Nhận biết và sơ cứu khi bị nhiễm độc do hỏa hoạn

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Cố gắng đưa nạn nhân ra khu vực thoáng khí và để nạn nhân được thở không khí trong lành, giúp ngăn chặn những diễn biến xấu hơn.

Cacbon monoxit (CO) là chất khí độc không màu, không mùi, không vị và ít gây nên triệu chứng kích thích. Do đó, rất khó nhận biết được sự có mặt của CO trong môi trường. Nhiễm độc CO là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ngộ độc. Hàng năm có khoảng 40,000 người Mỹ tử vong do nhiễm độc CO. 

Đa phần các ca tử vong là do nhiễm độc CO cấp tính, một số do nhiễm độc mạn tính CO. Nhiễm độc CO thường gặp ở những người làm công việc sửa chữa, kiểm tra, thử nổ động cơ có đốt cháy khí xăng, dầu, các hoạt động có đốt cháy than, củi... Nhiễm độc CO còn xảy ra trong điều kiện sản xuất hoặc sử dụng các hợp chất hữu cơ, quá trình sản xuất có rò rỉ CO. Nguyên nhân gây rò rỉ thường là do ứng dụng không đúng quy trình sản xuất, do hệ thống đốt nóng và cấp nhiệt không được bảo quản và duy tu thường xuyên. Nhiễm độc CO là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe của những người lính cứu hỏa trong quá trình làm việc, luyện tập và thực hành phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, nhiễm độc CO cũng đe dọa tính mạng của những cư dân trong đám cháy. Nạn nhân thường tử vong do nhiều nguyên nhân phối hợp nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Nhận biết và sơ cứu khi bị nhiễm độc do hỏa hoạn

CO là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ. Phản ứng đốt cháy của cacbon trong điều kiện thiếu oxy sinh ra CO. Tiếp xúc với CO nồng độ cao có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe con người. Theo quy định của Việt Nam, nồng độ CO cho phép trong không khí khi tiếp xúc từng lần tối đa và trung bình 8 giờ lần lượt là 40mg/m3 và 20mg/m3 không khí. Sau khi xâm nhập vào có thể qua đường hô hấp, CO xâm nhập vào máu và gắn kết với Hemoglobin trong hồng cầu tạo thành CacboxyHemoglobin (HbCO). Hồng cầu có Hb gắn với CO sẽ mất khả năng vận chuyển oxy. Ái tính của CO với Hemoglobin (Hb) cao gấp 200 lần so với oxy. Do đó trong những trường hợp nhiễm độc CO, Hb thường gắn chặt với CO, làm cho hồng cầu giảm khả năng vận chuyển oxy, dẫn tới các mô cơ quan quan trọng của cơ thể bị thiếu oxi như tim và não.

Các biểu hiện sớm nhất của nhiễm độc CO cấp tính bao gồm: nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, xuất hiện các triệu chứng giống cúm, rối loạn ý thức... Trong một số trường hợp,người bệnh có biểu hiện đỏ da. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm độc cấp tính sẽ xảy ra với biểu hiện rối loạn thần kinh trung ương, mạch nhanh, rối loạn hô hấp và rối loạn nhịp thở và có thể tử vong.

Tiếp xúc với CO nồng độ thấp trong thời gian dài có thể gây nên nhiễm độc CO mạn tính, nhiễm độc mạn tính CO thường gây suy nhược thần kinh, rối loạn ý thức, mất trí nhớ.

Trong các vụ hỏa hoạn, vấn đề quan trọng nhất là sớm nhận biết, phát hiện các nạn nhân có biểu hiện nhiễm độc CO cấp tính, người dân và những người lính cứu hỏa cần chú ý quan sát, phát hiện kịp thời sơ cấp cứu lẫn nhau. Trên thế giới, những người lính cứu hỏa thường là người phát hiện và đưa nạn nhân bị nhiễm độc CO ra khỏi đám cháy. Đồng thời, họ cũng lại là những người dễ bị nhiễm độc CO cấp tính do hít phải không khí có hàm lượng CO cao mặc dù được trang bị mặt nạ phòng độc. Điều trị nhiễm độc CO dựa trên nguyên lý cơ bản là dùng oxy cao áp để ức chế cạnh tranh với CO, nhằm đẩy bật CO ra khỏi phức hợp HbCO, trả lại Hb ở dạng tự do để gắn kết với oxy, làm phục hồi chức năng vận chuyển oxy của hồng cầu đến các mô, cơ quan trong cơ thể.

Nhận biết và sơ cứu khi bị nhiễm độc do hỏa hoạn

1. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực hỏa hoạn càng sớm càng tốt. Cố gắng đưa nạn nhân ra khu vực thoáng khí và để nạn nhân được thở không khí trong lành, điều đó có thể ngăn chặn những diễn biến xấu hơn của tình trạng nhiễm độc CO cấp tinh.

2. Trong các trường hợp có biểu hiện nhiễm độc CO do hỏa hoạn, nạn nhân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng phối hợp của tình trạng say sắng, say nóng, tình trạng bỏng vết thương (nếu có). Trong trường hợp này, cần đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường đám cháy, nới lỏng quần áo, làm mát bằng quạt gió hoặc chườm khăn mát. Thực hiện sơ cứu các vết thương bỏng (nếu có) bằng cách sử dụng nước mát, sạch dội vết thương, chườm đá vùng bị bỏng và sau đó băng ép tổn thương để chống thoát dịch. Nhanh chóng gọi điện thoại hỗ trợ y tế 115 để cấp cứu và vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế ngay khi có thể.

3.Điều trị nhiễm độc CO phải được yêu cầu hỗ trợ chuyên nghiệp nhằm cung cấp oxy cho nạn nhân. Trong trường hợp chưa có hỗ trợ y tế, tiến hành các bước cứu chữa cơ bản cho đến khi được hỗ trợ. Các bước cứu chữa cơ bản gồm có: lấy dị vật đường thở, khai thông đường hô hấp, lau sạch đờm rãi và bất cứ thứ gì làm cản trở đường hô hấp trên. Tiến hành hồi sinh tim phổi bằng hô hấp nhân tạo và bóp tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân có ngừng tim, ngừng thở.

4.Phối hợp với các nguồn lực nhằm loại bỏ tất cả các nguồn có thể gây ô nhiễm CO nếu có thể (tắt máy động cơ, dập tắt đám cháy...).

Ảnh minh họa: Internet

ThS. Nguyễn Kiên Cường

Viện Y học Dự phòng Quân đội

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!