1. Miếng dán giảm đau - lựa chọn của nhiều người bệnh
Hiện nay, miếng dán giảm đau đã trở thành lựa chọn không thể thiếu trong tủ thuốc của nhiều gia đình. So với các biện pháp điều trị khác như uống thuốc, tiêm, truyền nước… đây được xem là biện pháp khá tiện dụng và an toàn.
Có nhiều loại miếng dán với các mục đích sử dụng khác nhau: miếng dán giảm đau hạ sốt, miếng dán nicotin hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá, miếng dán trong liệu pháp thay thể hoóc-môn… Các miếng dán giảm đau được kết cấu gồm một mặt bảo vệ ngoài, một lớp chứa thuốc và một mặt để dính vào da.
Miếng dán giảm đau thường được dùng trong các trường hợp đau nhức xương khớp nhẹ hoặc vết bầm tím (Ảnh minh họa: Internet)
Người bệnh khi sử dụng miếng dán có thể giảm được sự tương tác thuốc, không phải đối mặt với tình trạng quá liều hay thiếu liều mà nồng độ thuốc được đưa vào cơ thể luôn ổn định. Mặc dù có một số tác dụng phụ như gây kích ứng da, mẩn đỏ ở vùng da được dán.. nhưng khi miếng dán được tháo ra, các triệu chứng này sẽ không còn nữa.
2. Những lưu ý khi sử dụng miếng dán giảm đau
Không thể phủ nhận sự tiện dụng của miếng dán giảm đau, nhưng khi sử dụng, chúng ta cũng cần lưu ý những điểm sau:
- Hầu hết các loại cao dán hiện nay đều có thành phần cấu tạo của nhóm thuốc kháng sinh giảm đau sẽ thấm vào các cơ, mô. Vì vậy, tuyệt đối không nên dùng miếng dán có tác dụng làm nóng dán lên các khớp viêm đang có triệu chứng nhiễm trùng như sưng, đỏ…
- Với miếng dán giảm đau chứa chất Fentanyl- đây là một chất giảm đau mạnh, tác dụng cao gấp 100 lần so với moócphin nên việc sử dụng nó cũng giống như một con dao hai lưỡi. Loại miếng dán này được sử dụng chủ yếu cho các bệnh nhân sau khi tiến hành phẫu thuật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, nên những trường hợp đau đầu chưa cần thiết sử dụng đến chất giảm đau quá mạnh này. Hơn nữa, Fentanyl có chất gây nghiện cao, vì vậy không nên lạm dụng.
Cần phải lưu ý sử dụng miếng dán đúng cách để tránh vết thương nhỏ thành vết thương lớn (Ảnh minh họa: Internet)
- Trước khi dùng miếng dán mới, phải lấy miếng cũ ra khỏi da và lau sạch sẽ, khô ráo vùng da được dán thuốc. Miếng dán phải còn nguyên hình dạng, tuyệt đối không tiết kiệm bằng cách cắt đôi để dán nhiều lần sau đó sẽ khiến nồng độ thuốc được đưa vào cơ thể thay đổi, như vậy không đảm bảo hiệu quả khi sử dụng.
- Khi tháo miếng dán cũng cần hết sức chú ý: không để trẻ em lấy chơi những miếng dán được gỡ ra khỏi da vì vẫn còn một lượng thuốc nhỏ ở lại trên đó, trẻ em có nguy cơ cao bị ngộ độc thuốc. Để đảm bảo an toàn, khi gỡ bỏ miếng dán, bạn nên dán 2 mặt có chất dính vào nhau rồi bỏ ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi trong nhà, bạn cũng không nên vứt vào bồn cầu.
Hãy nhớ rằng: Cao dán chỉ là biện pháp điều trị triệu chứng bên ngoài, bạn nên đến khám bác sỹ để biết chính xác các tổn thương có thể gặp khi thấy có biểu hiện đau nhức.
Vũ May
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!