Bác sĩ Ang Peng Tiam, Giám đốc Trung tâm Ung thư PCC (Singapore), cho biết trong quá trình điều trị ung thư, ông từng gặp nhiều người khỏe mạnh nhưng lại luôn bị ám ảnh bệnh tật. Họ không bị ung thư nhưng tuyệt đối tin mình có bệnh. Đối diện với bác sĩ, những người này bày tỏ nỗi sợ hãi thái quá khi đưa ra hàng loạt các triệu chứng chứng minh mình đang bị ung thư. Cho đến nay, bác sĩ có hẳn một danh sách dài những bệnh nhân bị 'nỗi ám ảnh mang tên ung thư' như thế.
Theo quan sát của người thầy thuốc, đôi khi nỗi ám ảnh ung thư tác động lên những người đã trực tiếp chăm sóc cho người thân bị đau đớn và bệnh tật hành hạ một thời gian dài trước khi qua đời vì ung thư. Đối với bác sĩ gặp trường hợp này, việc chứng minh một người bị ung thư lại dễ dàng hơn rất nhiều so với chứng minh điều ngược lại.
Bác sĩ Ang từng tiếp một phụ nữ trung niên đến phòng khám phàn nàn về nhiều triệu chứng và tin chắc bẩm rằng chúng là do ung thư gây ra. Bà bảo bị ho mạn tính và hỏi 'Liệu có phải là ung thư phổi không bác sĩ?'. Bệnh nhân này cũng thường xuyên bị đau đầu và mất ngủ nên băn khoăn 'Đó có phải tôi có khối u não không?'. Bà có hẳn một danh sách dài các triệu chứng mang đến trình cho bác sĩ xem.
Sau khi xem qua bệnh sử của bà và làm một số bước cần thiết, bác sĩ cho rằng bệnh nhân có thể bị căng thẳng thần kinh. Tuy nhiên rất khó để khẳng định cho bà là các triệu chứng đó không có thật. Thực tế, những ca này như thế này rất hiếm khi bị ung thư.
Nhiều người bị ám ảnh bởi ung thư nên lúc nào cũng nghĩ mình mắc căn bệnh này (Ảnh minh họa: Internet)
Khi bệnh nhân phàn nàn rằng họ gặp vấn đề ở một cơ quan nào đó, việc kiểm tra và xét nghiệm sẽ dễ dàng khu biệt hơn. Chẳng hạn chứng ho thường liên quan đến hệ hô hấp. Thông qua chụp X-Quang, cắt lớp vi tính phổi và khám chuyên khoa tai mũi họng, bác sĩ có thể tự tin loại bỏ ung thư ra khỏi danh sách nguyên nhân gây chứng ho. Tuy nhiên trong các trường hợp bệnh nhân chỉ phàn nàn các dấu hiệu chung chung như sụt cân, chán ăn, mệt mỏi sẽ có rất nhiều nguyên nhân, có thể liên quan đến ung thư hoặc không. Khi đó đòi hỏi bác sĩ phải kiên nhẫn để tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề.
Đối với bất kỳ bệnh nhân nào, sau khi thăm khám và chẩn đoán các triệu chứng, bác sĩ chuyên về ung thư luôn cố gắng tách những triệu chứng cần kiểm tra sâu hơn. Với mỗi lời phàn nàn cần phải có câu trả lời ngay, thầy thuốc cũng tiến hành kiểm tra sâu hơn để chắc chắn không bỏ sót dấu hiệu bệnh nguy hiểm.
Khi tiếp xúc với những bệnh nhân bị 'ung thư ảo' đòi hỏi người thầy thuốc phải nhạy bén, kiên nhẫn và thấy hiểu nhân tâm. Bác sĩ Ang tâm sự trước đây ông cho rằng 'thật mất thời gian với những bệnh nhân ung thư ảo này' và rất dễ nổi cáu vì mất nhiều thời gian. Trong khi bác sĩ nên chăm sóc những người bị bệnh thật chứ không phải những ca tưởng tượng. Qua nhiều năm, ông thấy ngày càng có nhiều người lo lắng thái quá về ung thư một phần có thể do nhận thức và sự tiếp cận thông tin bệnh tật ngày càng tốt hơn hoặc do ám ảnh khi chứng kiến nhiều người thân, bạn bè bị ung thư. Bác sĩ bắt đầu nhận ra những người này có thể không bị ung thư nhưng họ thực sự bị bệnh.
Trong quá trình trò chuyện với người bị ám ảnh ung thư, thầy thuốc rất dễ đổ mọi triệu chứng cho việc lo lắng thái quá của bệnh nhân. Tuy nhiên vì là làm việc ở chuyên khoa ung thư nên bác sĩ Ang luôn cẩn thận hơn khi thực hiện các bước thăm khám cần thiết để đảm bảo bệnh nhân không bị ung thư. Khi đã gạt bỏ được chẩn đoán ung thư ra khỏi danh sách, ông sẽ giới thiệu cho họ đi gặp chuyên viên tư vấn sức khỏe. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần được bác sĩ tâm lý chăm sóc.
Trở lại trường hợp người phụ nữ trên dù được chẩn đoán không hề bị ung thư nhưng bà vẫn tiếp tục tới phòng khám để kiểm tra thường xuyên. Mặc dù bác sĩ giải thích cặn kẽ nhưng bà vẫn khăng khăng đòi khám. Khi bác sĩ hỏi, bà chỉ mỉm cười giải thích: 'Khám để yên tâm hơn ấy mà'. Theo bác sĩ Ang, việc quan tâm khám sức khỏe định kỳ là một điều tốt, tuy nhiên đừng để nỗi lo ung thư trở nên thái quá và chế ngự biến bạn từ một người lành trở thành 'bệnh nhân ảo'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!