Nhận biết sớm dấu hiệu thai ngoài tử cung

Mang thai - 11/24/2024

Thai ngoài tử cung là những trường hợp thai không nằm trong lòng tử cung mà nằm ở những nơi khác bên ngoài tử cung.

Vị trí thường gặp nhất là ở vòi trứng, khi vỡ chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ của người có thai ngoài tử cung vỡ.

Khi thai nhi nằm không đúng chỗ

Theo thống kê của bệnh viện sản phụ Từ Dũ, thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 4,5 – 10,5 phần ngàn, có nghĩa là cứ 1.000 người có thai thì sẽ có từ 4 đến 10 người có thể bị thai ngoài tử cung. Người có thai ngoài tử cung vỡ một lần thì sẽ có khả năng bị thai ngoài tử cung trong những lần mang thai sau.

Chị Nguyễn Thị Bình (34 tuổi, Lâm Đồng) vô cùng sốc khi trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ chẩn đoán chị bị thai ngoài tử cung. Và theo bác sĩ thì chị phải bỏ thai để tránh đe dọa đến tính mạng. Chị chia sẻ: 'Hai vợ chồng tôi muộn con, cưới nhau 3 năm, tôi mới có thai. Vậy mà… Khi nghe tin này, tôi đã năn nỉ bác sĩ xem có cách nào để giữ lại thai hay không. Nhưng bác sĩ nhất quyết khuyên tôi phải bỏ thai, nếu không sẽ rất nguy hiểm'.

Trên một diễn đàn, chị Khả Ngân (27 tuổi) chia sẻ: 'Mình được bác sĩ phát hiện thai không nằm ở tử cung mà nằm ở ngay vòi trứng phải. Bác sĩ khuyên mổ nội soi và mình giữ lại được vòi trứng. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cho biết, nếu muốn có thai lại, mình phải chờ đến 3 tháng sau và phải đi thăm khám rất cẩn thận'.

Bác sĩ CKII Bạch Tuyết Mai - chuyên khoa sản phụ, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TP HCM cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai ngoài tử cung. Phổ biến nhất là do viêm nhiễm vòi trứng gây bán tắc hoặc hẹp vòi trứng khiến cho trứng đã thụ tinh nằm lại bên ngoài tử cung. Viêm nhiễm vùng chậu do các bệnh lây truyền qua đường tình dục; biến chứng của nạo phá thai hay do một số nguyên nhân bẩm sinh như vòi trứng bị dị tật, lạc nội mạc tử cung gây hẹp, tắc vòi trứng cũng gây nên tình trạng trên. Ngoài ra, thai ngoài tử cung cũng rất thường gặp ở những phụ nữ bị u nang buồng trứng, từng thực hiện phẫu thuật liên quan đến vòi trứng, vùng bụng có thể gây viêm dính, thay đổi hướng đi của vòi trứng.

Nhận biết sớm dấu hiệu thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là một bệnh không mong đợi ở tất cả mọi phụ nữ đang mong muốn có con. (Ảnh minh họa: Internet)

Mối nguy cho mẹ

Thai đóng ở vòi trứng sẽ khó phát triển bình thường do thiếu chất dinh dưỡng, khi thai lớn dần sẽ làm vòi trứng bị dãn và căng phồng. Do vòi trứng mỏng, không nở được như tử cung nên dễ bị rạn nứt gây chảy máu âm ỉ trong bụng. Đến một giai đoạn nào đó khối thai sẽ bị vỡ gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.

Có một số trường hợp, khối thai bị đẩy từ vòi trứng vào trong ổ bụng, tạo nên một khối bên trong ổ bụng gây chảy máu muộn sau đó (gọi là huyết tụ thành nang), rất nguy hiểm. Một số trường hợp hiếm, thai vẫn phát triển, bánh nhau bám vào ruột (thai trong ổ bụng), cũng nguy hiểm không kém vì gây chảy máu nhiều.

Theo bác sĩ Mai, phụ nữ có thể tự theo dõi tình trạng thai ngoài tử cung dựa trên 3 dấu hiệu phổ biến. Đầu tiên là dấu hiệu trễ kinh. Giống như biểu hiện có thai bình thường, người phụ nữ sẽ bị trễ kinh hoặc mất kinh. Thế nhưng khoảng 10 ngày sau khi trễ kinh, siêu âm sẽ không thấy túi thai trong lòng tử cung và có thể xác định vị trí của nó là nằm cạnh tử cung.

Phụ nữ mang thai ngoài tử cung cũng gặp phải tình trạng đau bụng, thường đau một bên ở vùng bụng dưới, đau âm ỉ, thỉnh thoảng có cơn đau nhói rồi lại giảm đi. Khi thai bị vỡ, cơn đau trở nên dữ dội hơn, thai phụ cảm thấy rất mệt, da xanh xao, có thể ngất xỉu. Một dấu hiệu khác là chảy máu âm đạo hoặc rong huyết với lượng máu ít, bầm đen.

Có thể phòng ngừa

Thai ngoài tử cung là một bệnh không mong đợi ở tất cả mọi phụ nữ đang mong muốn có con nhưng đôi khi thai ngoài tử cung là khó tránh và phải chấp nhận. Bác sĩ Bạch Tuyết Mai khuyên, khi nghi ngờ bị thai ngoài tử cung, sản phụ nên thăm khám bác sĩ để được theo dõi và hướng dẫn cách điều trị. Nếu nguyên nhân là do bẩm sinh hoặc từng phẫu thuật vùng bụng sẽ rất khó phòng tránh.

Tuy nhiên nếu thai ngoài tử cung do tình trạng viêm nhiễm sinh dục thì hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách giữ vệ sinh 'vùng kín' sạch sẽ, tránh nạo phá thai bừa bãi, và đi khám phụ khoa định kỳ.

Để bác sĩ sớm phát hiện tình trạng mang thai ngoài tử cung, khi đi thăm khám, thai phụ nên nói rõ tình trạng sức khỏe trước đây của bản thân như từng nạo phá thai, có mắc bệnh phụ khoa, có thực hiện phẫu thuật vùng ổ bụng…

>> Xem thêm: Infographic: Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai (P3)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!