Những hành vi côn đồ
Trung tuần tháng 11-2019, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu, sự cố y khoa khiến 2 mẹ con sản phụ người nguy kịch, người tử vong, hàng chục người nhà bệnh nhân bao vây phòng sinh, gây áp lực với bác sĩ khi chưa cần biết ai sai, ai đúng.
Họ thậm chí ngăn cản bệnh viện đưa sản phụ lúc đó đang nguy kịch chuyển lên tuyến trên cấp cứu, đồng thời nhiều người còn live stream trên Facebook với nội dung 'bác sĩ giết người'. Không chịu nổi áp lực, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu thậm chí đã phải gửi đơn xin nghỉ việc...
Trước đó, vào tháng 2-2019, tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, 3 người nhà bệnh nhân đã gây náo loạn, hành hung bác sĩ chỉ vì không được đáp ứng yêu cầu có bác sĩ đi cùng xe cấp cứu. Còn tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, 2 đối tượng Đậu Đình Hiếu, Đậu Đình Khôi đã tấn công bác sĩ gây thương tích vì cho rằng 'bác sĩ không biết khám bệnh'.
Phòng Cảnh sát Cơ động công an tỉnh và Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ký quy chế phối hợp về đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện.
Mới đây nhất, khoảng 3h45 ngày 26-12-2019, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (đóng tại địa bàn thị xã Hoàng Mai), Nguyễn Văn Hội (31 tuổi, trú huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ châm lửa đốt phòng bệnh. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, khói bao trùm toàn bộ tầng 2 của dãy nhà khoa Ngoại. Hội là bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ngoại của bệnh viện này.
Sau khi phóng hỏa, Hội gây náo loạn, đánh đập một số bệnh nhân cùng điều trị. Lúc này, nữ điều dưỡng Lê Thị H. tới can ngăn liền bị Hội túm tóc khống chế và đánh tới tấp. Khi bị cảnh sát khống chế, Hội có dấu hiệu say rượu. Anh ta khai nhập viện vì bị tai nạn giao thông ít giờ trước. Trong lúc hút thuốc lá tại phòng bệnh, bị nhắc nhở, ấm ức, Hội châm lửa đốt luôn bệnh viện rồi tấn công những người khác...
Theo cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, biểu hiện của các vụ việc gây mất an ninh trật tự tại các cơ sở y tế là tình trạng người nhà bệnh nhân tụ tập, phản đối, gây sức ép khi bệnh nhân tử vong hoặc có trường hợp chỉ vì nóng ruột, mất bình tĩnh đã hành hung, gây thương tích cho bác sĩ và các nhân viên y tế khi không được đáp ứng yêu cầu.
Trong những năm gần đây, tình hình mất an ninh trật tự tại các cơ sở y tế diễn biến ngày càng phức tạp, diễn ra trên diện rộng, với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ có ở các bệnh viện tuyến huyện với đội ngũ bảo vệ mỏng, các bệnh viện lớn cũng không tránh khỏi tình trạng này.
Trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho bảo vệ và nhân viên y tế
Tại một hội nghị bàn về công tác phối hợp giữa Công an Nghệ An và ngành Y tế Nghệ An được tổ chức mới đây, những nguyên nhân, tồn tại dẫn đến tình trạng gây rối, mất an ninh tại các cơ sở y tế đã được chỉ ra.
Một trong những nguyên nhân là lực lượng nhân viên bảo vệ tại nhiều cơ sở y tế chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm chưa cao, nhất là kỹ năng phản ứng khi có tình huống nguy hiểm.
Các bảo vệ phần lớn né tránh, không làm tốt nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, biện pháp an ninh tại một số bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức, chưa đưa ra các quy chuẩn thiết kế, xây dựng bệnh viện cơ sở hạ tầng về an ninh như camera an ninh, hệ thống chuông báo động, kiểm soát ra vào của nhiều cơ sở y tế còn sơ sài.
Ngoài ra, một trong những tồn tại khác là các sự cố y khoa còn nhiều. Liên quan vấn đề này, PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho rằng, những sự cố y khoa là điều không mong muốn và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Chỉnh cũng cho rằng, sau các sự cố, các y bác sĩ bị 'chùn tay' do áp lực từ dư luận xã hội.
Giám đốc Sở Y tế đề nghị các cấp, ngành, xã hội luôn đồng hành, ủng hộ với ngành, xem xét đúng sai một cách thấu đáo. Đồng thời, ngành Y tế Nghệ An hứa nỗ lực nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ cũng như chất lượng khám, chữa bệnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong thời gian tới.
Để đảm bảo an ninh ở các bệnh viện trong thời gian tới, hai ngành Y tế và Công an cần tăng cường sự phối hợp, mở các cuộc thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan an ninh trật tự tại các cơ sở y tế.
Các bệnh viện cần đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát trong bệnh viện một cách đầy đủ, toàn diện, để kịp thời phát hiện và xử lý những tình huống gây mất an ninh trật tự; phối hợp với cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cò mồi, bắt cóc, hành hung bệnh nhân và các nhân viên y tế…; kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện, ngăn chặn người không có phận sự hoặc kẻ xấu trà trộn vào khuôn viên bệnh viện để gây mất an ninh trật tự.
Tiếp tục xây dựng và duy trì tốt một số mô hình tự quản về bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở y tế, đảm bảo trật tự giao thông trước cổng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giữ gìn và nâng cao y đức của các nhân viên y tế; kỹ năng xử lý tình huống trước những hành vi xâm hại.
Có thể nói, bệnh viện là nơi mà bệnh nhân gửi gắm niềm tin, hy vọng được chăm sóc và thụ hưởng các dịch vụ y tế một cách tốt nhất, chứ không phải là nơi mà bệnh nhân vừa khám bệnh, vừa phải lo sợ, y bác sĩ vừa chữa bệnh vừa lo lắng bị hành hung, đe dọa. Do đó, thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!