Bạn đang loay hoay không biết nên chăm sóc em bé thế nào khi mới có con đầu lòng? Hello Bacsi sẽ bật mí cho bạn vài lưu ý khi chăm sóc trẻ ở độ tuổi này!
Bạn đang băn khoăn liệu có nên đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên? Câu trả lời là có và tốt nhất bạn nên cho trẻ gặp bác sĩ định kỳ 2 tháng 1 lần. Bác sĩ sẽ khám sức khỏe con bạn và tiêm vắc xin ngừa bệnh cho trẻ. Vắc xin là một trong những cách quan trọng nhất để giúp con bạn tránh khỏi những căn bệnh nguy hiểm.
Những loại vắc xin cần tiêm cho trẻ
Thông thường trẻ sẽ được tiêm những loại vắc xin sau:
- Vắc xin viêm gan B: bảo vệ trẻ chống lại siêu vi khuẩn viêm gan B gây tổn thương gan. Rất có khả năng con của bạn sẽ được tiêm loại vắc xin này đầu tiên trong lịch tiêm chủng;
- Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do virus rota: giúp trẻ chống lại virus rota, nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy, nôn mửa và mất nước ở trẻ sơ sinh;
- Vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTaP): một loại vắc xin kết hợp phòng ngừa ba căn bệnh nguy hiểm: bạch hầu làm cổ họng sưng phồng, uốn ván làm đau cơ và ho gà làm cho trẻ khó thở.
- Vắc xin phòng chống vi khuẩn Hib: giúp trẻ ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn haemophilus influenzae loại b (Hib), một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng não và tủy sống;
- Vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn: bảo vệ trẻ tránh khỏi vi khuẩn streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn) gây ra viêm màng não, viêm phổi và nhiễm trùng tai;
- Vắc xin ngừa bệnh bại liệt.
Nếu bạn vẫn còn thắc mắc, hãy trao đổi với bác sĩ về mối lo ngại của mình. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn các tài liệu về mỗi loại vắc xin mà bạn có thể xem xét và thảo luận với bác sĩ trước khi con bạn được tiêm phòng.
Sự phát triển của bé khi được 6 tuần tuổi
Sau sáu tuần, em bé đã có khả năng vận động. Trẻ khám phá ra tất cả những điều mới mà cơ bắp có thể làm, như:
- Kéo chân;
- Đút tay vào miệng;
- Nâng cánh tay lên trên đầu;
- Ngẩng cổ lên khi nằm sấp;
- Với lấy đồ chơi.
Bạn có thể giúp bé khỏe hơn bằng cách chơi đùa với bé trên sàn nhà, nơi bé có thể vận động thoải mái và an toàn.
Bí quyết giúp bạn chăm sóc trẻ 6 tuần tuổi
- Mang nhiều tã, quần áo trẻ em, chai lọ (nếu bạn cần) và bất cứ thứ gì khác mà bạn có thể cần khi đi chơi với bé;
- Đưa bé đi dạo trong xe đẩy. Bé sẽ thích thú và học hỏi từ môi trường xung quanh;
- Tạo thói quen đọc sách cho bé. Đọc cho trẻ nghe một mẩu chuyện mỗi tối trước khi đi ngủ và giữ thói quen này ngay cả khi trẻ đã có thể tự đọc;
- Bạn không nên mang giày cho con vì giày có thể cản trở sự phát triển của bàn chân. Thay vào đó, bạn cho trẻ mang tất dày để ấm chân;
- Phân của trẻ có thể có màu sắc khác nhau nhưng nếu phân có màu trắng hoặc đen hay lẫn máu, bạn nên cho con đi khám bác sĩ;
- Bạn không nên thay quần áo khi bé đang bú. Tốt nhất bạn đặt bé lên giường để bé nằm yên, nhưng đừng đặt trẻ nằm sát mép giường để tránh nguy hiểm.
Với những lưu ý trên, chắc chắn bạn sẽ biết cách chăm sóc trẻ tốt và toàn diện khi con được 6 tuần tuổi!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bệnh kawasaki ở trẻ em, bố mẹ chớ nên chủ quan
- Bệnh thủy đậu ở trẻ, những điều bạn cần biết
- Chủng ngừa vắc xin Rotavirus cho trẻ
- Cảnh báo tình trạng xuất huyết ở trẻ sơ sinh
- Các biện pháp phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ em
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!