Khi bị dị ứng, chúng ta thường dùng đến thuốc kháng histamin đầu tiên. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ và việc dùng thuốc điều trị dị ứng vẫn còn nhiều nguy hiểm. Vì vậy, bạn hãy cẩn trọng khi dùng thuốc kháng histamin để điều trị dị ứng.
Hiện nay, các loại thuốc có thể điều trị dị ứng rất nhiều, bao gồm thuốc steroid và các thuốc tiêm dị ứng, nhưng thuốc kháng histamin là loại thường được mọi người sử dụng đầu tiên. Hầu hết mọi người mua tự mua thuốc kháng histamin ngoài tiệm thuốc, khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dùng các thuốc này để điều trị dị ứng có thể gây ra một số nguy hiểm cho người bệnh. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các thông tin chi tiết về loại thuốc này nhé.
Thuốc kháng histamin điều trị dị ứng bằng cách nào?
Khi bạn tiếp xúc với bất cứ tác nhân dị ứng nào, ví dụ như phấn hoa, cỏ phấn hương, lông vật nuôi hoặc bụi nhỏ, cơ thể sản xuất ra hóa chất gọi là histamin. Các chất này gây sưng phù các mô trong mũi, làm cho nghẹt mũi, chảy nước mắt và gây ngứa mắt, mũi, đôi khi cả miệng. Bạn cũng có thể xuất hiện ngứa phát ban trên da gọi là ban mề đay.
Thuốc kháng histamin làm giảm hoặc ngăn chặn histamin, do đó làm các triệu chứng dị ứng ngưng lại.
Những loại thuốc này có tác dụng giảm các triệu chứng của các loại dị ứng khác nhau kể cả dị ứng theo mùa (sốt cỏ khô), dị ứng trong nhà và dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, các thuốc này có thể không làm mất hết tất cả các triệu chứng.
Để điều trị nghẹt mũi, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc thông mũi. Một số loại thuốc kết hợp thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi.
Các loại thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin có nhiều dạng khác nhau, bao gồm viên nén, viên nang, chất lỏng, thuốc xịt mũi và thuốc nhỏ mắt. Một số chỉ có sẵn theo toa bác sĩ. Những loại khác bạn có thể mua không cần toa tại nhà thuốc địa phương.
Các thuốc kháng histamin theo toa bao gồm:
- Thuốc nhỏ mắt azelastine (Optivar)
- Thuốc xịt mũi azelastine (Astelin, Astepro)
- Carbinoxamine (Palgic)
- Cyproheptadine
- Desloratadine(Clarinex)
- Thuốc nhỏ mắt emedastine (Emadine)
- Hydroxyzine (Atarax, VISTARIL)
- Thuốc nhỏ mắt levocabastine (Livostin)
- Levocabastine dạng uống (Xyzal)
Các thuốc kháng histamin không cần toa bao gồm:
- Brompheniramine (Dimetane)
- Cetirizine (Zyrtec)
- Clorpheniramin (Chlor-Trimeton)
- Clemastine (TAVIST)
- Diphenhydramine (Benadryl)
- Fexofenadine (Allegra)
- Loratadine (Alavert, Claritin)
Các thuốc nhỏ mắt điều trị các triệu chứng dị ứng mắt, bao gồm ngứa, chảy nước mắt. Một số loại thuốc kết hợp kháng histamin và thuốc thông mũi để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn.
Các tác dụng phụ của thuốc kháng histamin
Người lớn tuổi có xu hướng bị các tác dụng phụ của thuốc nhiều hơn, đặc biệt buồn ngủ. Thuốc kháng histamin thế hệ mới có ít tác dụng phụ hơn, do đó chúng có thể là lựa chọn tốt hơn cho một số người.
Một số tác dụng phụ chủ yếu của thuốc kháng histamin bao gồm:
- Khô miệng
- Buồn ngủ
- Chóng mặt
- Buồn nôn và nôn
- Bồn chồn hoặc ủ rũ (ở một số trẻ)
- Khó đi tiểu hoặc bí tiểu
- Mắt mờ
- Lẫn lộn
Nếu bạn bị buồn ngủ khi uống thuốc kháng histamin, hãy uống thuốc trước khi đi ngủ. Không uống thuốc này vào ban ngày trước khi bạn lái xe hoặc sử dụng máy móc.
Bạn nên đọc thông tin hướng dẫn trước khi uống một loại thuốc dị ứng nào. Các thuốc kháng histamin có thể tương tác với các thuốc khác mà bạn đang dùng.
Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có phì đại tiền liệt tuyến, bệnh tim, huyết áp cao, các vấn đề về tuyến giáp, bệnh thận hoặc gan, tắc nghẽn bàng quang hay bệnh tăng nhãn áp. Ngoài ra, bạn cũng nên nói với bác sĩ nếu đang mang thai hoặc cho con bú.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 12 cách chống dị ứng bằng liệu pháp tự nhiên
- Trẻ bị dị ứng thời tiết, “có kiêng có lành” mẹ ơi!
- Tìm hiểu viêm mũi dị ứng thời tiết và cách trị bệnh hay tại nhà
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!