Đó là chia sẻ của thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm TP HCM trong buổi sinh hoạt tháng 7 của CLB Tiền hôn nhân (Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP HCM).
Cha mẹ bảo cưới
Cho dù cha mẹ là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, cho dù bạn là đứa con hiếu thảo thì cũng nên nhớ là kết hôn cho bạn chứ không phải cho cha mẹ. Chính bạn chứ không phải cha mẹ mới là người sẽ sống với cuộc hôn nhân ấy cả đời.
Nếu thực sự bạn không có tình yêu với người ấy, hãy cố gắng dàn xếp với cha mẹ để không sứt mẻ tình cảm gia đình.
Một tình yêu mãnh liệt và cũng chỉ có tình yêu
Tình yêu là điều kiện cần chứ không thể là điều kiện đủ cho việc kết hôn. Nếu bạn chỉ có mỗi tình yêu, những sóng gió sau hôn nhân sẽ trở nên vô cùng ghê gớm.
Yêu là một cơ chế của cảm xúc có thể thay đổi theo hoàn cảnh. Sau hôn nhân, liệu tình yêu có còn thắm thiết khi những vấn đề cơm áo gạo tiền, chuyện thất nghiệp, những mối quan hệ giữa hai bên gia đình không được như ý. Chưa kể, sống với nhau 24/24h, bạn sẽ chứng kiến tất cả thói quen xấu của người kia, những điều mà khi yêu nhau vì ít thời gian gặp mặt nên bạn không hề biết đến. Người vợ với bộ quần áo ngủ nhàu nhĩ, tóc tai bù xù, người chồng với quần đùi áo may ô lượn khắp phố... đều có thể khiến bạn chán.
Gia thế người ta đình đám, giàu có
Nhìn bề ngoài có thể thấy lý do này rất ổn để kết hôn. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng nếu gia đình nhà chồng giàu, cuộc sống của mình sẽ được chu toàn, không cần đi làm vẫn có thể sống sung túc. Tuy nhiên, nếu kết hôn chỉ vì tiền, bạn có thể sẽ bị coi thường, quyền con người của bạn không được gia đình nhà chồng coi trọng và cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ không thể thoải mái.
Ảnh minh họa
‘Gạo đã nấu thành cơm’
Nếu cả hai bên cùng đồng thuận giải quyết cái thai bằng việc cưới, nếu vấn đề công việc, sức khỏe của hai bên đều đảm bảo thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, thực tế vì đây là sự cố nên thường cả hai rất thiếu khả năng ứng xử cũng như trách nhiệm với hôn nhân. Đặc biệt, nếu chỉ vì để con có cha mà bạn bất chấp tất cả, một người thất nghiệp, một người nghiện ngập… thì nên nghĩ lại.
Vấn đề quan trọng không phải con có cha mà là đứa trẻ sẽ được thụ hưởng gì. Bạn hãy chọn những gì tốt nhất cho con mình. Xã hội hiện đã có cái nhìn thoáng hơn với mẹ đơn thân.
‘Băm’ rồi, kệ mọi chuyện, cưới ngay kẻo lỡ
Bạn đừng vì áp lực tuổi tác mà cưới khi chưa có sự chuẩn bị gì cho hôn nhân. Ngày nay, tuổi thọ con người cao hơn và tuổi để lập gia đình cũng kéo dài. Xã hội bây giờ cũng cởi mở hơn với vấn đề tuổi tác của các cô dâu chú rể. Tuổi tác hoàn toàn không phải là lý do chính đáng để thúc ép bạn kết hôn.
Mọi thứ đều tương đối, chỉ là đối phương khá dữ tính, họ bảo cưới - đành cưới
Lý do chính khiến bạn cưới là sợ bị đối phương đánh đập hay trả thù, vậy bạn có hình dung sau hôn nhân, đến lúc cơm không lành canh không ngọt, bạn có thể sẽ bị ăn đòn nữa không. Thay đổi một con người là rất khó, bạn đừng ảo tưởng rằng bạn và cuộc hôn nhân có thể thuần hóa một người nóng nảy và gia trưởng. Bạo lực gia đình sẽ không bao giờ là ký ức tốt cho trẻ em.
Căn cứ vào đâu để biết đã đến lúc bạn có thể kết hôn? Theo thạc sĩ Tô Nhi A, trước hết bạn cần phải hiểu về hôn nhân. Đã có rất nhiều người hụt hẫng sau đám cưới, bởi thực tế, cuộc sống hôn nhân khác cuộc sống thời yêu nhau. Hôn nhân giống như một cánh diều, cánh diều có giá trị khi nó ở trên cao, tức là hôn nhân phải có ý nghĩa kích thích tham vọng, hay nói đơn giản hơn là bạn muốn kết hôn. Cánh diều luôn được nối với mặt đất bằng sợi dây, cũng như hôn nhân phải hiện thực, khả thi, bạn phải điều khiển và có khả năng điều khiển được nó.
Thứ hai, bạn cần phải hiểu và chấp nhận bạn đời. Thực tế, thời gian yêu nhau, người ta chỉ có thể hiểu về nhau phần nào, đơn giản đó mới chỉ là thời gian tìm hiểu. Sống với nhau, không chỉ cần hiểu nhau nhiều hơn mà bạn còn phải biết chấp nhận nhau. Trên đời này không có ai hoàn hảo và lúc này, nhiều tật xấu của người đó sẽ được bộc lộ, bạn phải sẵn sàng tâm lý chấp nhận sự thay đổi của đối phương.
Cuối cùng, bản thân bạn đã có phương án cho các vấn đề về sức khỏe, tài chính, mối quan hệ với bố mẹ và gia đình lớn của hai bên... Về sức khỏe, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là rất cần thiết, giúp bạn có được kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống tình dục của vợ chồng sau này.
Về tài chính, không phải vấn đề vợ chồng bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn sẽ sử dụng đồng tiền như thế nào, bạn phải hình dung được mình cần bao nhiêu tiền để có thể vận hành được gia đình của mình. Thạc sĩ Tô Nhi A không đồng tình với hình ảnh những ông chồng đi làm về, ném một cục tiền cho vợ, rồi mặc vợ muốn chi tiêu sao thì sao. Đàn ông không nên chi ly tiêu tỏi mắm muối nhưng cũng cần phải biết gia đình có những khoản nào cần tiêu pha.
Trước khi quyết định kết hôn, bạn hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi:
Vì sao việc kết hôn lại quan trọng với tôi như vậy?
Nếu không lấy người đó thì có sao không?
Có phương án nào khác nếu tôi không kết hôn không?
Chuyên gia tâm lý khuyên đừng bao giờ xếp kết hôn vào nhóm việc ‘làm thử’. Ly dị có thể làm một giải pháp nếu hôn nhân không thành công nhưng ly dị sẽ để lại nhiều hậu quả cho bạn. ‘Chúng ta cần phải có sự chuẩn bị cho hôn nhân, không phải để chắc chắn về những điều dự kiến mà để có cuộc sống chủ động và ôn hòa’.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!