Tắm gội là một việc làm đơn giản, quen thuộc đến nỗi chúng ta thường không nghĩ quá nhiều tới nó. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe thì bạn cũng cần phải chú ý đến một số lỗi sai trong việc tắm gội. Bởi nếu chỉ tắm qua loa hay 'ngâm' cả tiếng đồng hồ... thì cũng đều có thể là những sai lầm gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, bạn nên tránh mắc phải một số thói quen khi tắm dưới đây để sức khỏe luôn ổn định nhé!
Không tắm sau khi tập luyện
Lượng mồ hôi đổ ra trên da của bạn lúc tập luyện sẽ kết hợp cùng vi khuẩn trên da, từ đó gây ra mùi khó chịu trên cơ thể và thậm chí có thể nổi phát ban đối với những người có làn da nhạy cảm. Chính vì vậy, bạn nên tắm sau khi tập luyện thể thao bằng vòi hoa sen để làm sạch triệt để mồ hôi trên cơ thể.
Tuy nhiên, bạn nên chờ cơ thể ổn định trở lại, khô bớt mồ hôi để nhịp tim và nhịp thở trở về mức bình thường rồi mới tắm. Quá trình này thường kéo dài từ 10 – 20 phút, bạn không nên tắm ngay sau khi vừa tập luyện xong bởi cơ bắp và tim mạch dễ bị 'sốc', có thể dẫn đến đột quỵ. Tắm bằng nước ấm, không quá lạnh, không quá nóng là lý tưởng cho những lần tắm sau khi tập luyện.
Gội đầu mỗi ngày
Nghe có vẻ là thói quen sạch sẽ, thế nhưng gội đầu mỗi ngày lại không hề tốt cho mái tóc của bạn. Càng gội đầu nhiều lần trong tuần thì hóa chất trong dầu gội, dầu xả sẽ càng dễ làm tóc bạn yếu, khô, mỏng đi và dễ rụng hơn. Tùy theo tình trạng tóc mà bạn có thể lựa chọn gội 2 - 3 lần/tuần. Tuy nhiên, con số này không nên vượt quá 4 lần để giữ cho mái tóc có được độ ẩm tự nhiên.
Quấn tóc ướt vào khăn tắm
Đây là một hình ảnh thường xuyên hiện hữu trong những bộ phim hay tạp chí, khi những cô nàng xinh đẹp sẽ xuất hiện với mái tóc ướt được quấn khăn gọn gàng. Thế nhưng, điều này không hề tốt cho mái tóc của bạn chút nào. Sau khi bị ướt, tóc của chúng ta rất dễ bị tổn thương và nhanh gãy rụng. Để tránh điều này, bạn không nên quấn tóc bằng khăn sau khi tắm. Ngoài ra, do nhiệt sinh ra từ khăn tắm, các tuyến bã nhờn bắt đầu hoạt động tích cực khiến cho mái tóc của bạn sẽ nhanh bị bết hơn.
Không rửa chân
Một số người không rửa chân trong khi tắm vòi sen bởi họ tin rằng xà bông và nước chảy xuống cơ thể là đã đủ để làm sạch bàn chân. Tuy nhiên, đây lại là một bộ phận mà bạn không nên bỏ qua trong quá trình tắm. Vi khuẩn, tế bào chết, đôi khi là hóa chất làm sạch còn sót lại sẽ gây bệnh nấm móng chân.
Không giữ vệ sinh đúng cách các dụng cụ tắm gội
Không phải cứ tắm là sẽ sạch, đôi khi bạn còn rước vào người nhiều vi khuẩn hơn, và số vi khuẩn đó đến từ những dụng cụ bạn sử dụng trong khi tắm do không được giữ gìn vệ sinh đúng cách.
Đầu tiên, hãy chú ý tới vòi hoa sen của bạn. Nếu bạn đã sử dụng đầu vòi sen trong một thời gian dài, bạn có thể nhận thấy một số vết mảng bám trên đó. Theo các nhà khoa học, vi khuẩn từ mảng bám trên đầu vòi hoa sen có thể ra gây bệnh về đường hô hấp.
Tiếp theo là chiếc bồn tắm, nếu bạn có sử dụng chúng. Đừng quên rửa sạch bồn tắm ngay sau khi tắm. Môi trường ẩm ướt của bồn tắm kích thích sinh sản các vi khuẩn nguy hại như E. coli. Tẩy rửa bồn tắm thường xuyên có thể ngăn ngừa nhiễm trùng.
Hãy để ý tới chiếc khăn tắm của bạn nữa, đã bao lâu rồi bạn chưa giặt nó? Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn, bạn hãy sử dụng khăn tắm được giặt sạch và phơi khô hoàn toàn. Hãy giặt khăn sau mỗi lần sử dụng, hoặc nếu lười hơn thì cũng đừng để quá 3 lần.
Cuối cùng là những vật dụng trong nhà tắm. Môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Dao cạo, xà bông, hay bông tắm đều là những vật dụng rất dễ bị bỏ quên trong nhà tắm và trở thành một ổ vi khuẩn. Bạn nên để xà bông ở khay có thoát nước, đem dao cạo ra khỏi nhà tắm và để khô chúng trên chiếc khăn bông. Đồng thời, cũng nên thường xuyên vệ sinh sạch và phơi nắng, tiệt trùng cho chiếc bông tắm của mình.
Nguồn: Brightside
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!