Những lưu ý khi sử dụng thuốc chống sung huyết

Cần biết - 04/26/2024

Thuốc chống sung huyết (decongestant) là nhóm thuốc rất thông dụng để làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi do cảm lạnh, viêm xoang... gây ra.

Đây là thuốc không kê đơn nhưng khi sử dụng cần phải thận trọng, do thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ CÓ hại cho cơ thể.

Thuốc chống sung huyết

Thuốc chống sung huyết (TCSH) là những thuốc thường được sử dụng trong một thời gian ngắn để điều trị nghẹt mũi, sổ mũi do cảm lạnh, viêm xoang… Ngoài ra, thuốc này còn được sử dụng trong điều trị bệnh viêm kết mạc do có tác dụng chống sung huyết mắt do kích ứng gây ra.

TCSH có thể dùng một mình hay phối hợp với thuốc kháng histamine, thuốc giảm đau trong thành phần và được trình bày ở nhiều dạng khác nhau như: thuốc viên, thuốc nước, thuốc nhỏ mũi, nhỏ mắt, thuốc xịt mũi…

TCSH thuộc nhóm thuốc không kê đơn, có thể mua trực tiếp ở các nhà thuốc tây mà không cần có sự chỉ định kê đơn của thầy thuốc.

Cơ chế tác động:

Khi bị dị ứng, niêm mạc mũi giãn ra và sung huyết, gây ra các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi trong các bệnh lý viêm mũi dị ứng, viêm xoang, cảm cúm…

TCSH là những chất chủ vận alpha (alpha-agonists) như pseudoephedrin, phenylephrine, oxymetazolin…có tác dụng làm co các mạch máu, nên làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi do dị ứng gây ra.

Phân loại:TCSH được chia làm hai loại tùy theo dạng tác động:

- TCSH tác động toàn thân: các hoạt chất pseudoephedrin, phenylephrin dùng ở dạng thuốc viên, thuốc nước có tác dụng toàn thân.

- TCSH tác động cục bộ: các hoạt chất naphazolin, oxymetazolindùng ở dạng thuốc nhỏ mũi, thuốc xịt mũi và tetrahydrozolin dùng ở dạng thuốc nhỏ mắt có tác dụng cục bộ.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc chống sung huyết

Ở dạng nhỏ mũi, xịt mũi thời gian sử dụng là từ 3 – 5 ngày

Những lưu ý khi sử dụng thuốc chống sung huyết

TCSH thuộc nhóm thuốc không kê đơn nhưng khi sử dụng cần phải thận trọng, do thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ gây hại cho cơ thể.

- Không được sử dụng TCSH cho trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú.

- TCSH có thể gây ra tác dụng phụ làm tăng huyết áp, căng thẳng thần kinh, run, mất ngủ…

- Không sử dụng TCSH cho người mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, u xơ tiền liệt tuyến, bệnh lý tuyến giáp…

- TCSH tương tác với nhóm thuốc ức chế enzym monoamine oxidase (IMAO) như phenelzine, isocarboxazid… (thường được sử dụng trong điều trị bệnh trầm cảm), gây ra nguy cơ tăng huyết áp đột ngột rất nguy hiểm. Vì vậy, cần tránh sử dụng hai nhóm thuốc này đồng thời với nhau.

- Không nên sử dụng TCSH trong một thời gian dài, đặc biệt với loại thuốc tác dụng cục bộ ở dạng nhỏ mũi, xịt mũi thời gian sử dụng là từ 3 - 5 ngày. Nếu sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng ngược, làm nặng thêm chứng sung huyết mũi!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!