Nhiều ca bệnh COVID-19 bị mất dấu F0, nguy cơ tiềm ẩn lây lan ra cộng đồng

Thời sự - 05/10/2024

Hiện tại dịch COVID-19 ở Việt Nam đã có diễn biến phức tạp hơn khi xuất hiện các ca bệnh mất dấu F0 (ca mắc nhưng không rõ nguồn lây, mất dấu người mắc ban đầu). Đây là nguy cơ rất lớn tiềm ẩn các ca bệnh trong cộng đồng, dẫn đến dễ lây lan mạnh nếu người dân không có ý thức phòng bệnh.

Nhiều ca bệnh COVID-19 bị mất dấu F0, nguy cơ tiềm ẩn lây lan ra cộng đồng

Xét nghiệm nhanh phát hiện COVID-19. Ảnh: TTXVN

Việt Nam vừa qua đã ghi nhận nhiều ca bệnh bị mất dấu F0, không rõ nguồn lây, khiến cho việc truy tìm ca bệnh trở nên phức tạp, khó khăn; nhiều nơi đành coi ca dương tính phát hiện như F0 để khoanh vùng, kiểm soát.

Một số trường hợp mắc COVID-19 mà không tìm được F0 vừa qua đã được ghi nhận như: Ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai do không xác định được nguồn lây ban đầu, sau đó dịch lây lan mạnh. Hay trường hợp bệnh nhân số 237 (nam, người Thuỵ Điển) không biết tình trạng mắc bệnh đã đi đến nhiều nơi, ở nhiều khách sạn và đi tới tại 4 bệnh viện là Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Đức Giang, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân số 251 (64 tuổi, ở Bình Lục, Hà Nam), điều trị tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam từ ngày 20/3, có con trai và con dâu từ Hà Nội về chăm. Ngày 6/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên những người được khoanh vùng có tiếp xúc với người bệnh đều có kết quả âm tính, vì vậy đây được coi là ca lây nhiễm trong cộng đồng khi chưa xác định được nguồn lây.

Hay mới đây là trường hợp bệnh nhân số 243 (ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội), đã khiến nhiều nghi vấn đặt câu hỏi, liệu có phải bệnh nhân ủ bệnh 23 ngày sau khi đi khám bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai về hay không? Tuy nhiên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã làm cả xét nghiệm kháng thể nhưng chưa phát hiện kháng thể ở bệnh nhân này. Điều này cho thấy bệnh nhân số 243 không phải mắc COVID-19 từ ổ dịch Bạch Mai, mà là mới mắc bệnh gần đây, nhưng chưa rõ lây bệnh từ đâu.

Về các trường hợp mất dấu F0, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết: Những trường hợp trên đã chứng minh cho việc dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã lây lan trong cộng đồng, mặc dù con số này chưa nhiều. Điều này cho thấy đã có sự lây truyền mới trong cộng đồng.

Đây là nguy cơ khiến dịch dễ âm thầm lây lan nếu người dân không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trước tình hình này, chúng ta cần làm triệt để các biện pháp phát hiện ca bệnh và cách ly cộng đồng. Điều quan trọng nhất là lấy mẫu xét nghiệm với số lượng càng nhiều càng tốt, để có thể phát hiện nhiều ổ dịch, khoanh vùng lại và dập dịch ngay lập tức.

Đặc biệt, việc giãn cách xã hội là rất quan trọng, cần tiếp tục triển khai quyết liệt và dựa vào chiều hướng của dịch để tiến hành các biện pháp tiếp theo. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục áp dụng tất cả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã triển khai từ ngăn chặn, phát hiện và cách ly để tìm kiếm ổ dịch. Điều quan trọng nhất là tìm kiếm ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, để cách ly khoanh vùng sớm và dập tắt. Nếu không, dịch có thể sẽ bùng lên rất mạnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!