Có phải tôi bị huyết áp thấp? Dấu hiệu nhận biết bệnh này thế nào?
Nguyễn Thị Vân (Hà Nội)
Người bị huyết áp thấp có trị số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó.
Có hai loại huyết áp thấp là huyết áp thấp tiên phát: Là những trường hợp có thể trạng đặc biệt từ nhỏ đến lớn huyết áp vẫn thấp mà không hề có triệu chứng hoặc biến chứng ở bộ phận nào trong cơ thể, chỉ khi gắng sức thì thấy chóng mệt.
Huyết áp thấp thứ phát: Là huyết áp bình thường nhưng sau đó huyết áp bị tụt dần xuống tới mức được coi là huyết áp thấp. Thường gặp ở những người suy nhược kéo dài, thiểu năng tuần hoàn não, lao, nhiễm độc, thiếu máu kéo dài, suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp mạn tính.
Khác với bệnh tăng huyết áp, chỉ số huyết áp là cơ sở quyết định cho chẩn đoán bệnh. Với bệnh huyết áp thấp, chỉ số chỉ có tính chất tham khảo, triệu chứng được quan tâm nhiều hơn.
Bệnh nhân huyết áp thấp thường có những biểu hiện: mệt mỏi, lả người muốn được nghỉ ngơi, hoa mắt chóng mặt, khó tập trung và dễ nổi cáu, có cảm giác buồn nôn, nặng hơn có thể ngất xỉu.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể suy giảm khả năng tình dục, da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc, vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh, thở dốc, nói như hụt hơi, nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, xây xẩm mặt mày...
Những dấu hiệu trên cho thấy có thể bạn bị huyết áp thấp. Bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!