phải có ngân hàng máu để có thể cấp cứu được sản phụ vì khi sinh con bằng phương pháp mổ thì nhau tiền đạo vẫn bị mất máu và phải truyền máu.
Rất dễ gây tai biến sản khoa
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết nhau tiền đạo là bánh rau bám lan xuống đoạn dưới và đôi khi tới lỗ trong cổ tử cung gây cản trở đường ra của thai nhi khi chuyển dạ đẻ.
Đây là một trong những nguyên nhân dễ gây tai biến sản khoa nếu bác sĩ không có chuyên môn vì nhau tiền đạo là một trong những nguyên nhân chính gây chảy máu trong ba tháng cuối của thai kỳ, trong chuyển dạ và sau đẻ. Ngày nay, nhờ có siêu âm chúng ta có thể chẩn đoán sớm nhau tiền đạo ngay cả khi chưa có triệu chứng lâm sàng.
Nhau tiền đạo thường được bác sĩ chia thành 4 tuýp chính đó là:
Thứ nhất: Nhau bám thấp: bánh nhau bám lan xuống đoạn dưới của tử cung nhưng chưa tới lỗ trong cổ tử cung.
Thứ hai: Nhau bám mép: bờ của bánh nhau bám sát mép lỗ cổ tử cung.
Thứ ba: Nhau tiền đạo bán trung tâm: một phần bánh nhau che lấp một phần lổ trong tử cung.
Thứ tư: Nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn: là bánh nhau che lấp toàn bộ lỗ trong cổ tử cung.
Khi nhau bị bóc ra khỏi cổ tử cung có đặc điểm là gây chảy máu nhất là ở nhau tiền đạo trung tâm. Chính vì thế bệnh nhân rất dễ bị băng huyết
Nguyên nhân nhau tiền đạo, theo bác sĩ Trung đến nay họ vẫn chưa tìm ra được nhưng do đáy tử cung khi bánh nhau bám vào cổ tử cung và nó lan rộng ra, tăng cường diện tích lên lấy dưỡng chất nuôi cho nhau thai.
Dựa vào các trường hợp sản phụ có nguy cơ bị nhau tiền đạo như: sản phụ trước đây đã bị rau tiền đạo, tiền sử đã mổ tử cung để lấy thai.
Sản phụ có tiền sử mổ vì u xơ tử cung, chửa góc tử cung, mổ tạo hình tử cung, tiền sử nạo thai, nạo sẩy, hút điều hoà kinh nguyệt, đẻ có kiểm soát tử cung hay bóc rau nhân tạo, bị viêm nhiểm tử cung, tiền sử đẻ nhiều lần.
Bác sĩ Trung cho biết với những trường hợp bị nhau tiền đạo, bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên ở gần bệnh viện chuyên khoa nhất có thể.
Sản phụ thường khuyến cáo mổ bắt thai khi thai được 36 tuần trở lên, phổi đã trưởng thành. Khi mổ lấy thai, bác sĩ phải lách qua bánh nhau để lấy thai nếu nhau tiền đạo bám mặt trước.
Bác sĩ Trung khuyến cáo phụ nữ không nên sinh đẻ nhiều vì đây là một trong những nguyên nhân chính gây nhau tiền đạo, ngoài ra nên loại bỏ dần các yếu tố nguy cơ như mổ đẻ, nạo phá thai nhiều lần.
>> Xem thêm: Tai biến sản khoa tăng cao do phá thai, sinh mổ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!