Nhật kí của cô giáo trẻ mắc bệnh ung thư nhất định khiến bạn phải rơi lệ

Ung Thư - 11/28/2024

Ung thư có thể coi là "án tử" cho những người không may mắc phải. Nó tước mòn sự sống, hút cạn lòng yêu đời và khiến tinh thần suy sụp. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều người, dù biết mình đã nhận được bản án khó tránh khỏi, vẫn hết sức lạc quan để chống chọi với bệnh tật và thắp lên hi vọng được chữa khỏi dù rất mong manh. Hãy đọc những trang nhật kí của một cô giáo trẻ không may bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư để thêm đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia với tất cả những bệnh nhân ung thư trong cuộc sống này.

Ung thư có thể coi là "án tử" cho những người không may mắc phải. Nó tước mòn sự sống, hút cạn lòng yêu đời và khiến tinh thần suy sụp. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều người, dù biết mình đã nhận được bản án khó tránh khỏi, vẫn hết sức lạc quan để chống chọi với bệnh tật và thắp lên hi vọng được chữa khỏi dù rất mong manh. Hãy đọc những trang nhật kí của một cô giáo trẻ không may bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư để thêm đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia với tất cả những bệnh nhân ung thư trong cuộc sống này.

Những ngày mới biết tin mình mắc bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối, Nguyễn Phạm Thanh Hằng (29 tuổi, Hà Nội) chỉ nằm khóc.

Mọi ước mơ, kế hoạch của cô giáo dạy nhạc tại trường THCS Lệ Chi (Gia Lâm, Hà Nội) bỗng dưng sụp đổ.

Kể từ đó, Thanh Hằng viết nhật ký chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Khoảng thời gian hai tháng không dài, nhưng đó là chuỗi ngày cô gắn liền với kim tiêm, hóa chất, cơ thể thay đổi, tâm trạng xấu đi và cả tốt lên.

Nhật kí của cô giáo trẻ mắc bệnh ung thư nhất định khiến bạn phải rơi lệ

Cô gái trẻ không may bị mắc bệnh ung thư

Những dòng nhật ký của cô gái xinh xắn, vẫn luôn tràn đầy lạc quan dù phải đối mặt với bệnh ung thư, đã thu hút sự quan tâm trong cộng đồng mạng.

5/12/2016: Đi khám tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội từ sáng. Đến chiều, nhận được kết quả ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

16/12/2016: Làm thủ tục chuyển bảo hiểm sang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Phải nghỉ làm, phải bỏ thi giáo viên giỏi. Khóc lóc buồn bã 3-4 ngày sưng húp mắt, chán ăn uống. Cơ thể mệt mỏi, đau bụng, đau lưng nhiều.

Gia đình lo lắng, náo loạn. Bạn bè, cơ quan rất yêu thương, tình cảm, ở bên cạnh động viên từng ngày từng giờ.

19/12/2016: Nhập viện Ung bướu Hà Nội với tinh thần thư thái, lạc quan nên ăn uống tốt, cơ thể khỏe hơn. 3 ngày nằm viện, làm tất cả xét nghiệm độc và kinh hoàng nhất từng trải qua như tiêm chất xạ, truyền chất xạ, bơm chất phát quang và đủ thể loại máy móc. Kết luận: ung thư di căn vào phổi, hạch.

21-25/12/2016: Nghỉ làm ở nhà. Cuộc sống bỗng chốc thay đổi, giờ thành một cô công chúa yếu đuối, được mọi người nâng niu, chiều chuộng. Mẹ chăm từng tí một từ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt. Uống đủ loại thứ bổ vào người. Các buổi chiều đi bộ thể dục. Bạn bè và cơ quan thường xuyên đến nhà chăm sóc, an ủi, động viên hết mức có thể. Nhà lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp. Tinh thần rất vui vẻ, cơ thể cũng ngày một khỏe lên.

Nhật kí của cô giáo trẻ mắc bệnh ung thư nhất định khiến bạn phải rơi lệ

Những đau đớn trong quá trình điều trị bệnh ung thư

26/12/2016: Nhập viện Ung bướu truyền hóa chất đợt một trong 48 giờ liên tục cả ngày lẫn đêm.

Sáng tôi được truyền hai tay cùng lúc và tiêm ba loại: một loại buốt lệch mông trái, một loại ngứa xực khắp người, tay phải dứt tóc, một loại nóng khắp người.

Chiều rút còn một kim truyền cả ngày cả đêm. Tối được tiêm thêm một lần nữa, buốt lệch mông phải. Nhưng ăn uống tốt, ngủ được, cảm thấy khỏe.

27/12/2016: Tôi thấy hoa vàng trong phòng tôi, vẫn truyền liên tục cả ngày cả đêm không ngừng nghỉ. Vẫn tiêm y hệt hôm trước. Người mệt hơn chút. Liên tục bị trói tay với cái máy quanh giường 3 ngày 2 đêm. Độ tự kỉ và buồn chán tăng dần.

28/12/2016: Giám đốc bệnh viện đi từng phòng nhắc lại bệnh án từng người - ung thư trực tràng giai đoạn cuối di căn xương phổi. Nghe phát ớn.

Được tiêm xong rồi báo rằng truyền nốt 3 chai sẽ cho về mà lòng mừng phấn khởi. Nhớ nhà kinh khủng khiếp. Cảm giác không khác gì một con chim nhốt trong lồng. Giờ nằm nhìn những giọt chảy để mong được rút kim.

Những cơn đau bụng chỉ cách nhau 1-2 phút. Bụng nổi cục cứng giống như khối u trồi lên. Bụng tôi như muốn vỡ ra, tôi không thở được, tim giống như bị ai bóp nghẹt lại, tôi đi ngoài ra máu.

Liên tục như vậy trong mấy giờ đồng hồ. Người tôi rét run, được tiêm giảm đau và không thể về nhà. Tôi bắt đầu hoảng loạn và khóc nhưng không hiểu vì đau hay vì nhớ nhà và tuyệt vọng.

21h hết thuốc giảm đau tôi lại đau y hệt như lúc chiều. Sức chịu đựng yếu hơn, tôi nằm rét run trên giường giống như bị sốt rét.

Tôi khóc và đã gọi bố cho con đi theo với con không chịu đựng được! Mẹ nằm cạnh và nắm chặt tay tôi. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

29/12/2016: 3h sáng tôi tỉnh, bụng còn đau quặn nhè nhẹ, sờ thấy cục cứng nổi lên. Mẹ đã ra giường gấp nằm ngủ. Lúc đó tôi thấy thương mẹ ghê gớm.

Toàn thân tôi đau nhức, nôn nao, mệt mỏi, khó thở, ho nhiều. Tôi thèm về nhà hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ có chết thì phải chết ở nhà!

...

5/1/2017: Tôi nhập viện làm tiểu phẫu "đặt buồng kim" và bị đưa vào một phòng đầy máy móc, đâm kim vào tay trái truyền gì đó. Được lắp máy thở oxy, máy huyết áp tim mạch và vài thứ nữa vào người. Nằm chờ khá lâu, lúc sau bị che kín hết mặt và người, chỉ hở cổ và ngực bên phải. Nghe tiếng khoảng 4 bác sĩ. Họ hỏi han vài câu sau đó tiêm tê cổ, rạch cổ nhét gì đó. Tiếp tục tiêm khoảng chục lần tê ở ngực và rạch ngực.

Làm khoảng 20 phút. Đau và sợ. Tôi cắn chặt răng và nắm chặt tay vào miếng vải đắp. Xong xuôi, tôi được chuyển sang cáng và đẩy về phòng. Tiêm thuốc gì đó, sau 2-3 giây thì nôn thốc. Kim truyền giữ nguyên ở tay để tiêm khoảng 7-10 ngày nữa.

Cứ liên tiếp những chuỗi ngày đau đớn như vậy với kim tiêm, giường bệnh, Thanh Hằng đã truyền hết 4 đợt hóa chất và sẽ truyền tiếp đợt thứ 5 vào hôm nay 21/2.

Chia sẻ với Zing.vn, Thanh Hằng vẫn luôn mang tâm trạng lạc quan như cô vốn thể hiện trong suốt 2 tháng biết mình mắc bệnh.

"Tôi thấy khóc cũng không giải quyết được gì mà chỉ mệt, làm mọi người mệt mỏi theo. Tôi quyết định sống vô tư, vui vẻ như lúc trước và cảm thấy khá hơn rất nhiều", cô nói.

Hằng cho biết cô sẽ được truyền hóa chất 12 lần. Mỗi lần vào viện là tốn khoảng 20 triệu đồng. Hơn 2 tháng qua, gia đình cô đã tiêu gần 100 triệu đồng cho việc điều trị.

Nữ giáo viên hài hước tiết lộ cô tăng lên 2 kg vì có thể thoải mái ăn mà "không sợ béo". Sự lạc quan chính là liều thuốc quan trọng nhất giúp cô đối mặt với bệnh tật mỗi ngày.

(Theo Zing)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!