Dưới đây là chia sẻ của chị Lâm Anh Đào, 40 tuổi, đang sống tại Australia cùng chồng và 5 con, về cuộc sống, việc làm mẹ ở đất nước này:
Tôi có thời gian sống nước ngoài khá lâu, cũng có dịp chu du vài nước khác nhưng phải nói Australia là nơi cho tôi nhiều điều thú vị từ môi trường, đến đời sống và nhất là sự bình đẳng giữa mọi người trong gia đình và cả ngoài xã hội.
Các bà mẹ luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ
Ở một số nước, các gia đình thường phải lên kế hoạch kinh tế trước khi chuẩn bị có em bé vì việc sinh nở khá tốn kém. Ở Australia, bạn sẽ không phải lo bất cứ lệ phí nào. Không tốn tiền chi trả khi đi khám thai và sinh nở đã đành, bạn còn yên tâm là sẽ được nhân viên y tế đối xử rất chu đáo. Bạn sẽ được hưởng những lần khám thai và siêu âm rất kỹ lưỡng. Nếu thai có dấu hiệu bất thường, các y bác sĩ sẽ chuyển bạn qua một khoa khám đặc biệt nhằm bảo đảm tính mạng cho mẹ và bé. Tất cả các bà mẹ đang sống tại đây đều được hưởng quyền lợi này, không cần có bảo hiểm y tế.
Australia là một nước đa văn hóa và chính phủ luôn bảo vệ quyền lợi cho bà mẹ, trẻ em. Chính phủ sẽ hỗ trợ và chu cấp tiền sữa cho những công dân có mức lương thấp và phụ trợ tiền học phí cho các em từ tiểu học đến trung học. Riêng học phí đại học thì gia đình phải tự lo và tùy theo khối học, ngành nghề mà số tiền sẽ khác nhau. Đối với những ai đi làm thì tiền trợ cấp là số không, vì vậy bạn đừng nghĩ ở đây sinh nhiều con là sẽ có chính phủ nuôi.
Đưa các con đi picnic vào cuối tuần là cách thư giãn của nhiều gia đình ở Australia
Môi trường giáo dục dành cho trẻ
Australia là một trong những nước được đánh giá là có nền giáo dục tuyệt vời. Thường thì mỗi vùng có ít nhất 1 - 2 trường giữ trẻ và một trường tiểu học, trung học... Và dù khu vực có khác nhau nhưng trường học và chương trình học thì hầu như đều giống nhau. Đối với các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam, bố mẹ mua cặp sách cho con là để đựng sách, vở thì ở Australia, cặp sách của các bé chủ yếu là dùng để đựng thức ăn và kem chống nắng... Tất cả đồ dùng học tập của các con đều được nhà trường phát và mỗi em có một hộc tủ đựng vở, sách cá nhân tại lớp.
Trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo chính thức từ lúc 3 tuổi và được chính phủ trợ cấp tiền học. Riêng những ai đi làm thì gửi con từ 6 tháng tuổi. Ở những trường gửi trẻ nhỏ này, tiền lệ phí khá cao và bố mẹ phải chi trả 100%. Giờ vào lớp của trẻ là 8h45 và tan trường là 15h30. Nếu gửi con quá giờ này cha mẹ phải đóng tiền.
Các bé mẫu giáo thường được tham gia khá nhiều sinh hoạt ngoài trời, nhằm thích nghi và rèn luyện cơ thể. Lên tiểu học, chương trình học của trẻ vẫn khá nhẹ nhàng với những mô hình trò chơi, gợi cho trẻ cách suy nghĩ. Thông thường, các con tuổi này được làm quen những con số qua các trò chơi mô hình và tập viết trên những cuốn tập có nét chữ mờ. Và thường, các bé tiếp thu rất nhanh, chỉ cần một tuần là trẻ có thể viết và đọc lưu loát, mà không cần phải đi học thêm trước.
Trẻ em ở đây luôn được khuyến khích phát huy trí sáng tạo nhằm nâng cao tầm hiểu biết. Cấp bậc trung học được xem là cột mốc và đỉnh điểm là kỳ thi VCE (thi hết cấp) quan trọng vì thế ở khối lớp 9 - 10, các trường đã tạo điều kiện cho các em tham gia cuộc tri trắc nghiệm để chọn ngành nghề cho phù hợp.
Trẻ luôn được dạy cách tự lập từ sớm
Khi con còn nhỏ, trẻ Australia đã được ba mẹ tập tự ngồi bô hay tự đút cơm. Khi đi nhà trẻ, bé cũng được các cô hướng dẫn điều này. Trẻ mầm non đã phải biết dọn dẹp chỗ ăn của mình sạch sẽ trước khi rời khỏi bàn.
Các bố mẹ Australia không căng thẳng về chuyện ăn uống của con. Trẻ được khuyến khích tự ăn và ăn theo nhu cầu. Như tôi có 5 con nhưng chưa bao giờ lo lắng về việc ăn uống của các bé. Đôi khi do thời tiết, bé có chút cảm, hay mệt mà biếng ăn thì là điều bình thường. Những lúc như thế, tôi chỉ hâm sữa ấm cho bé uống hay ăn sơ chút gì bé thích. Qua 1 - 2 ngày, bé sẽ ăn uống trở lại khi cơ thể khỏe mạnh.
Trẻ cũng được khuyến khích cho ngủ riêng trong nôi từ lúc mới sinh - nôi đặt cạnh giường bố mẹ. Các bé thường được đi ngủ sớm. Như nhà tôi, các con thường lên giường trước 8h30 tối và dậy lúc 7h sáng.
Để trẻ không bỡ ngỡ khi rời ghế nhà trường, từ 15 tuổi, trẻ có thể được bố mẹ cho đi làm thêm. Ngay trong trường học, họ cũng khuyến khích học sinh tham gia chương trình đi làm do trường tổ chức, để lấy kinh nghiệm. Chương trình này tạo cho các em tiếp xúc và hiểu thêm về quá trình giao tiếp cũng như biết được giá trị đồng tiền do chính mình làm ra. Hầu như các công ty hay các siêu thị đều chào đón các em như một nhân viên bình thường và trẻ cũng có giấy bảo hiểm y tế như tất cả các nhân viên chính thức.
Bữa trưa trẻ mang đến trường trong cặp sách
Vợ chồng bình đẳng và hỗ trợ nhau việc nhà
Đa số các ông bố, bà mẹ Australia đều đi làm để đảm bảo mức thu nhập và đủ khả năng chi trả tiền học cho các con sau này. Và để việc công, việc nhà được sắp xếp ổn thỏa, họ thường có sự trợ giúp lẫn nhau giữa vợ và chồng. Không có gì ngạc nhiên khi bạn gặp cảnh đàn ông xách giỏ đi chợ hay vào bếp nấu ăn ở đây. Nam giới có thể làm công việc nhà thay vợ một cách thuần thục mà không hề câu nệ.
Thông thường mỗi khu vực đều có 2 - 3 siêu thị nhằm đáp ứng cho người dân. Siêu thị luôn mở cửa 24/24. Những người làm việc hành chính chỉ đi chợ vào ngày cuối tuần và luôn mua thực phẩm trong một tuần nên có thể tiết kiệm được chút thời gian trong những ngày còn lại.
Ở đây, dù gia đình có khá giả, đông con thì hầu như cũng không mướn người làm. Đó cũng có thể là lý do các bà mẹ đều biết nấu ăn. Dịch vụ giúp việc cũng có nhưng chi phí phải trả cho họ rất cao, ngang với lương của một người đi làm hành chính. Người giúp việc cũng chỉ tới giúp giữ nhà, trông trẻ, chứ không phải kiểu người làm tất tật mọi việc trong gia đình như ở Việt Nam. Vì vậy, nếu phải mướn người làm thì phụ nữ chọn ở nhà tốt hơn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!