Đây là nhận định theo chuyên gia da liễu Joshua Zeichner, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về bệnh da liễu và mỹ phẩm, tại phòng khám da liễu, Bệnh viện Mt. Sinai ở thành phố New York (Mỹ).
Làn da về cơ bản chính là một tấm bảng ghi rõ những gì đang diễn ra bên trong cơ thể bạn. Vì những nốt mụn thường không tự nhiên mọc lên. Với những hướng dẫn dưới đây, bạn hiểu đúng thủ phạm gây mụn từ đó tìm ra cách tránh chúng.
Mụn mọc ở cằm, quai hàm hay cổ
Thủ phạm:Chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Các hoóc-môn như testosterone thay đổi lên xuống trong suốt chu kỳ nguyệt san của bạn khiến các tuyến sản xuất nhiều dầu hơn, gây hậu quả cuối cùng là làm tắc lỗ chân lông, nổi mụn.
Cách ngăn ngừa: Hãy bắt đầu điều trị từ tuần trước khi có 'đèn đỏ': Nếu bạn thường sử dụng sữa rửa mặt có thành phần chống mụn như benzoyl peroxide hay salicylic a-xít, hãy nhớ áp dụng với cả vùng cổ, cằm và những vùng còn lại trên mặt. Bạn không thể đoán chính xác mụn sẽ mọc ở chỗ nào nên để an toàn, hãy làm sạch và ngừa mụn trước ở tất cả các khu vực này.
Nếu như bạn nổi nhiều mụn xấu vào cùng một thời điểm mỗi tháng, nên đi khám bác sĩ da liễu và có thể được kê các cách điều trị như thuốc tránh thai hay các liệu pháp hoóc-môn khác để điều chỉnh nội tiết, ngăn ngừa sự bùng phát dẫn đến mụn.
Những vị trí dễ nổi mụn trên mặt bạn (Ảnh minh họa: Internet)
Mụn trên mũi và trán
Thủ phạm:Stress. Bác sĩ Zeichner cho biết, phản ứng chống lại stress của bạn hay gặp nhất là nổi một loạt mụn ở vùng chữ T trên mặt. Khi căng thẳng, cơ thể bạn giải phóng adrenaline - chất có thể làm tăng việc sản xuất dầu và tăng khả năng mọc mụn.
Cách ngăn ngừa:Khi stress tấn công hay trong thời điểm bạn biết chắc mình sẽ phải đối mặt với một tuần làm việc, học tập căng thẳng, hãy áp dụng sản phẩm ngăn ngừa và trị mụn cho vùng này hay toàn bộ gương mặt.
Mụn mọc dọc đường chân tóc
Thủ phạm: Sản phẩm chăm sóc tóc của bạn quá nhờn. Trừ phi bạn muốn có mái tóc trông thật mướt, bóng nhẫy, tốt hơn là nên hạn chế sử dụng những sản phẩm như sáp thơm bôi tóc ở gần đường chân tóc. Ngay cả khi thoa sản phẩm chăm sóc tóc lên những vùng khác và sau đó chạm vào đường chân tóc, đánh rối chân tóc hay làm mượt một mớ tóc tơ dễ bung, bạn cũng có thể làm bít lỗ chân lông.
Cách ngăn ngừa:Tránh dùng các sản phẩm này gần trán và đảm bảo rửa tay sạch sau khi thoa kem dưỡng tóc, sáp thơm cho tóc. Khi rửa mặt, hãy nhớ chà sạch cả vùng da gần trán, tóc mai - nơi có đường chân tóc (tất nhiên chỉ chà rửa nhẹ nhàng, nếu quá mạnh tay bạn có thể gây trầy xước và viêm nhiễm). Nếu đám mụn mọc lên trở thành vấn đề nghiêm trọng, hãy dùng nước hoa hồng hằng ngày xung quanh vùng chân tóc.
Mụn mọc ở má
Không nên nặn mụn trứng cá (Ảnh minh họa: Internet)
Thủ phạm:Điện thoại hay tay bẩn. Bất cứ thứ gì chạm vào mặt bạn một lúc lâu cũng có thể truyền các chất bẩn gây tắc lỗ chân lông hay vi khuẩn tới da.
Cách ngăn ngừa: Làm sạch điện thoại của bạn với khăn kháng khuẩn hàng ngày và sử dụng một thiết bị không dùng tay nếu có thể (tai nghe, thiết bị bluetooth chẳng hạn). Luôn nhớ một điều: Đừng đưa tay lên mặt.
Mụn mọc quanh miệng
Thủ phạm:Chế độ ăn của bạn. Thức ăn có tính a-xít (có chanh hay giấm) có thể gây kích ứng da và viêm, trong khi dầu mỡ thừa từ thực phẩm chiên rán có thể làm bít lỗ chân lông. Khi đó, hệ quả là mụn có thể mọc quanh môi bạn.
Cách ngăn ngừa: Sử dụng khăn lau mặt sạch để lau hết những chất kích thích vô hình quanh miệng bạn sau khi ăn.
Mụn mọc trên ngực và lưng
Thủ phạm:Áo ngực hoặc áo phông quá chật. Vải cotton thấm mồ hôi và giữ chúng ở sát da bạn. Vì các vi khuẩn gây mụn phát triển tốt ở nơi ẩm, mặc quần áo cotton bó sát để tập thể dục có thể biến da bạn thành mảnh đất màu mỡ cho mụn, bác sĩ Zeichner nói.
Cách ngăn ngừa:Mặc những loại quần áo với chất liệu có tính bấc thấm ẩm (như hợp chất của polyester-spandex và vi sợi (chất như da lộn) khi bạn tập thể dục. Vì chúng thoát mồ hôi nhanh khỏi da, bạn sẽ ít bị nổi mụn, đặc biệt nếu bạn lười và mặc nguyên đồ tập suốt ngày.
Khi đã bị nổi mụn
Bác sĩ Zeichner nói, khi mụn đã nổi lên, bạn có thể sử dụng thuốc không cần kê đơn như kem benzoyl peroxide 2,5%, gel salicylic a-xít 2% và hydrocortisone 1% dạng kem để giảm viêm. Nếu bạn có làn da đặc biệt nhạy cảm hoặc dùng tất cả các cách trên đều thất bại, hãy đi khám để được điều trị theo đơn phù hợp.
>> Xem thêm: Bắt bệnh qua vị trí nốt ruồi trên mặt
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!