Mẹ ung thư giai đoạn cuối lựa chọn cái chết để con được chào đời
Phát hiện ung thư giai đoạn cuối khi thai đã ở tháng thứ 4, chị Nguyễn Thị Liên 29 tuổi vẫn quyết tâm giữ thai nhi trong bụng, cố chịu đựng những sự đau đớn của bệnh tật.
Khi thai được 31 tuần, sức khỏe yếu, không thể cầm cự hơn, được bác sĩ của 3 bệnh viện Trung ương gồm K, Việt Đức, Phụ sản phối hợp mổ lấy thai, chiều 22/5/2019.
Mẹ Liên trong lần đầu tiên được ôm bé Bình An sau 3 tuần sinh mổ
Rất nhiều trong số những y bác sĩ tham gia ca mổ đặc biệt lần đầu tiên chứng kiến và cùng giúp sản phụ ấy vượt cạn trong ca mổ sinh hy hữu: Sản phụ phải ngồi mổ và hoàn toàn tỉnh táo bởi ung thư di căn vào phổi và nếu gây mê, chị có thể không tỉnh lại.
Sau ca sinh mổ, em bé được đặt tên Bình An, được các bác sĩ cho thở oxy và đưa lên xe vận chuyển từ Bệnh viện K sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc đặc biệt.
Người mẹ vẫn điều trị ở Bệnh viện K với những lần tưởng chừng không thể vượt qua nổi số phận. Nhưng ý chí, quyết tâm phải sống để được nhìn mặt con, ôm con, cho con ăn, niềm hi vọng đoàn tụ gia đình... của chị Liên là động lực to lớn để gần 3 tuần sau sinh, hai mẹ con chị được gặp nhau.
Kỳ tích tiếp theo đã xảy ra khi hai mẹ con đều khỏe mạnh xuất viện. Đến nay, sức khỏe chị Liên dần ăn uống tốt, mẹ và bé tăng cân đều. PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - người trực tiếp thực hiện ca mổ lấy thai hi hữu nhận xét: 'Đây là một ca kinh điển'.
Mẹ ung thư di căn chấp nhận hôn mê để sinh con
Chị Thanh 36 tuổi phát hiện khối u vú và chẩn đoán ung thư năm 2013. Khát khao lớn nhất của chị không phải khỏi bệnh mà là được làm mẹ một lần trong đời. 'Chỉ mong có thể ẵm bồng, ôm con trong vòng tay dù chẳng biết trước ngày mai sẽ ra sao, ngắn ngủi thôi, một thời khắc thôi tôi cũng mãn nguyện', chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh và bác sĩ trao đổi về tình trạng sức khoẻ
5 năm trời điều trị, chị Thanh chưa bao giờ thôi ý định được làm mẹ. Chị cũng được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng những nguy cơ có thể xảy ra khi mang thai, sinh con. Năm 2019, chị quyết định tạm dừng điều trị để mang thai.
Hàng ngày, chị vẫn đi làm công nhân ở xí nghiệp may, mọi sinh hoạt đều diễn ra bình thường. Đến tháng thứ 7 thai kỳ, chị ăn vào là nôn, nghĩ bị nghén vì cơ thể không có biểu hiện khác thường, khám định kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện K.
Các bác sĩ nhận định trong quá trình mang thai, khối u đã tiếp tục phát triển và di căn lên não. Bệnh nhân mang thai ở tuần 28 có dấu hiệu giảm trí nhớ, gia đình phải trợ giúp hoàn toàn nhưng chị ấy vẫn quyết tâm giữ cháu bé.
Đến tuần thứ thai 34, trí nhớ của chị suy giảm hoàn toàn, song vẫn quyết tâm sinh con. Chị Thanh bắt đầu hôn mê, thai nhi có biểu hiện suy tim, các bác sĩ quyết định mổ cứu hai mẹ con. Ngày 29/10, bé gái Hương Giang nặng 2kg chào đời. Sau mổ, mẹ bé được chuyển sang Bệnh viện K để tiếp tục chữa trị.
Thai nhi chào đời trong bọc ối hình trái tim
Ngày 12/11, khi mổ đẻ cặp song sinh 37 tuần, BS Đỗ Tiến Dũng ở Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) bất ngờ phát hiện hai em bé còn nguyên trong bọc ối, đặc biệt một bé nằm nguyên trong bọc ối hình trái tim.
Sản phụ là chị Bích Ngọc, 28 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc. Cách đây 6 năm chị sinh con đầu lòng. Sau đó chị lại có tin vui nhưng không giữ được. Bác sĩ nói chị bị vòi trứng thông hạn chế. Vợ chồng chị quyết định tới Bệnh viện Bưu điện làm thụ tinh trong ống nghiệm sau đó.
Vì bị ngứa thai kỳ toàn thân, gia đình chị Ngọc đã đề nghị mổ lấy thai từ tuần 35 nhưng các bác sĩ Bệnh viện Bưu điện đã động viên chị kéo dài thời gian hết mức có thể để các bé phát triển ổn định hơn.
Em bé lọt lòng mẹ khi còn nguyên trong bọc ối hình trái tim
Các bác sĩ nói hai bé sinh ra còn nguyên bọc ối là trường hợp khá hiếm gặp trong sản khoa khoảng 80.000 ca mới có một.
BS Dũng đã nhờ người ghi lại hình ảnh đáng nhớ. Điểm đặc biệt khác, bọc ối của 2 bé song sinh của vợ chồng chị Ngọc có cấu tạo dai hơn bình thường. Hình ảnh sau đó được gửi cho sản phụ, khiến chị xúc động rơi nước mắt.
Chồng U70, vợ U60 ở Quảng Ninh sinh con trai khoẻ mạnh
Sản phụ đặc biệt là bà C, 54 tuổi, quê Quảng Ninh, chồng bà năm nay đã 70 tuổi. Vì lý do đăc biệt, cách đây vài năm hai vợ chồng bà đã đi khám và làm thụ tinh nhân tạo ở nhiều nơi nhưng đều thất bại, hy vọng vơi dần nhưng vợ chồng bà vẫn không bỏ cuộc.
Đầu năm 2019, sau khi tìm hiểu, vợ chồng bà C tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng để thử vận may lần nữa. May mắn, ca chuyển phôi (trứng và tinh trùng đều của vợ chồng bà) thành công.
PGS.TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho biết trường hợp của sản phụ C rất đặc biệt vì với phụ nữ ngoài 50 tuổi, không chỉ khả năng có con theo thuận tự nhiên mà thụ tinh ống nghiệm cũng rất khó khăn vì trứng tốt không còn.
Do tuổi đã cao, trong quá trình mang thai, bà C khá vất vả, từ tuần 34 phải nằm tại viện để bác sĩ theo dõi.
Ngày 29/11 vừa qua, bà C có dấu hiệu chuyển dạ, trực tiếp PGS Tâm thực hiện ca mổ đẻ, bé trai nặng 2,3 kg chào đời khoẻ mạnh trong niềm hạnh phúc vỡ oà của gia đình.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!