Nhồi máu cơ tim: Nguyên tắc 12 giờ vàng

Sống khỏe mạnh - 04/25/2024

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nếu được can thiệp sớm trong vòng 12 giờ đầu từ khi khởi phát đau ngực, khả năng cứu sống là hơn 90%.

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng mạch máu nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn khiến cơ tim chết đi và không thể hồi phục. Nếu người bị nhồi máu cơ tim không được điều trị kịp thời, vùng cơ tim bị tổn thương sẽ lan rộng và dẫn đến tử vong. Nếu được can thiệp sớm trong vòng 12 giờ đầu từ khi khởi phát đau ngực, khả năng cứu sống người bệnh hơn 90%.

Nhồi máu cơ tim: Nguyên tắc 12 giờ vàng

Nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim cấp là do xơ vữa động mạch vành (Ảnh minh họa: Internet)

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp

Nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim cấp là do xơ vữa động mạch vành. Những mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch và dần dần gây tắc mạch, làm cho máu không đến để nuôi cơ tim được, có thể dẫn đến hoại tử vùng cơ tim đó nếu không được can thiệp kịp thời.

Tuy nhiên, mảng xơ vữa thường không phát triển từ từ mà nó có thể bị nứt, vỡ ra đột ngột. Khi mảng xơ vữa bị vỡ ra, quá trình hình thành cục huyết khối được khởi động. Quá trình này được bắt đầu với các tế bào máu đặc hiệu, gọi là tiểu cầu, tập trung tại vị trí mảng xơ vữa bị nứt. Cục máu đông có thể được hình thành ngay trên mảng xơ vữa bị nứt ra đó và gây tắc đột ngột động mạch vành.

Cơn đau thắt ngực điển hình

Biểu hiện chủ yếu của nhồi máu cơ tim cấp là cơn đau thắt ngực điển hình: Đau như bóp nghẹt phía sau xương, ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 30 phút và không đỡ khi dùng thuốc giãn động mạch vành. Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà không có hoặc ít cảm giác đau (nhồi máu cơ tim thầm lặng). Hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người cao tuổi, người bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.

Ngoài ra, người bị nhồi máu cơ tim cấp còn có các triệu chứng khác như: vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn... Dựa trên những biểu hiện lâm sàng và những xét nghiệm quan trọng, thầy thuốc sẽ chẩn đoán phân biệt với các tình trạng bệnh lý khác như: Bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc động mạch phổi, thủng dạ dày do loét, tràn khí màng phổi, thủng thực quản gây viêm trung thất, viêm màng ngoài tim...

Làm gì khi xuất hiện cơn đau ngực kéo dài?

Khi xuất hiện những cơn đau ngực kéo dài cần ngừng ngay hoạt động và công việc đang làm, có thể nằm nghỉ, sử dụng thuốc nitroglycerine ngậm dưới lưỡi nếu người bệnh đã được chẩn đoán bệnh mạch vành trước đây. Nếu sau 10-30 phút tình trạng đau ngực không đỡ, đặc biệt khi đã sử dụng nitroglycerine ngậm dưới lưỡi, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay bằng phương tiện an toàn và nhanh nhất.

Nhồi máu cơ tim là một hiện tượng nguy hiểm, tuy nhiên nếu nhận biết sớm để điều trị kịp thời (dùng thuốc làm tan huyết khối hoặc phẫu thuật nong động mạch vành), bệnh nhân sẽ tránh được tử vong và những biến chứng sau đó, hạn chế tối đa vùng cơ tim bị chết, hồi phục một số vùng mới tổn thương. Càng vào viện sớm, khả năng hồi phục hoàn toàn càng cao. Hiệu quả điều trị sẽ tốt nhất nếu bệnh nhân được xử trí trong vòng 1 giờ đầu.

Can thiệp mạch vành và nhồi máu cơ tim cấp

Phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay cho chứng nhồi máu cơ tim là can thiệp mạch vành và phẫu thuật này chỉ có tác dụng trong 12 giờ đầu sau khi xuất hiện cơn đau thắt ngực, tốt nhất là 6 giờ đầu làm thông hoàn toàn mạch vành bị tắc trước đây, tái tưới máu nuôi vùng cơ tim bị hoại tử hay thiếu máu, bệnh nhân giảm hoặc hết đau ngực ngay lập tức, cơ tim hồi phục và không bị hoại, bệnh nhân có thể trở về cuộc sống và hoạt động thể lực gần như bình thường trong rất nhiều năm.

Được xem là thủ thuật xâm nhập tối thiểu, thông tim can thiệp không cần gây mê toàn thân, bệnh nhân chỉ phải nằm viện 1-2 ngày, các biến chứng nặng hiếm khi xảy ra, tỷ lệ thành công cao, bệnh nhân tránh khỏi một phẫu thuật lớn lồng ngực (phẫu thuật bắc cầu mạch vành).

Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả kéo dài bệnh nhân cần có chế độ điều trị và theo dõi tốt như phải uống thuốc liên tục, luyện tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, điều trị tốt đái tháo đường và tăng huyết áp.

Một số bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, tổn thương mạch vành nhiều chỗ hoặc lan tỏa hoặc tổn thương nặng thân chung động mạch vành trái, kỹ thuật đặt stent không thể thực hiện được can thiệp mạch vành. Các trường hợp này cần được phẫu thuật bắc cầu động mạch vành khẩn cấp. Một vài trường hợp tổn thương cũng không thể phẫu thuật được, điều trị nội khoa tích cực là cách duy nhất giúp người bệnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Với những người bị bệnh mạch vành hoặc đã từng bị nhồi máu cơ tim, nên tuân thủ đều đặn chế độ thuốc mà bác sĩ đã kê đơn để giảm thiểu các triệu chứng cũng như các biến chứng, đồng thời hạn chế các đợt nhồi máu cơ tim tái phát. 

Nhồi máu cơ tim có thể làm bệnh nhân đột tử, hoặc nếu may mắn qua khỏi đợt nhồi máu cơ tim cấp thì cũng có thể có những di chứng như suy tim, loạn nhịp tim... Vì thế, khi phát hiện nhồi máu cơ tim cấp thì bệnh nhân bắt buộc phải được nhanh chóng đưa vào bệnh viện để điều trị tích cực chứ không được điều trị tại nhà.

Nhồi máu cơ tim: Nguyên tắc 12 giờ vàng

Duy trì một cuộc sống lành mạnh để phòng tránh bệnh tật (Ảnh minh họa: Internet)

Đối với người bệnh nhồi máu cơ tim, việc thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, ăn thức ăn có ít cholesterol, hạn chế mỡ, muối... điều trị một số bệnh có liên quan như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu... và tiếp tục sử dụng lâu dài một số thuốc đặc hiệu là hết sức cần thiết để điều trị và phòng ngừa nhồi máu cơ tim tái phát.

Cần cảnh giác với những cơn đau ngực và các dấu hiệu khác vì sau nhồi máu cơ tim không có nghĩa là bệnh đã hết hẳn mà phải điều trị tiếp tục vì tổn thương mạch vành có thể xảy ra ở những nhánh động mạch khác một khi nguy cơ của nó không khắc phục (tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao...).

Thạc sĩ Vũ Hồng Anh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!