Sốt rét được biết đến là một trong những căn bệnh lâu đời nhất. Dịch bệnh này cũng là yếu tố tác động trực tiếp hoặc gián tiếp trong những biến động to lớn của lịch sử nhân loại.
Trong các ghi chép cho thấy, người Ai Cập cổ đại đã đối phó với các triệu chứng tương tự như căn bệnh này từ 3.500 năm trước. Đến năm 1880, ký sinh trùng sốt rét mới được phát hiện. Ngày nay, với sự tiến bộ vượt trội của y học, bệnh sốt rét có thể chữa khỏi và bị tiêu diệt hoàn toàn tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, nhưng vẫn có 660.000 người chết mỗi năm và 200 triệu người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Tính đến đầu năm 2016, gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ bị sốt rét. Bệnh sốt rét đã tồn tại gần như song hành với sự phát triển của loài người, trên thực tế bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm điều đó đồng nghĩa với việc căn bệnh này có ảnh hưởng lớn đến những sự kiện quan trọng của lịch sử nhân loại.
Căn bệnh giết chết nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại (Video: Vnexpress.net)
Sự tuyệt chủng của khủng long
Khoảng 66 triệu năm trước đây đã xảy ra một cuộc tuyệt chủng hàng loạt, làm biến mất khoảng 80% sự sống trên trái đất, trong đó có các loài khủng long. Có rất nhiều tranh luận khoa học về nguyên nhân gây ra cuộc đại tuyệt chủng này. Nhiều ý kiến cho rằng đó là sự hoạt động của núi lửa và các vận động địa chất lớn gây ra. Nhưng nghiên cứu mới đây của nhóm các nhà khoa học tại Trường cao đẳng Khoa học tại Đại học bang Oregon, Mỹ cho biết: 'Các bằng chứng hóa thạch cho thấy bệnh sốt rét do muỗi lây truyền ít nhất đã có 20 triệu năm và các hình thức bệnh sớm hơn, lây truyền do muỗi đốt, ít nhất là 100 triệu năm thậm chí có thể nhiều hơn'. Bằng chứng tìm thấy trong các loài côn trùng hóa thạch, cụ thể là những loài hóa thạch được bảo tồn trong hổ phách đã khiến tiến sĩ côn trùng học George Poinar Jr lập luận rằng: sốt rét đã góp phần đáng kể vào sự tuyệt chủng của loài khủng long khoảng 65 triệu năm trước.
Sự sụp đổ Đế quốc La Mã của phương Tây
Vào năm 476 sau Công nguyên, Đế quốc La Mã đã sụp đổ. Sự sụp đổ này được cho đã bắt đầu vào khoảng năm 184 sau Công nguyên, tức là sau cái chết của Hoàng đế Marcus Aurelius. Có rất nhiều quan điểm đưa ra lý giải sự sụp đổ của Đế quốc hùng mạnh này, trong đó có một quan điểm được hỗ trợ bởi các bằng chứng DNA đó là dịch bệnh sốt rét. Năm 2001, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm ADN trên xương người được cho là có niên đại khoảng 450 sau Công nguyên (ngay trước khi La Mã suy tàn), kết quả cho thấy có dấu hiệu của bệnh sốt rét. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh sốt rét đã xuất hiện ở Đế quốc La Mã vào thời điểm này. Điều này tương quan với lý thuyết rằng một đại dịch lớn tấn công các công dân của Đế quốc La Mã, dẫn đến sự suy tàn của một nền văn minh.
Có giả thiết cho rằng bệnh sốt rét là nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của đế quốc La Mã (ảnh minh họa: Internet)
Sự hình thành của Vương quốc Anh
Năm 1698, người dân Scotland vừa trải qua 7 năm nạn đói kinh hoàng và vừa ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài gần một thập kỷ, xác người la liệt trên nhiều đường phố. Để đi tìm cuộc sống mới, vào mùa thu năm 1698, 1.700 người Scotland được cử đi thám hiểm đến Damien - một vùng đất thuộc Panama. Trên đường đi thám hiểm này có khoảng 70 người tử vong. Nhưng, vào mùa xuân 1699, những trận mưa kéo dài liên miên khiến số lượng muỗi tại Damien gia tăng nhanh chóng gây ra hàng trăm ca tử vong do bệnh sốt rét. Trong số 1.700 Scotland đi thám hiểm, chỉ còn 300 người.
Tháng 8/1699, một đoàn thám hiểm thứ hai lên đường, nhưng cũng như đoàn tiền nhiệm, chỉ còn một số ít người quay trở về. Cuộc thám hiểm tìm ra vùng đất mới thất bại hoàn toàn khiến Scotland nhận hao tổn nặng nề về người và của. Đồng thời cũng giáng một đòn mạnh mẽ vào bộ máy điều hành nhà nước. Năm 1707, Scotland trở thành một thành viên của Vương quốc Anh, đổi lại, Anh đồng ý trả hết nợ cho Scotland. Đến tận ngày nay, người ta vẫn cho rằng sự quy nhập vào Vương quốc Anh của Scotland là hậu quả của cuộc thám hiểm Damien mang lại.
Thắng lợi của Cách mạng Mỹ
Những người châu Âu định cư ở Nam Carolina đã phát triển nền nông nghiệp lúa nước. Điều kiện khí hậu cùng đặc điểm canh tác nông nghiệp khiến nơi đây trở thành nơi trú ngụ và phát triển của muỗi. 'Carolina là thiên đường vào mùa xuân, địa ngục vào mùa hè và bệnh viện vào mùa thu' cho thấy sự ảnh hưởng nặng nề của căn bệnh sốt rét hoành hành nơi đây. Trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ, năm 1779, người Anh đã quyết định tiến hành cuộc đánh chiếm miền Nam, đứng đầu là tướng Charles Cornwallis. Ban đầu, cuộc chiến giành nhiều thắng lợi nhưng bước vào mùa hè và mùa thu năm 1780, toàn bộ đội quân của họ bị thiệt hại nặng nề bởi sốt rét. Cuối cùng, họ buộc phải tháo chạy khỏi Carolina.
Vào giữa mùa hè năm 1781, Tướng Cornwallis cùng toàn bộ 8.000 binh lính đóng quân tại Yorktown đã phải đầu hàng trước quân đội Mỹ vì không còn sức chiến đấu sau khi trải qua dịch sốt rét trước đó. Sự đầu hàng tại Yorktown về cơ bản là yếu tố quyết định dẫn đến kết thúc cuộc chiến tranh giữa Vương quốc Anh và thuộc địa Mỹ. Năm 1782, các cuộc đàm phán hòa bình và Hiệp ước Paris được ký kết, đến tháng 9/1783, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh 8 năm và nước Mỹ giành lại độc lập hoàn toàn.
Sốt rét gây ra do muỗi (ảnh minh họa: Internet)
Tiền thân của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)
Đây là cơ quan thuộc Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ, có trụ sở ở quận DeKalb, bang Georgia, Mỹ. CDC tập trung vào việc phát triển và ứng dụng hệ thống phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật nhất là các bệnh lây nhiễm, sức khỏe môi trường, sức khỏe nghề nghiệp... Trước khi có chức năng hoạt động như ngày nay, CDC từng bắt nguồn từ một cơ quan trong thời chiến, là cơ quan phòng chống sốt rét tại các khu chiến sự. Ban đầu, nhiệm vụ của cơ quan này là tham gia chống sốt rét bằng thuốc trừ sâu DDT và kiểm soát vùng dịch. Sau đó, nhiệm vụ của CDC mở rộng từ phòng chống bệnh sốt rét sang bệnh lây qua đường tình dục và phát triển sang phòng chống chấn thương, an toàn lao động…
Sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu DDT
Năm 1939, bác sĩ, nhà hóa học người Thụy Điển Paul Heramm Muller xác nhận DDT là hóa chất hữu hiệu trong việc trừ sâu rầy và không nguy hại với con người. Ngay khi xuất hiện, DDT đã tỏ ra là một loại thần dược trong việc bảo vệ thực vật, có tác dụng ngay lập tức lên các côn trùng hại nông phẩm, dập tắt dịch sốt rét và rầy. Trong Thế chiến thứ II, quân đội Mỹ đã sử dụng DDT để diệt muỗi, từ đó loại bỏ dịch bệnh sốt rét. Sau Chiến tranh thế giới II, việc sử dụng DDT trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới. Kết quả cho thấy, năm 1946 có 400.000 trường hợp mắc bệnh sốt rét nhưng đến năm 1950 đã gần như không có trường hợp nào được ghi nhận thêm mới. Tuy nhiên, sau này người ta phát hiện DDT có tác động tiêu cực đến môi trường và động vật hoang dã cũng như con người. Do đó, thuốc trừ sâu này đã bị cấm sử dụng ở Mỹ từ năm 1972, nhưng nó vẫn được sử dụng như một cách phòng ngừa hiệu quả với bệnh sốt rét ở một số nơi thuộc châu Á, Nam Mỹ và châu Phi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!