Nhồi máu cơ tim cấp hiếm gặp ở trẻ em

Nuôi dạy con - 04/19/2024

Được biết nhồi máu cơ tim cũng xảy ra ở trẻ em phải không? Nguyên nhân ở người lớn là do xơ vữa mạch vành, vậy trẻ em có như vậy không?

Nguyên nhân ở người lớn là do xơ vữa mạch vành, vậy trẻ em có như vậy không?

(Lý Văn Ba - Vĩnh Long)

Nhồi máu cơ tim cấp thường được nhắc đến ở người trưởng thành và nhất là người lớn tuổi. Nhiều người nghĩ rằng nhồi máu cơ tim cấp không xảy ra ở trẻ em nhưng thực tế chứng bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Chúng ta thấy rằng có nhồi máu cơ tim cấp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng ở trẻ em thì rất hiếm. Trong khi ở người lớn thì nhồi máu cơ tim là bệnh động mạch vành mắc phải, có sự tích tụ nguy cơ trong cuộc sống tạo thành các mảng xơ vữa gây nên sự co thắt mạch vành hoặc huyết khối.

Ở trẻ em thì không giống như vậy, hay gặp nhất là do bất thường mạch vành hoặc tình trạng viêm cấp của động mạch vành. Do bệnh hiếm xảy ra ở trẻ em nên đứng trước một bệnh nhi bác sĩ rất ít khi nghĩ đến bệnh này.

Nhồi máu cơ tim cấp hiếm gặp ở trẻ em

Ảnh minh họa

Nếu bệnh nhân không bị đột tử có một số triệu chứng không được đặc hiệu lắm: đau ngực, hồi hộp, khó thở, chóng mặt, rối loạn ý thức, ngất, da lạnh… ở trẻ quá nhỏ có thể chỉ thấy khó thở, ói, bỏ bú hay bú khó.

Với những triệu chứng không đặc hiệu khi trẻ càng nhỏ tuổi và thường bị chẩn đóan nhầm sang bệnh khác, nếu được chẩn đoán đúng bệnh thì đã quá trễ. Chẩn đoán được bệnh bằng điện tâm đồ, siêu âm tim hoặc thông tim. Một số trường hợp chỉ xác định được khi mổ tử thi.

Nguyên nhân gây bệnh tùy từng lứa tuổi khác nhau:

- Đối với lứa tuổi sơ sinh thường thể hiện bằng những cái chết không giải thích được nguyên nhân, nguyên nhân do bất thường của động mạch vành (động mạch vành trái bắt nguồn từ động mạch phổi thay vì từ động mạch chủ như người bình thường); Nguyên nhân hẹp lỗ động mạch vành sau sự chuyển vị động mạch lớn trong thời kỳ bào thai, vài năm sau khi ra đời sẽ có hiện tượng xoắn vặn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim (cũng có thể kết hợp với dãn gốc động mạch chủ).

- Ở trẻ nhỏ thường gặp do huyết khối tắc nghẽn động mạch vành trong bệnh Kawasaki; sự suy yếu động mạch vành có thể gặp ở trẻ lớn trong hội chứng Marfan, viêm động mạch Takayasu, họai tử trung tâm nang với dãn gốc động mạch chủ, dị dạng phình mạch, bóc tách động mạch vành; Mặc dù hiếm nhưng chấn thương tim có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào và tình trạng xơ vữa động mạch ở thiếu niên được ghép tim khi dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!