Nhận biết suy tuyến sinh dục ở nam giới

Giới tính - 11/24/2024

Một người đàn ông bị rối loạn chức năng tình dục thường than phiền về những tình trạng: mất ham muốn, không thể khởi phát hoặc duy trì sự cương dương, không thể xuất tinh hoặc xuất tinh sớm...

Suy sinh dục nam là một hội chứng khá phổ biến, chiếm gần nửa số nam giới tuổi từ 40 - 65.

Suy tuyến sinh dục nam khởi phát muộn và thường “bị bỏ quên” trong nhiều năm cũng vì triệu chứng mơ hồ và khác nhau tùy từng người. Nam giới từ 40 - 55 tuổi có thể sẽ trải qua hiện tượng tương tự với mãn kinh ở phụ nữ, gọi là tắt dục nam hoặc mãn dục nam. Hiện nay, hiện tượng này được gọi bằng các thuật ngữ mới như suy giảm một phần androgen ở nam giới đứng tuổi hay suy tuyến sinh dục nam khởi phát muộn. Suy sinh dục nam có thể là thứ phát bởi một bệnh hệ thống, bởi sự lạm dụng các loại thuốc hoặc bị một bệnh lý ở hệ sinh dục, tiết niệu và nội tiết hoặc chỉ bởi tâm lý, trong đó người đàn ông không thể đạt được sự cương dương, sự xuất tinh hoặc cả hai.

Biểu hiện của suy tuyến sinh dục ở nam

Giảm ham muốn tình dục cùng với rối loạn cương, thiếu nhiệt tình trong công việc, thiếu bền bỉ và chịu đựng, dễ bị bức xúc, cảm xúc bực bội, giảm hứng thú sống và giảm cảm giác khỏe mạnh, sức chế ngự chịu đựng kém, mất ngủ, khó ngủ thường xuyên nhưng lại buồn ngủ ngay sau khi ăn tối, rối loạn vận mạch, bừng nóng, choáng váng, bốc hỏa, giảm nhạy cảm ở đầu dương vật, dương vật nhỏ đi, tinh hoàn nhỏ đi, vú to ra, béo lên, mỡ phát triển ở vùng bụng và thắt lưng, loãng xương dễ gãy xương, gù, vẹo, các dấu hiệu thiểu năng tuyến yên; bệnh mạn tính phát triển như đái tháo đường, hen, béo phì, tăng huyết áp...

Nhận biết suy tuyến sinh dục ở nam giới

Suy tuyến sinh dục khởi phát muộn thường kèm với giảm testosteron. Hầu như bất kỳ người đàn ông nào ngoài 40 tuổi cũng giảm testosteron nhưng mỗi người có biểu hiện mỗi khác. Mặc dù nồng độ testosteron ở nam giới giảm theo tuổi nhưng không phải ai cũng giống nhau. Hậu quả của testosteron thấp là làm giảm hoạt động tình dục, thay đổi thói quen, tâm lý, xúc cảm, giảm khối lượng và sức mạnh cơ, tăng khối lượng mỡ ở bụng và phần trên cơ thể, loãng xương, đau lưng, nguy cơ tim mạch. Sang chấn về tâm lý, rượu, tai nạn, phẫu thuật, dùng thuốc, béo phì và nhiễm trùng có thể là yếu tố tác động tới suy giảm nội tiết tố ở nam giới.

Các loại suy sinh dục

Thông thường, chứng suy sinh dục nam được phân loại như sau:

Mất ham muốn: Nguyên nhân có thể do thiếu hụt androgen, do rối loạn tâm lý, do dùng hoặc lạm dụng thuốc gây nghiện. Sự thiếu hụt androgen có thể đo lường được bằng lượng testosteron và gonadotrophin/huyết tương trong khi tình trạng giảm năng tuyến sinh dục (hypogonadism) lại đưa đến sự không xuất tinh do giảm tiết tinh dịch từ túi tinh và prostat.

Rối loạn cương dương: Do giảm testosteron, rất ít gặp nhưng dễ chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, sự giảm đến mức giới hạn của testosteron lại không phải là nguyên nhân của sự không cương dương. Do tăng prolactin máu đưa đến ức chế sản xuất testosteron và gonadotropin, nguyên nhân có thể: khối u ở tuyến yên, do sử dụng các thuốc gây tăng sản xuất prolactin như oestrogen, lạm dụng phenothiazin hay reserpin (2 - 5% trường hợp). Việc sử dụng một số thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tăng huyết áp, các thuốc an thần, chống lo âu… có tác dụng phụ gây rối loạn cương dương.

Không xuất tinh: Nam giới rất khó khăn trong việc xuất tinh, thậm chí có trường hợp còn xuất tinh ngược.

Không có khoái cảm: thường do tâm lý nếu bệnh nhân vẫn có ham muốn và vẫn còn cương dương được.

Điều trị thế nào?

Hiện nay, việc điều trị chứng suy sinh dục ở nam giới không quá khó khăn. Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán chính xác, việc điều trị sớm sẽ giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân. Bổ sung testosteron là phương pháp điều trị hiệu quả sau 3-6 tháng. Nó có tác dụng tăng sức sống, tăng ham muốn tình dục, cải thiện khả năng cương, cải thiện tinh thần, giảm buồn rầu hay giận dữ, mệt mỏi...

Ngoài ra, bổ sung testosteron còn làm tăng khối lượng cơ, giảm mỡ, tăng sức mạnh và độ bền của cơ bắp, giảm hao hụt khối lượng xương, đặc biệt là giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Phương pháp này thích hợp cho hầu hết nam giới bị suy giảm nội tiết tố. Tuy nhiên, người bị ung thư tuyến tiền liệt, bệnh gan, bệnh tim, phù, phì đại tuyến tiền liệt, bệnh thận, đái tháo đường không nên bổ sung testosteron.

Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống theo hướng tích cực cũng góp phần cho việc điều trị thành công như chế độ ăn hợp lý, không hút thuốc lá và không uống rượu, tập thể dục đều đặn, tránh và giảm căng thẳng thần kinh (nếu có).

BS. Thanh Hùng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!