Nguyên nhân gây đau nhức xương ở người lớn tuổi

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Đau nhức xương là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt đối với người ở độ tuổi trung niên trở lên và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày!

Đau nhức xương là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt đối với người ở độ tuổi trung niên trở lên. Những cơn đau do hiện tượng này gây ra thường được diễn tả bằng cụm từ “đau thấu xương”.

Càng lớn tuổi cơ thể chúng ta càng thay đổi. Ít vận động khiến các cơ trong cơ thể teo nhỏ dần và xương loãng đi, dẫn đến dễ bị rạn xương hay chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày. Đau xương chủ yếu do loãng xương hay chấn thương nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của các loại bệnh tiềm ẩn. Đau hoặc nhức xương có thể do bị nhiễm trùng, gián đoạn lưu thông máu hoặc ung thư. Những bệnh này cần phải được điều trị ngay lập tức. Vì thế nếu bất ngờ bị đau xương mà không rõ lý do, bạn hãy đi khám bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân và có cách chữa trị phù hợp.

Các nguyên nhân gây đau nhức xương

Đau nhức xương có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó bao gồm:

  • Rạn xương hoặc gãy xương;
  • Chấn thương do làm việc nặng liên tục;
  • Thiếu hormone, thường là do mãn kinh;
  • Nhiễm trùng;
  • Ung thư xương;
  • Ung thư di căn;
  • Cung cấp không đủ máu cho xương do các bệnh như thiếu máu hồng cầu hình liềm.

Ngoài ra, cơn đau còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Loãng xương là tình trạng trọng lượng xương giảm dưới mức bình thường, xảy ra do thay đổi tuổi tác, hormone và thiếu vận động. Loãng xương sẽ khiến bạn dễ bị rạn xương và đau xương.

Bạn nên đến bác sĩ trong trường hợp bị đau xương mà không rõ nguyên nhân hoặc đã từng được điều trị ung thư.

Chẩn đoán nguyên nhân gây đau nhức xương

Bạn nên cung cấp đầy đủ tiền sử bệnh án cho bác sĩ, bao gồm các bệnh đã được chẩn đoán trong quá khứ và thông tin cụ thể về tình trạng đau nhức xương của mình. Các thông tin cần thiết về đau nhức xương bao gồm:

  • Vị trí đau;
  • Thời điểm bắt đầu đau;
  • Mức độ đau và các thay đổi trong mức độ đau;
  • Cơn đau có thay đổi theo các hoạt động trong ngày không;
  • Các triệu chứng bạn đang gặp phải.

Tùy theo chi tiết cụ thể của bệnh và kết quả kiểm tra, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn:

  • Chụp X quang vùng xương bị đau để phát hiện các điểm gãy, rạn hoặc các dấu hiệu bất thường;
  • Chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp xạ khung xương ở khu vực bị đau hoặc toàn cơ thể để phát hiện các khối u hoặc các dấu hiệu bất thường;
  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Xét nghiệm nồng độ hormone;
  • Kiểm tra chức năng tuyến yên và tuyến thượng thận.

Điều trị đau nhức xương

Các bác sĩ sẽ quyết định quá trình điều trị của bạn dựa theo kết quả chẩn đoán. Nếu bệnh nhân bị gãy hoặc rạn xương, bác sĩ sẽ tiến hành chữa các điểm gãy/rạn. Bạn sẽ phải lên kế hoạch điều trị lâu dài nếu bác sĩ phát hiện các bệnh tiềm tàng như loãng xương hoặc ung thư.

Bác sĩ cũng có thể cho bạn uống các loại thuốc:

  • Thuốc kháng viêm;
  • Thuốc kháng sinh nếu bạn bị nhiễm trùng;
  • Hormone nếu bạn bị mất cân bằng hormone;
  • Các loại thuốc giảm đau.

Các liệu pháp bổ sung cho người bị ung thư bao gồm châm cứu, xoa bóp và các phương pháp giúp thư giãn.

Vật lý trị liệu hoặc tập thể dục thường xuyên có thể giúp tăng cường sức khỏe và sức bền của cơ thể, đồng thời giúp tăng khối lượng xương. Nhưng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chương trình tập chữa đau xương.

Một số bài tập có thể giúp trị đau nhức xương do các nguyên nhân cụ thể bao gồm:

Đau thắt lưng

Các bài tập căng cơ, đi bộ, bơi lội, đạp xe và luyện tập thể lực nhẹ có thể giúp làm dịu cơn đau ở thắt lưng.

Loãng xương

Bệnh loãng xương làm giảm độ đặc xương, khiến xương trở nên yếu và giòn đồng thời tăng nguy cơ rạn xương. Các bài thể dục như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, khiêu vũ, bơi lội và đạp xe vài lần trong tuần có thể giúp tăng độ bền xương. Tập tạ với khối lượng nhẹ cũng có tác dụng tương tự.

Viêm xương khớp

Người bị viêm xương khớp thường không muốn tập thể dục, nhưng thật ra tập thể dục có thể giúp các khớp trong cơ thể linh hoạt và giảm đau nhức về lâu dài. Một chế độ tập luyện cân bằng gồm giãn cơ, đi bộ, bơi lội và đạp xe có thể hỗ trợ điều trị viêm xương khớp. Nhưng bạn nên tránh các bài tập có thể gây áp lực lên khớp như chạy bộ, các môn thể thao nặng hoặc thể dục nhịp điệu.

Thay khớp

Cần tránh gây áp lực lên khớp nếu bạn vừa thay khớp. Các bài tập phù hợp cho người đã thay khớp bao gồm bơi lội và đạp xe.

Nhìn chung, những người có tuổi thường sẽ gặp các triệu chứng đau nhức xương khớp. Đây không chỉ đơn thuần là các cơn đau do thay đổi thời tiết hay do nằm sai tư thế.

Nhiều người dù đã nhận ra triệu chứng nhưng lại chủ quan và cho rằng cơn đau không phải do bệnh nên không chủ động đi khám. Nên bất cứ khi nào phát hiện ra triệu chứng đau nhức xương khớp, bạn nên đi khám ngay để nắm rõ được tình hình sức khỏe và tránh các căn bệnh nguy hiểm tới bản thân.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 3 cách đơn giản điều trị đau nhức khớp tại nhà
  • 7 bài tập giúp giảm đau nhức khớp tay
  • Nguyên nhân, triệu chứng gây đau cổ và đau vai gáy
  • Bị gãy xương: Phải biết sơ cứu đúng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!