Sông Đốc là một trong những thị trấn sầm uất nhất của tỉnh Cà Mau. Nhờ phát triển các ngành hậu cần nghề biển, chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản, thị trấn này đóng góp khá lớn vào ngân sách của huyện Trần Văn Thời. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển các ngành nghề là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, trở thành những vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong quần chúng, nhân dân.
Nước thải, rác gây ô nhiễm ở Cụm công nghiệp Sông Đốc. Ảnh: TL
Án ngữ ngay cửa ngõ vào thị trấn Sông Đốc là cụm công nghiệp Sông Đốc, nơi tập trung hơn 10 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản và sản xuất bột cá. Một thời, các nhà máy này là niềm tự hào, bởi vừa phục vụ đắc lực cho ngành nghề mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, vừa tạo thêm việc làm, giúp nhiều ngư dân địa phương có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở này đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực này, khi sản xuất, mùi hôi thối từ các nhà máy bốc lên rất khó chịu. Trẻ em, người già sống gần đó thường mắc bệnh về đường hô hấp. Vật dụng sinh hoạt để ở hiên nhà chỉ trong thời gian ngắn là tro bụi đã dính đầy, có mùi hôi tanh.
Một điểm 'nóng' khác về ô nhiễm môi trường là ở khu công nghiệp Hòa Trung (thuộc địa bàn xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), cách TP Cà Mau khoảng hơn 5 km. Hiện nay, tại khu công nghiệp Hòa Trung có năm cơ sở chế biến thủy sản và bốn cơ sở chế biến chất chytin, nước mắm. Hoạt động sản xuất của những cơ sở này thường phát sinh nhiều mùi hôi, khí thải, nước thải ô nhiễm, sự ô nhiễm này ảnh hưởng lớn tới nguồn nước nguyên liệu dùng để sản xuất nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân.
Nước thải từ các khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng tại Cà Mau. Ảnh: TL
Trước thực trạng trên, tỉnh Cà Mau đang nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Tập trung vào một số giải pháp như: Tăng cường kiểm tra các khu vực công cộng thường xuyên có phát sinh nước thải gây ô nhiễm để tiến hành lắp đặt camera giám sát các khu vực này, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Đề án thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường nhằm tăng cường việc tham gia giám sát của cộng đồng đối với việc xả thải của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn.
Đối với một số doanh nghiệp chưa xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định, cơ quan chức năng tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Nếu phát hiện vẫn còn hoạt động vi phạm sẽ đề xuất UBND tỉnh đình chỉ và tạm ngưng hoạt động.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường, áp dụng các biện pháp công nghệ để kiểm soát quá trình xả thải của các doanh nghiệp. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt, đối với cơ sở sản xuất nước, ngành y tế.
Về biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cà Mau, tỉnh Cà Mau sẽ chỉ đạo thực hiện giải pháp nạo vét cải thiện ô nhiễm trên tuyến sông Cà Mau, nhất là đoạn sông từ cầu Gành Hào đến Cảng cá Cà Mau đang bị bồi lắng bởi rác thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân trong khu vực.
Thời gian tới, Cà Mau sẽ đẩy mạnh các hình thức tuyên tuyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 14/12/2018 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt bảo đảm có hiệu lực trước ngày 01/7/2021.
Được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Cục Quản lý môi trường y tế đã xây dựng dự thảo các tài liệu về giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt để hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước và xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!