Chăm sóc sức khỏe răng miệng là điều rất quan trọng vì bệnh răng miệng không những làm ta đau đớn, khó chịu mà còn liên quan đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác...
Theo các nhà khoa học, các bệnh thường gặp như sâu răng, hôi miệng, nha chu, vàng răng còn là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác trong đó có tiểu đường, loãng xương, tim mạch và riêng với phụ nữ thì thêm cả sinh non hoặc sinh con thiếu cân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các căn bệnh trên là nguyên nhân của nhau, mà vì chúng có liên quan, hoặc là có cùng dấu hiệu để nhận biết.
Đối với bệnh tiểu đường, nữ tiến sĩ Sally Cram (chuyên viên về răng và hệ xương và là phát ngôn viên của Hiệp hội Chăm sóc răng miệng Hoa Kỳ) cho biết: ‘Trong nhiều trường hợp có thể xác định được bệnh tiểu đường thông qua việc kiểm tra sức khỏe răng vì những bệnh nhân tiểu đường thường có nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng cao hơn gấp 3 hoặc 4 lần so với những người bình thường khác’.
Đánh răng là biện pháp đơn giản nhất phòng ngừa bệnh răng miệng
Theo bà, lý do là vì bệnh tiểu đường làm suy yếu hoặc hủy hoại chức năng của bạch cầu (nhân tố có tác dụng chống nhiễm khuẩn chính của cơ thể), mà các bệnh về răng miệng cũng là do nhiễm khuẩn. Vì vậy, Sally khuyến cáo rằng những người có sức khỏe răng miệng kém thì nên tiến hành kiểm tra lượng đường trong máu.
Bệnh loãng xương có liên hệ với sức khỏe răng miệng là điều dễ hiểu bởi vì răng và xương đều cần hấp thụ đủ các khoáng chất cần thiết, nếu thiếu sẽ bị rơi vào tình trạng ‘loãng’. Đối với phụ nữ, theo tiến sĩ Sally Cram, bốn thời điểm mà họ dễ mắc các bệnh răng miệng nhất là: độ tuổi dậy thì, thời gian có kinh, khi mang thai và sau khi mãn kinh.
Lý do là khi đó lượng hoóc-môn trong cơ thể tăng cao, khiến các bộ phận (trong đó có miệng) trở nên ‘nhạy bén’ với vi khuẩn hơn. Vì vậy tốt hơn hết là phụ nữ nên chủ động khám răng miệng trong những khoảng thời gian đó.
Đối với bệnh tim mạch, sau khi so sánh sức khỏe răng miệng của 256 bệnh nhân tim mạch và của 250 người bình thường khác, các nhà khoa học nhận thấy rằng 3 dấu hiệu chung nhất của hầu hết các bệnh nhân tim mạch là chứng viêm nhiễm pericoronitis ở gốc răng hàm thứ ba (rất dễ mắc phải khi răng này bị hư và chỉ còn lại gốc răng), sâu răng và chứng viêm lợi. Theo tiến sĩ Michal P. Rethman, Chủ tịch Viện Răng và xương Hoa Kỳ, lý do rất có thể là các loại vi khuẩn gây bệnh răng miệng cũng tạo tác động xấu đến các bệnh tim mạch.
Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Mỹ, phụ nữ trong thời kỳ mang thai nếu mắc các bệnh về nướu (lợi) có nguy cơ sinh non hoặc sinh con thiếu cân cao gấp 7 lần so với người bình thường.
Tiến sĩ Sally Cram nói: ‘Điều này xảy ra là do sự viêm nhiễm ở răng, miệng đã tạo ra một số hợp chất độc hại, sau đó chúng xâm lấn vào các mạch máu và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh nở của người mẹ và trọng lượng của thai nhi’.
Ngoài ra, sức khỏe răng, miệng kém còn là dấu hiệu của các bệnh về thận, dạ dày, thiếu vitamin...
Chăm sóc sức khỏe răng miệng
Ngoài việc kiểm tra định kỳ tại các trung tâm nha khoa, việc chăm sức sức khỏe răng miệng hằng ngày tại nhà là rất quan trọng. Sau đây là một số lời khuyên cho việc đánh răng đúng và hợp lý:
1. Thời gian mỗi lần đánh răng ít nhất là 2 hoặc 3 phút.
2. Mỗi ngày tối thiểu là 2 lần. Khi đánh răng, nên giữ bàn chải nghiêng một góác 45o so với hàm (chân nướu).
3. Không nên đánh răng theo chiều ngang mà nên chải nhẹ theo chiều dọc từ chân lên đến đầu răng. Chải cả mặt trong lẫn mặt ngoài và cả mặt để nhai của răng hàm.
4. Đối với răng cửa trên và dưới khi chải mặt trong của răng nên giữ bàn chải theo chiều thẳng đứng (chỉ để phần đầu của bàn chải tiếp xúc với răng).
5. Không quên vệ sinh lưỡi và vòm miệng khi đánh răng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!