Một trong những biến chứng thường gặp nhất sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối là hạn chế gấp và/hoặc duỗi khớp gối, đặc biệt là hạn chế duỗi. Biến chứng này mặc dù không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng lớn đến dáng đi, tính thẩm mỹ và đôi khi ảnh hưởng đến chức năng chi.
Gối duỗi không hết tạo nên dáng đi tập tễnh sau mổ, mất cân đối, yếu cơ tứ đầu và đau mặt trước khớp gối. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, tình trạng khớp gối trước mổ ảnh hưởng rõ rệt đến biên độ vận động khớp gối sau mổ. Theo đó, khớp gối trước mổ càng sưng nề, càng hạn chế biên độ vận động thì sau mổ kết quả càng kém, biên độ vận động khớp gối càng hạn chế. Vì vậy người bệnh cần nắm được một số nguyên tắc sau đây trước khi quyết định mổ tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối:
Điều trị làm giảm hoặc hết tình trạng sưng nề khớp gối. Tập luyện để lấy lại biên độ vận động bình thường của khớp gối (gấp và duỗi gối). Tập để tăng cường sức mạnh cho khối cơ vùng đùi, cẳng chân. Tìm hiểu thông tin và chuẩn bị tinh thần tốt, cũng như sắp xếp thời gian phù hợp để có thời gian tập luyện sau mổ.
Điều trị chống phù nề khớp gối
Quan trọng là bất động gối: Ngay sau chấn thương, khớp gối đang bị tổn thương cấp tính, máu chảy trong khớp, phần mềm xung quanh gối đụng dập, gối sưng đau, cần phải được bất động bằng nẹp hoặc bột trong thời gian tối thiểu 3 tuần. Không nên bất động quá lâu dễ gây teo cơ, cứng khớp. Trong thời gian bất động nên đi lại có tỳ đè chân để tăng sức mạnh cho cơ. Chỉ dùng nạng khi cần thiết.
Chườm đá: Nếu bất động bằng nẹp, hàng ngày mở nẹp, chườm đá lên khớp gối ngày 4-6 lần, mỗi lần 20 phút.
Dùng thuốc: Dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc chống phù nề trong vòng 7-10 ngày. Lưu ý, chỉ dùng thuốc theo đơn bác sĩ.
Tập để tăng cường sức mạnh cho cơ.
Tập luyện
Trong thời gian mang nẹp hoặc bó bột để bất động gối, bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập như sau:
Đi lại trên bột hoặc nẹp có tỳ chân, hạn chế dùng nạng.
Nằm ngửa trên giường, nâng chân lên khỏi mặt giường 20-30cm, giữ trong 5 giây, lặp lại ngày 20-30 lần.
Tập gấp duỗi khớp cổ chân nhiều nhất có thể.
Sau khi tháo nẹp hoặc bột (3 tuần). Tập luyện để lấy lại biên độ khớp gối càng sớm càng tốt, đồng thời tăng cường sức mạnh cho cơ.
Tập duỗi hết gối bằng các bài tập sau đây:
Tập duỗi gối thụ động: Người bệnh ngồi trên ghế và đặt gót chân lên một ghế khác, hoặc nằm ngửa trên giường kê gối nâng cao gót, thả lỏng cơ đùi, để cho gối duỗi thẳng dần bằng trọng lượng của chân, cho đến khi gối duỗi tối đa. Ngày tập 3-4 lần, mỗi lần 10-15 phút (hình 1). Tương tự với tư thế nằm sấp.
Tập duỗi gối chủ động: Bằng trọng lượng của chân, nếu làm như trên gối vẫn không duỗi hết thì dùng tay hoặc chân đối diện ấn nhẹ với lực tăng dần cho đến khi gối duỗi hết.
Tập gấp gối:
Tập gấp gối thụ động: Ngồi trên ghế hoặc nẳm trên giường, thả lỏng chân xuống nền nhà, gối sẽ gấp dần nhờ trọng lượng của chân (hình 3). Trượt chân trên tường (tăng thêm biên độ gấp gối): nằm ngửa đặt chân lên tường, từ từ hạ chân xuống sao cho gối gấp dần.
Gấp gối chủ động: Kéo gót chân về phía mông, gấp gối và giữ vị trí này trong 5 giây, sau đó duỗi thẳng gối từ từ (hình 5). Tương tự, bằng cách dùng hai tay kéo cẳng chân về phía đùi, cứ như thế gấp gối từ từ tăng dần.
Tập để tăng cường sức mạnh cho cơ: Khi gối gấp 100 độ thì các cơ đùi bắt đầu hoạt động tăng sức căng. Tập đạp xe đạp tại chỗ ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 phút vừa tăng độ rắn chắc cho cơ, vừa giữ được biên độ khớp gối (hình 7). Bơi là bài tập tổng hợp rất tốt, vừa tăng sức mạnh cho cơ bắp vừa lấy lại được biên độ khớp gối.
Các thông tin người bệnh cần tìm hiểu trước khi mổ như: Thời gian nằm viện; Thời gian tập luyện và thời quay trở lại công việc thường ngày; Thời gian có thể chơi lại thể thao; Phương pháp, kỹ thuật nào được áp dụng - Đây là kiến thức thuộc chuyên môn sâu, người bệnh không nhất thiết phải tìm hiểu chi tiết, tuy nhiên nếu cần, người bệnh có quyền được phẫu thuật viên thông tin đầy đủ, chi tiết trước mổ về ưu nhược điểm của từng kỹ thuật, từng phương pháp.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!