Nhờn kháng sinh nguy hiểm thế nào?

Cần biết - 04/29/2024

Nhờn kháng sinh không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh mà còn có thể khiến cả một đất nước lâm nguy.

Trong nhiều năm qua tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không ngừng cảnh báo kháng thuốc kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Mới đây nhất, WHO đã nêu rõ 'nhờn' thuốc kháng sinh đang diễn ra ở mọi khu vực, có nguy cơ ảnh hưởng tới người dân ở mọi lứa tuổi và các quốc gia khác nhau.

Khó khỏi bệnh

Khi vi khuẩn đã kháng lại kháng sinh, việc khỏi bệnh không còn dễ dàng như trước. Bạn sẽ phải mất thêm thời gian cho việc điều trị. Không những thế, các y bác sỹ cũng phải vất vả hơn trong công tác chữa trị. So với những người không nhờn thuốc, thời gian điều trị cho người nhờn thuốc nhiều hơn và hiệu quả cũng thấp hơn.

Nhờn kháng sinh nguy hiểm thế nào?

Nhờn kháng sinh đe dọa đến sức khỏe và tính mạng (Ảnh: Internet)

Mất thêm tiền của

Việc nhờn thuốc làm kéo dài thời gian điều trị, đi kèm với việc bạn cần trả thêm những khoản phí để mua thuốc và chữa bệnh so với việc không nhờn thuốc. Dù là chi phí tăng nhẹ hay tăng cao cũng đều ảnh hưởng đến tài chính của bạn. Đặc biệt khi tiền bạc vốn luôn gây đau đầu cho bạn.

Ảnh hưởng đến sức khoẻ

Khi nhờn thuốc, phải thường xuyên sử dụng kháng sinh mỗi khi bị bệnh khiến cơ thể bạn bị ảnh hưởng. Việc hồi sức gặp nhiều khó khăn.

Nguy hiểm đến tính mạng

Khi bị 'nhờn thuốc', nhiều bệnh nhân không may mắn qua khỏi. Tỉ lệ tử vong do kháng thuốc chiếm 30-90%, với vi khuẩn siêu kháng thuốc, tỉ lệ chết tới 99%. Trong đó, một số căn bệnh nguy hiểm như lao, sốt rét, việc nhờn thuốc sẽ tăng khả năng tử vong ở người bệnh.

Xã hội nguy nan

Theo trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh châu Âu (ECDC), Italia có nguy cơ trở về thời kỳ 'tiền kháng sinh' khi nước này thuộc nhóm nước có tỷ lệ vi khuẩn 'nhờn' kháng sinh cao nhất tại châu Âu. ECDC cũng cho biết, vi khuẩn kháng lại dòng Carbapénèmes - một dòng kháng sinh mạnh, phổ biến là pénicillines - tại nước này đã tăng từ 15,2% năm 2010 lên 34,3% năm 2013, con số gần như gấp đôi.

Nhờn kháng sinh nguy hiểm thế nào?

Đó là khi thuốc không thể chống lại tác nhân gây bệnh (Ảnh: Internet)

Trong những năm gần đây Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp kháng thuốc sốt rét, lao, cúm khiến xã hội hết sức lo ngại đến việc lây truyền của bệnh, trong khi việc điều trị gặp khó khăn. Khi số lượng kháng sinh có tác dụng ngày càng ít, nhân loại càng nhanh chóng quay trở lại thời kỳ 'tiền kháng sinh'. Lúc đó những căn bệnh sinh ra từ vi khuẩn không thể điều trị dứt điểm, tỉ lệ tử vong sẽ càng gia tăng.

Biện pháp

Để hạn chế việc kháng sinh nhờn thuốc, bạn nên thông minh trong cả suy nghĩ và hành động. Công tác phòng bệnh luôn cần được coi trọng, việc rèn luyện, đảm bảo vệ sinh và có chế độ ăn hợp lý sẽ giúp bạn hạn chế phần nào sự tấn công của vi khuẩn. Không phải bệnh nào cũng nên uống kháng sinh, tại Việt Nam phổ biến nhất là việc uống kháng sinh khi bị 'viêm họng'. Điều đáng nói viêm họng chủ yếu do vi-rút, việc uống kháng sinh sẽ không có tác dụng.

Chỉ khi có sốt cao trên 38,5oC kết hợp với các đốm trắng trên amiđan. Đi kèm có thể là triệu chứng chảy mũi, hắt hơi, sưng đau hạch cổ... Nếu các triệu chứng kéo dài trên 24 - 48 giờ có thể dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sỹ. Khi uống thuốc cần đảm bảo đủ liều, đủ thời gian. Hạn chế mua kháng sinh tự chữa, tự ý bỏ uống, việc này dễ tăng khả năng 'nhờn thuốc'. Ngoài ra, cũng cần nâng cao việc nghiên cứu kháng sinh của các y bác sỹ, dược sỹ cũng như trong việc điều trị bệnh.

>> Xem thêm: 'Nhờn' kháng sinh, nguy sinh mạng

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!