Nhiều người sợ Alzheimer hơn ung thư

Sống khỏe mạnh - 05/03/2024

Theo English News, kết quả khảo sát những người trên 50 tuổi mới đây cho thấy 68% sợ sẽ mắc bệnh mất trí nhớ, trong khi chỉ có 9% lo bị ung thư.

Alzheimer và các bệnh giảm sút trí nhớ ở người lớn tuổi đang được xem là 'căn bệnh độc ác, đáng sợ hơn cả ung thư'. Người bệnh không chỉ giảm sút chất lượng sống mà còn trở thành gánh nặng đầy thách thức cho thân nhân, xã hội.

Bà Dame Gill Morgan, Bộ Y tế Anh, cho biết các nghiên cứu bệnh mất trí nhớ đang tụt hậu 25 năm so với tiến độ thực hiện với bệnh ung thư. Các chuyên gia lo ngại với nguồn tài trợ chỉ bằng 1/10 dành cho bệnh ung thư, những tiến bộ trong việc phát triển thuốc điều trị mất trí nhớ sẽ đến quá muộn để giúp 850.000 người đang sống chung với căn bệnh này ở Anh.

Nhiều người sợ Alzheimer hơn ung thư

Các nhà khoa học hy vọng những tiến bộ trong công tác phòng và điều trị ở tương lai có thể góp phần hạn chế mắc mới (Ảnh: newsrt)

Ước tính có khoảng 2,5 triệu người dân Anh đang sống chung với căn bệnh ung thư, dự kiến sẽ tăng lên 4 triệu vào năm 2030. Trong khi đó, theo Hội Alzheimer, số người mất trí nhớ tại nước này vào năm 2025 là 1 triệu và có thể sẽ tăng lên 2 triệu vào năm 2050.

Trên thế giới, dự kiến hơn 100 triệu người trên toàn thế giới sẽ phải chiến đấu với bệnh Alzheimer và gây nên một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng vào năm 2050. Trong 10 năm qua, số lượng bệnh nhân sống chung với căn bệnh này đã tăng từ gần 26 triệu đến hơn 36 triệu. Trong 34 năm tới, dự kiến hơn 106 triệu người lớn trên toàn thế giới phải sống chung với căn bệnh này. Sự bùng nổ của số lượng bệnh nhân đến từ tình trạng già hóa dân số, khi nhiều người bắt đầu được chẩn đoán bệnh sau tuổi 65.

Tiến sĩ Ron Brookmeyer, Đại học Y tế công cộng tại Mỹ cho biết Alzheimer là một căn bệnh lâu dài. Khi được chẩn đoán, bệnh nhân có thể sống với nó trong 10 năm hoặc dài hơn tùy thuộc vào sự chăm sóc trong thời gian đó. Bệnh không thể chữa khỏi, là nguyên nhân thứ 6 dẫn đến tử vong trên thế giới.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ được chẩn đoán mắc bệnh tăng gấp đôi mỗi 5 năm ở người lớn tuổi trên toàn cầu. Các nhà khoa học hy vọng những tiến bộ trong công tác phòng trị làm chậm sự khởi phát và tiến triển của bệnh ở tương lai, góp phần hạn chế mắc mới. Việc trì hoãn khởi phát bệnh trung bình một năm có thể giúp giảm 9 triệu ca mắc bệnh trên toàn cầu vào năm 2050.

Lê Phương

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!