Những cơn nắng nóng đầu mùa thường khiến cơ thể cảm thấy khó chịu. Việc đi bơi được một số người lựa chọn để giải toả cơn nóng. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sức khoẻ, mọi người cần có cách bơi khoa học, đúng đắn.
Chưa phải thời điểm thích hợp
Đầu hè chưa phải thời gian thích hợp cho việc bơi lội. Khoảng thời gian có nắng không nhiều. Lượng nắng yếu dễ khiến nước trong bể bơi mất nhiệt, khiến người bơi lâu bị nhiễm lạnh.
Thời tiết trong thời gian này thường bất ổn. Giữa những trận nắng nóng có thể kèm theo gió lạnh. Khi bơi, thể trạng thường yếu đi, dễ bị trúng gió, nhiễm bệnh. Người già, trẻ nhỏ có khả năng mắc bệnh cao hơn cả.
Đầu hè có nhiều dịch bệnh như cúm, xoang, ghẻ… bể bơi dễ trở thành nơi cư ngụ của bệnh tật. Chúng nhanh chóng truyền nhiễm cho những người cùng bơi.
Đầu hè chưa phải thời gian thích hợp cho việc bơi lội (Ảnh minh họa: Internet)
Những lưu ý khi bơi
Nếu bạn muốn bơi lội trong những ngày đầu hè, bạn cần lựa chọn địa điểm bơi thích hợp. Tìm những nơi tránh gió, đảm bảo nguồn nước, không quá đông đúc, có người giám sát. Không nên bơi lúc trời nắng gắt hoặc đã tắt nắng, những khoảng thời gian này dễ khiến cơ thể mắc bệnh. Chiều là lúc thích hợp nhất. Bạn cũng không nên bơi khi vừa ăn no hoặc quá đói, nên để sau bữa từ 3 - 4 giờ.
Bên cạnh đồ bơi cần mang theo khăn bông để giữ ấm, nước muối sinh lý nhỏ mắt, súc miệng, dầu gió… Trước khi bơi cần khởi động cho ấm cơ thể, tránh nguy cơ chuột rút. Tuyệt đối không nhảy luôn xuống nước, sự chênh lệch nhiệt độ khiến các cơ quan bị tổn thương. Có thể tắm trước để kiểm tra sự thích ứng của cơ thể. Không bơi tiếp nếu thấy chóng mặt, mệt mỏi. Bôi kem chống nắng để hạn chế ảnh hưởng của các tia có hại lên da.
Trong khi bơi, cần đeo kính bơi để hạn chế nước vào trong cơ thể. Bơi nhẹ nhàng để làm quen với nước, sau đó mạnh dần lên. Nghiêng đầu, lắc nhẹ và kéo nhẹ vành tai nếu nước vào tai.
Nếu muốn bơi lội trong những ngày đầu hè, bạn cần lựa chọn địa điểm bơi thích hợp (Ảnh minh họa: Internet)
Nghỉ ngơi khi thấy rét, mệt mỏi, có thể ăn nhẹ, uống đồ nóng để cơ thể hồi phục sức lực. Người lớn một lần bơi không quá 1 giờ, 30 phút với trẻ nhỏ và người già. Không nên bơi quá sức, bơi liên tục trong 3 giờ.
Khi bơi xong nên quàng khăn để tránh gió. Tắm bằng nước sạch ngay tại bể bơi, lau khô người và thay quần áo trước lúc về nhà. Đặc biệt, vệ sinh sạch sẽ vùng kín để ngăn chặn mầm bệnh. Nhỏ mắt và mũi để ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn. Bôi dầu cho cơ thể lấy lại nhiệt. Người đi xe máy, để tránh gió, nên ngồi lại một lúc cho cơ thể khoẻ mạnh hơn. Người hay đi bơi nên sử dụng kem dưỡng ẩm để làn da không bị khô ráp. Uống đủ nước để bù đắp nước cho cơ thể.
Người ốm yếu hoặc mang trong mình bệnh tật không nên đi bơi. Việc này khiến tình trạng bệnh tật nặng nề hơn. Khi phát hiện có người bệnh trong bể bơi, nên tránh bơi gần. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ lúc bơi xong. Nếu phát hiện sự cố khi bơi lội, cần nhanh chóng tìm sự giúp đỡ, tiến hành sơ cứu lúc cần thiết.
Người khoẻ mạnh 1 tuần không bơi quá 3 lần. Không bơi trong những ngày trở gió, có mưa. Bên cạnh việc bơi lội, cần đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể để tăng cường sức đề kháng.
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!