Nguyên nhân gây viêm đại tràng

Thời sự - 05/08/2024

Tôi hay bị đau thắt bụng dưới, thỉnh thoảng bị đầy hơi. Đi khám chẩn đoán là viêm đại tràng. Tôi ăn uống rất cẩn thận, tại sao lại bị bệnh này?

Nguyễn Anh Dũng(Hưng Yên)

Viêm đại tràng thường bắt nguồn từ một nhiễm trùng đường tiêu hóa cấp tính, có thể do người bệnh ăn hoặc uống phải thức ăn có chứa vi sinh vật gây bệnh. Bệnh có thể lây truyền theo đường tiêu hóa. Viêm đại tràng là bệnh thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Những đối tượng sau thường có nguy cơ mắc viêm đại tràng: Không giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; Táo bón kéo dài; Thường xuyên căng thẳng, lo âu; Tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ: dùng thuốc kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn ruột. Để phòng bệnh, cần giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt. Không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín và không uống nước chưa đun sôi, không uống sữa bò tươi chưa tiệt trùng, không uống nước đá không đảm bảo vệ sinh. Trong gia đình khi có người mắc bệnh do lỵ amip, lỵ trực khuẩn, thương hàn, tả... cần tiệt khuẩn các dụng cụ dùng trong ăn uống bằng cách luộc với nước đun sôi. Phân người bệnh không được để vương vãi, phải cho vào hố xí và có chất sát khuẩn mạnh, nhất là ở nông thôn, miền núi. Nên rửa tay trước khi ăn, tẩy giun sán 6 tháng/lần. Tránh dùng kháng sinh kéo dài. Điều trị tích cực khi bị lao phổi. Tránh căng thẳng kéo dài và lo lắng thái quá. Thường xuyên vận động, thể dục thể thao. Nên ăn các thực phẩm như: gạo, khoai tây, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, rau xanh, củ quả, trái cây (nhất là những loại giàu kali). Hạn chế ăn trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống. Không dùng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê, các chất chua cay và những thức ăn chiên. Nên ăn nhẹ, chia làm nhiều bữa, không nên ăn quá nhiều vào buổi tối. Cung cấp đủ nước, muối khoáng và các vitamin cần thiết cho cơ thể.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!