BS Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc hóa chất tăng đột biến.
Trong 65 bệnh nhân của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong dịp Tết có tới hơn 1/3 trường hợp điều trị do ngộ độc thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
Cả kỳ nghỉ lễ, khoa tiếp nhận 65 bệnh nhân, trong đó có hơn 20 ca ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và thuốc diệt chuột, 7 ca ngộ độc rượu, 7 ca ngộ độc thực phẩm, 5 ca ngộ độc ma túy, 6 ca ngộ độc thuốc Tây...
Ngay trong ngày mùng 1, mùng 2 Tết cũng có bệnh nhân nhập viện vì nguyên nhân này. Các trường hợp này bệnh thường nặng, công thêm bệnh nhân không hợp tác nên điều trị thường khó khăn, kéo dài.
BS Tuấn cho biết, khi hỏi bệnh nhân, hầu hết đều nói do uống nhầm các loại thuốc trên. Tuy nhiên đây là điều gần như không thể, vì không gia đình nào để những loại thuốc này gần bàn uống nước. Phải gặng hỏi mãi bệnh nhân mới nói thật là mình tự tử.
Trong chiều 14/2, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân hơn 30 tuổi (Hà Nội) bị ngộ độc thuốc trừ sâu do ăn ổi vừa được phun thuốc mà không biết. Theo BS Nguyễn Anh Tuấn, rất may mắn là tình trạng ngộ độc của bệnh nhân không quá nặng nề. Thuốc đã được pha loãng, xịt lên cây trong diện rộng nên lượng thuốc bám vào quả không quá nhiều. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi điều trị trong vài ngày tới.
Thông tin từ người nhà bệnh nhân được biêt, người bố có pha thuốc kích thích tăng trưởng để phun cho vườn cây ăn quả. Nhưng do không biết người con gái mới hái ổi xuống ăn. Chỉ đến khi thấy chị có biểu hiện kích thích, nôn mửa, gia đình hỏi ra mới biết con hái ổi trên cây ăn. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu.
Nạn nhân bị ngộ độc đang nằm điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai
Ngoài ra, trong 9 ngày nghỉ lễ Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận 7 ca ngộ độc rượu, 5 ca ngộ độc ma túy, 7 ca ngộ độc thực phẩm… Về ngộ độc rượu, thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, một số trường hợp nặng khi chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đã bị xuất huyết tiêu hóa, vỡ tĩnh mạch thực quản do uống quá nhiều rượu.
Vào mùng 5 Tết, 1 trường hợp trong số này đã tử vong. Hiện tại, kho cũng đang điều trị một bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa vì lý do này, bệnh nhân có tiền sử uống mỗi ngày nửa lít rượu, dịp tết uống nhiều hơn.
BS Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo, sau Tết, số ca ngộ độc rượu sẽ tăng cao do người dân đi làm trở lại, chúc tụng, nhậu nhẹt đầu xuân tưng bừng. 'Nhiều trường hợp uống rượu xịn vẫn bị ngộ độc như thường. Trường hợp ngộ độc nặng ngoài hôn mê có thể bị trụy mạch, suy hô hấp, tử vong', BS Anh Tuấn cảnh báo.
Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo về nguy hại của rượu có chứa methanol, nhưng trong dịp Tết này, nhiều người vì ham rẻ nên thường mua phải rượu có lẫn cồn công nghiệp methanol. Đây là một chất cực độc, uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan, nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù. Rất nhiều trường hợp ngộ độc Methanol đã phải xin về sau nhiều ngày nhập viện điều trị không thuyên giảm.
Liên quan đến tình trạng ngộ độc trong 9 ngày Tết Nguyên đán Bính Thân, báo cáo của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, trong những ngày Tết vừa qua cho thấy, tổng số lượt khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hoá, ngộ độc rượu (say rượu) trên cả nước là gần 1.500 lượt, trong đó có 2 ca tử vong.
Trên toàn quốc cũng ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại hộ gia đình ở thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái do ăn thịt trâu chết. Nguyên nhân do vi sinh; 34 người mắc, 9 người đi viện. Toàn bộ số lượng thịt trâu chết đã được tiêu hủy.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!