Nhận diện “khắc tinh” giữa Thuốc và Thực phẩm

Dinh dưỡng - 04/29/2024

Tết là một dịp đặc biệt, thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt và cũng chính vì ý nghĩa đặc biệt này nên nhiều người, nhất là những người có bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, gút, viêm gan B... thường tặc lưỡi cho qua việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc, khiến cho bệnh vào ngày Tết bỗng dưng lại nặng lên.

Vì vậy, để thưởng trọn một cái Tết an lành, thiết nghĩ tuân thủ việc dùng thuốc, tránh tương tác thuốc với các thực phẩm là điều cần thiết.

Thường thì Tết đến xuân về người ta kiêng nói chuyện bệnh tật thuốc men. Cực chẳng đã mới phải vào bệnh viện. Thế nhưng ngành y tế, đặc biệt là đội ngũ nhân viên trực Tết của các bệnh viện, ngày Tết họ bận hơn cả ngày thường. Việc dùng thuốc cho bất cứ một tình trạng bệnh nào cũng đòi hỏi những quy định chặt chẽ.

Nghỉ Tết chứ không nghỉ thuốc, nhất là những bệnh mạn tính cần dùng thuốc đều đặn, liên tục. Tết là nghỉ ngơi, đi chơi và chúc mừng nhau những lời tốt đẹp nhất. Tết mà uống thuốc thì... vẫn là Tết nhưng cần chú ý một số điểm sau:

Ngày Tết, khối lượng thức ăn đồ uống tăng đột biến, toàn thứ giàu đạm giàu mỡ, nhiều chất kích thích, ăn uống có thể không theo nhịp sinh học bình thường hàng ngày vì nhu cầu tiếp khách, gặp gỡ bạn bè, anh em họ hàng...

Vì vậy, cần phải duy trì điều độ khẩu phần ăn và giờ ăn nếu đang dùng thuốc. Điều này rất quan trọng vì tương tác thức ăn, đồ uống với thuốc là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc trong quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ của thuốc.

Trong một số trường hợp, thức ăn và đồ uống thậm chí còn có thể làm thay đổi tác dụng dược lý của thuốc.

Nhận diện “khắc tinh” giữa Thuốc và Thực phẩm

Đối với thức ăn

Cần chú ý đến việc thầy thuốc căn dặn uống thuốc trước hay sau, hay cùng lúc trong bữa ăn. Ngày thường có thể chủ động được, nhưng ngày Tết có người e ngại, có người nể nang bạn bè mà tặc lưỡi cho qua, nghĩ bụng thôi để chốc nữa uống sau.

Ai lại vừa vào mâm đã tuyên bố tôi vừa uống thuốc hay chốc nữa tôi phải uống thuốc thì mất vui. Việc dùng thuốc trước hay sau ăn có thể làm thay đổi mức độ hấp thu của thuốc.

Thức ăn cũng làm cản trở sự di chuyển của thuốc trong lòng ruột. Đặc biệt, thức ăn kích thích sự tiết mật, nhất là những thức ăn giàu chất béo. Đối với những thuốc tan nhiều trong mỡ thì sẽ hấp thu rất tốt như các vitamin A, D, E, K.

Ngược lại, bữa ăn giàu chất béo trong dịp Tết, hoặc quá nhiều đường, muối, chất chua... sẽ ảnh hưởng đến các thuốc kém bền trong môi trường acid của dạ dày và làm chậm sự di chuyển của thuốc đến vị trí hấp thu tối ưu là ruột non.

Bữa ăn làm tăng lưu lượng dòng máu qua gan nên với một số thuốc như thuốc chẹn beta giao cảm, các hormon, morphin sẽ tăng lượng hoạt chất thuốc qua gan và tăng hàm lượng thuốc trong máu. Các thức ăn giàu đạm ngày Tết như thịt ninh, hoặc rau bắp cải, củ cải có thể làm các thuốc như theophylin (một loại thuốc dùng trong hen, COPD) bị giảm hoạt tính do thức ăn kích thích men chuyển hóa ở gan.

Thức ăn ngày Tết cũng có thể làm thay đổi tác dụng và độc tính của thuốc. Khi ăn uống nhiều loại thực phẩm như phomat, rượu vang đỏ, bia, chuối, gan của một số gia cầm... thì có thể gây tác dụng phụ như tăng huyết áp, nhịp tim nhanh đối với các thuốc chống trầm cảm như nialamid, iproniazid.

Nếu người bệnh đang điều trị bằng corticoid thì bữa ăn ngày Tết cần chú ý điều chỉnh sao cho giảm lượng natri vì nếu hàm lượng muối ăn cao sẽ giữ nước, gây phù. Một số loại rau củ quả hay dùng trong dịp Tết như súp lơ, bắp cải, cà chua, đậu sẽ cản trở tác dụng của các loại thuốc chống đông máu đạng uống như warfarin, dicoumarol do có chứa nhiều vitamin K.

Và đồ uống

Ngày Tết cũng rất hay dùng các đồ uống như nước ngọt, nước hoa quả, nước khoáng có gas nên có thể sẽ làm thay đổi độ pH của nước tiểu và do đó làm thay đổi bài xuất thuốc. Có thuốc có bản chất kiềm yếu như quinidin, amphetamin sẽ thải nhanh khi pH nước tiểu acid, còn các thuốc có bản chất acid yếu như sulfamid, aspirin sẽ thải nhanh hơn khi nước tiểu kiềm.

Ngày Tết tự dưng người ta ít uống nước vì đã dùng quá nhiều bia, nước ngọt hoặc nước hoa quả. Tuy nhiên nên nhớ là trong mọi trường hợp, đồ uống thích hợp cho mọi loại thuốc đều là nước.

Nước đun sôi để nguội là dung môi thích hợp nhất để uống thuốc, làm thuốc trôi từ thực quản xuống dạ dày, làm tăng độ tan của thuốc và giúp bài xuất nhanh qua thận. Tuyệt đối tránh sử dụng các đồ uống khác khi đang uống thuốc như sữa, nước chè, rượu bia, cà phê...

Mong sao ngày Tết không có nhiều người phải dùng thuốc để yên tâm vui Tết đón xuân. Nhưng nếu đang trong một liệu trình điều trị hãy chấp hành các nguyên tắc của thầy thuốc đã dặn.

Hãy khéo léo giữ được nhịp độ sinh học của mình và chú ý các cảnh báo đã khuyên. Làm tốt những điều đó thì mặc dù đang uống thuốc, bạn vẫn đón xuân với niềm tin tưởng bảo vệ sức khỏe của mình như lời chúc an lành nhất của chúng ta mỗi khi Tết đến xuân về.

Việc dùng thuốc trước hay sau ăn có thể làm thay đổi mức độ hấp thu của thuốc. Thức ăn cũng làm cản trở sự di chuyển của thuốc trong lòng ruột.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!