Nhận biết và điều trị viêm da Atopy

Cần biết - 05/12/2024

Viêm da atopy là tình trạng viêm da hay gặp ở những người có cơ địa dị ứng. Đây không phải là bệnh nhiễm trùng, không lây lan sang người khác.

Theo báo cáo của Phòng Khám Viện Da liễu Quốc gia, có khi viêm da cơ địa chiếm khoảng 20% số bệnh nhân đến khám tại phòng khám (có biểu hiện mặt đỏ, tái).

Bệnh thường gặp ở lứa tuổi sơ sinh và tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ 6-20 tuổi. Rất hiếm bệnh nhân phát bệnh khi trưởng thành.

Biểu hiện của viêm da atopy

Giai đoạn cấp tính: Biểu hiện bệnh khi cấp tính là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết trợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường khu trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.

Biểu hiện bán cấp với các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch.

Giai đoạn mạn tính: Da dày thâm, các vết nứt đau; đây là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.

Nhận biết và điều trị viêm da Atopy

Tổn thương da do atopy.

Triệu chứng bệnh

Khô da, ban đỏ, ngứa... Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen. Các biểu hiện bệnh lý như chứng vẽ nổi (dermographism), bệnh vảy cá thông thường, dày sừng nang lông... có thể gặp trên bệnh nhân viêm da cơ địa.

Vị trí hay gặp: mặt, trán, mặt gấp các chi, gáy, mi mắt, cổ tay, mu tay, mu chân, trường hợp nặng có thể lan toàn thân. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển sang mạn tính, vùng da bệnh trở nên dày hơn và sẫm màu.

Tổn thương có thể gặp ở bất kỳ vùng da nào của cơ thể. Tuy nhiên, mỗi lứa tuổi lại có một vùng da hay gặp nhất định, ví dụ ở trẻ em thường thấy ở mặt, cổ; còn thanh thiếu niên là ở vùng gấp của khuỷu tay, mặt sau đầu gối.

Không điều trị, bệnh tiến triển trong nhiều tháng, nhiều năm. Khoảng gần 50% bệnh khỏi khi ở tuổi thiếu niên, nhưng cũng nhiều trường hợp bệnh tồn tại lâu trong nhiều năm cho đến tuổi trưởng thành. Nhiều bệnh nhân bị hen hoặc các bệnh dị ứng khác.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của bệnh hiện nay vẫn chưa rõ. Các nhà khoa học nhận thấy bệnh có tính chất di truyền: trong gia đình của người bệnh có thể có những thành viên mắc bệnh hen, viêm mũi dị ứng hoặc những bệnh dị ứng khác. Một số ca viêm da atopy có thể kết hợp với dị ứng thức ăn, đặc biệt ở trẻ em.

Tuy nhiên, chế độ ăn loại bỏ hẳn các thức ăn hay gây dị ứng không thu được nhiều kết quả khả quan. Một số yếu tố khởi phát bệnh hay gặp khác là bụi nhà, thuốc, hóa chất...

Nguyên nhân chính gây dị ứng trong bụi nhà chính là bọ nhà, tập trung nhiều ở thảm, chăn, ga, gối, nệm, rèm, thú nhồi bông...

Nếu trong gia đình có bệnh nhân dị ứng với bọ nhà, khi vệ sinh nhà cửa, nên cố gắng lau bằng giẻ ướt hoặc sử dụng máy hút bụi hơn là quét bằng chổi.

Các bệnh nhân dị ứng với bọ nhà nên giảm tiếp xúc với các đồ vật được làm từ lông động vật hoặc các động vật nuôi như chó, mèo...

Để xác định rõ nguyên nhân viêm da atopy, bệnh nhân nên đến tư vấn các bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Các bác sĩ sẽ cho thực hiện một xét nghiệm trên da của người bệnh. Đây là một xét nghiệm hết sức an toàn, không đau và rất có giá trị trong việc xác định các nguyên nhân gây dị ứng.

Lời khuyên của bác sĩ

Đối với người bệnh, khi bị ngứa, tránh chà xát, không gãi là một việc rất quan trọng. Ðồng thời, bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng như đề cập ở trên.

Đối với trẻ em, bậc phụ huynh cần tắm nhanh, rửa kỹ những nơi bẩn, tránh dùng nhiều xà phòng (dù là xà phòng dành cho trẻ em); tránh kỳ cọ nhiều làm da khô thêm. Vào mùa đông, tránh dùng nước quá nóng làm khô da.

Đặc biệt, chú ý vào mùa đông, tránh cho ngồi trong phòng có điều hòa nhiệt độ, nơi có máy sưởi (nghĩa là ít hơi nước) sẽ làm khô da gây ngứa.

Khi mắc bệnh viêm da atopy, cần mặc quần áo rộng, thoáng mát, thường bằng vải cotton để không ra mồ hôi nhiều, không cọ xát nhiều vào người gây ngứa. Tránh mặc đồ len bó sát người làm da khó chịu. Cắt móng tay cho trẻ nhỏ để tránh gãi.

Một số biện pháp có thể làm giảm sự tiếp xúc với các chất gây dị ứng gây trầm trọng bệnh. Đối với trẻ bị mắc bệnh, nếu thấy bé không hợp với sữa bò (sữa công thức chế biến từ sữa bò), nên cho bé bú sữa mẹ.

Khi mắc bệnh, cần tránh phơi nhiễm, tiếp xúc đối với các chất gây dị ứng như lông, phân chó mèo, gián, cây trồng trong nhà, bụi, mạt gà... là nguyên nhân gây dị ứng thường gặp trong nhà.

Tránh dùng các thuốc xịt cho thơm nhà, các thuốc xịt ruồi muỗi, một số sơn mới, gỗ mới cũng toả ra những chất hoá học làm người bệnh khó chịu. Tránh hút, hít phải khói thuốc lá, lào. Cần giặt áo kỹ để xả sạch các chất tẩy, xà phòng giặt.

Về mặt điều trị, quan trọng nhất là giảm ngứa cho bệnh nhân. Các bác sĩ có thể kê một trong các loại thuốc kháng histamin không gây ngủ để giảm ngứa. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các chất kích thích mạnh như các chất tẩy rửa, các hóa chất công nghiệp khác...

Các thuốc chứa corticoid bôi tại chỗ cũng giúp làm giảm triệu chứng rất nhanh. Tuy nhiên bệnh nhân nên sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, không lạm dụng thuốc để tránh các tai biến.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!