Hạ nhiệt độ
Trẻ dễ bị hạ thân nhiệt do nhiệt độ bên ngoài thấp hơn nhiệt độ trong tử cung, khả năng điều hòa nhiệt độ kém, dự trữ năng lượng ít, lớp mỡ dưới da mỏng, diện tích da lớn cho cân nặng thấp. Vì vậy, ngay sau khi đẻ cho trẻ tiếp xúc da kề da, chăm sóc kiểu chuột túi (kangaroo) bằng cách đặt trẻ nằm sấp giữa hai bầu vú mẹ sao cho da trẻ áp sát vào ngực mẹ, hai chân ôm hai bên bụng mẹ, nhiệt độ của mẹ sẽ truyền sang con điều chỉnh được nhiệt độ thích hợp giữ ấm cho trẻ đồng thời hạn chế tiêu hao năng lượng và giúp trẻ ổn định nhịp thở, nhịp tim giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn.
Hạ đường máu
Hạ đường máu ở trẻ sơ sinh được xác định khi đường máu giảm dưới 40mg/dl (2,2 mmol/l) và sau khi điều trị bằng glucose thì đường máu trở về bình thường. Hạ đường máu thường đi kèm với hạ nhiệt độ. Bình thường đường máu ở trẻ sơ sinh giảm xuống mức thấp nhất khoảng 1 - 3 giờ đầu sau đẻ rồi tăng dần lên lúc trẻ được 72 giờ tuổi. Đối với trẻ sơ sinh thấp cân (TSSTC) là do dự trữ glycogen ở gan ít, khả năng phân giải glycogen để tạo glucose giảm, đồng thời có sự tăng tiết insulin ở tụy nên trẻ dễ bị hạ đường máu. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ có biểu hiện li bì rên nhẹ, trương lực cơ giảm, co giật tím tái, có cơn ngừng thở. Hậu quả của hạ đường máu có thể ảnh hưởng xấu đến phát triển thần kinh của trẻ sau này. Do vậy, khi trẻ bị hạ đường máu ngoài việc xử lý bằng glucose tiêm tĩnh mạch thì cần lưu ý cho trẻ ăn sữa càng sớm càng tốt để duy trì nồng độ đường máu.
Hướng dẫn chăm sóc nuôi dưỡng trẻ sinh non ủ ấm theo phương pháp Kangaroo (Ảnh: Internet)
Hạ canxi máu
Nguy cơ hạ canxi máu ở TSSTC thường do bà mẹ thiếu canxi, vitamin D trong thời kỳ mang thai nên dự trữ canxi của trẻ bị thiếu hụt. Biểu hiện của hạ canxi máu là trẻ luôn trong tình trạng co thắt (spasmophilie) run giật, ngủ hay giật mình, khi thở có tiếng rít do mềm sụn thanh quản. Khó thở tím tái, có cơn ngừng thở. Sự co thắt ở các cơ quan dạ dày, cơ hoành, ruột, bàng quang làm cho trẻ dễ bị nôn trớ, nấc cụt, són phân và nước tiểu. Xét nghiệm thấy canxi máu giảm (dưới 7,5mg/dl) canxi ion giảm (dưới 2,8mg/dl), nếu canxi máu giảm nhẹ không có co giật thì cho uống gluconat canxi kết hợp với vitamin D kéo dài cho đến khi canxi máu trở về bình thường.
Suy hô hấp
Do đặc điểm bộ máy hô hấp của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, lồng ngực nhỏ, trao đổi khí kém dễ bị suy hô hấp, viêm phổi. Ở TSSTC, viêm phổi thường diễn biến nặng, tử vong cao. Biểu hiện của bệnh là trẻ bú kém hoặc bỏ bú, tím từng cơn, thở nhanh, nhịp thở trên 60 lần/phút. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng ngủ lịm, thở chậm, có cơn ngừng thở, co rút lồng ngực, hạ nhiệt độ.
Vàng da
Thời kỳ vàng da sinh lý ở TSSTC thường kéo dài hơn trẻ đẻ đủ tháng khỏe mạnh, vàng da đậm do gan chưa trưởng thành hoặc suy giảm chức năng gan và dễ có nguy cơ vàng da nhân thì phải chiếu đèn hoặc thay máu tùy theo mức độ tăng bilirubin tự do trong máu.
Lời khuyên nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nhẹ cân
Cho trẻ ăn ngay sau đẻ càng sớm càng tốt để chống nguy cơ hạ đường máu, hạ nhiệt độ. Thức ăn tốt nhất đối với trẻ vẫn là sữa mẹ, đặc biệt là sữa của các bà mẹ đẻ non nuôi chính con mình thì vẫn phù hợp giúp trẻ phát triển nhanh và tăng sức đề kháng chống nhiễm khuẩn. Nếu trẻ có phản xạ bú thì cho bú mẹ trực tiếp.
Tuy nhiên, những trẻ này vẫn có khó khăn trong việc phối hợp động tác bú nuốt và thở cho nên thời gian mỗi bữa bú lâu hơn trẻ bình thường và có khi đang bú phải dừng lại để thở. Nếu trẻ không bú được thì vắt sữa mẹ cho ăn bằng cốc hoặc bằng thìa. Không nên cho trẻ bú bình sẽ làm cản trở ngậm mút vú mẹ. Cho trẻ ăn nhiều bữa từ 8 - 10 lần/ngày để phù hợp với dung dịch dạ dày và khả năng tiêu hóa của trẻ. Số lượng sữa tùy theo ngày tuổi và cân nặng của trẻ. Ngày đầu cho ăn 60ml/kg sau đó tăng thêm 20ml/kg/ngày cho đến khi đạt được 200ml/ kg/ngày. Số lượng sữa trẻ ăn mỗi bữa có thể khác nhau vì vậy cần tính lượng sữa trong 24 giờ để biết trẻ đã nhận đủ sữa chưa.
Trong thời gian này tập cho trẻ bú mẹ xen kẽ với các bữa ăn bằng cốc, thìa, dần dần trẻ tự bú được và tiếp tục cho trẻ bú theo nhu cầu và bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Ngoài ra, cần chú ý bổ sung cho trẻ một số vitamin (A, D, E, K... vitamin K tiêm bắp cho trẻ ngay sau đẻ) và khoáng chất (canxi, sắt...) để chống còi xương, thiếu máu, tăng cường miễn dịch và bắt kịp đà tăng trưởng.
PGS. BS. Đào Ngọc Diễn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!