Nghe nói trẻ tắm nước dừa vừa mát, vừa có tác dụng dưỡng và làm trắng da, chị Nguyễn Tuyết Minh (445 Lạc Long Quân, Hà Nội) rất chịu khó mua về tắm cho cô con gái mới sinh với mong muốn 'cải tạo' làn da đen 'truyền thống' mà bé thừa hưởng được từ bố. Tuy nhiên, trắng trẻo chưa thấy đâu thì cháu lại bị mẩn ngứa và nổi mụn nước khắp người...
Hăm, lở da
Một vài ngày đầu tưởng là do trời bắt đầu nắng nóng nên trẻ bị nóng mà nổi mụn, chị Minh càng tích cực tắm nước dừa tươi cho con. Sau hai ba hôm liền, mụn không thấy đỡ mà con cứ quấy khóc, rồi các kẽ da có mùi hăm, chị mới lo lắng mang con đi khám thì được bác sĩ cho biết bị viêm da vì tắm nước dừa.
Theo ThS Vũ Đình Thám, Phó trưởng Bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y Thái Bình, việc tắm cho trẻ bằng nước dừa với mong muốn da trắng chưa được nghiên cứu nào chứng minh hoặc bản thân ông chưa được tiếp cận. Nhưng trên lý thuyết, làn da trẻ em trắng hay đen được quy định từ yếu tố di truyền và lượng sắc tố có trên da, ví dụ, bố mẹ trắng thì con sẽ trắng hoặc ngược lại bố mẹ đen con sẽ đen. Cũng có trường hợp bố và mẹ đều đen nhưng con lại có nước da trắng đẹp thì cần xem xét các yếu tố khác.
Tốt nhất nên tắm cho trẻ bằng nước đun sôi để nguội khoảng 36 - 38oC.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế cũng cho biết, chưa có nghiên cứu cụ thể nào khẳng định tác dụng của việc tắm nước dừa cho trẻ.
Các chuyên gia cho rằng, nước dừa không thể quyết định được tính chất da, màu da, do đó không thể có khả năng giúp làn da của trẻ trắng lên như nhiều người suy nghĩ. Nước dừa có nhiều chất như protein, chất béo, đường, cùng các chất khoáng: Ca, Na, K, P, Fe... các vitamin C, PP, nên cũng có thể có tác dụng giúp dưỡng da cho trẻ.
Tuy nhiên, các chất khoáng, protein và độ ngọt của nước dừa nếu tắm không sạch sẽ khiến trẻ dễ bị viêm da hơn do vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Nếu muốn tắm nước dừa cho trẻ thì chỉ nên tắm một lần/tuần, nhưng phải tắm tráng thật kỹ càng bằng nước ấm. Cũng cần chú ý rằng, da trẻ sơ sinh thường có nhiều kẽ nhăn, nên nguy cơ nước dừa bị sót lại ở các kẽ da rất cao, là cơ hội để vi khuẩn sinh sôi, từ đó khiến bé bị hăm, lở da.
Tắm bằng nước chín
Theo ThS.BS Trương Ngọc Dương, chuyên khoa Nhi, Học viện Quân y, tốt nhất trong hai tháng đầu nên tắm cho trẻ bằng nước chín - tức là nước đun sôi để nguội bớt đến khoảng 36 - 38oC, bởi nước vòi vẫn có độ nhiễm khuẩn cao, trong khi da trẻ sơ sinh còn non nớt và dễ mẫn cảm. Để làm sạch chất gây trên da em bé, các bà mẹ có thể pha thêm một chút nước cốt chanh vào chậu tắm, vừa làm sạch da, vừa giúp cho da bé mát mẻ, đỡ rôm sẩy.
ThS Vũ Đình Thám cũng cho rằng, có thể có phần nào chấp nhận việc tắm các loại nước lá cho trẻ nhằm mục đích làm sạch, chống viêm da hay dưỡng da vì trong nhiều loại lá có thể có các chất kháng viêm. Ví dụ, người dân quê hay tắm nước lá chè xanh với mục đích làm sạch và chống rôm sảy cho da... Điều này đã được dân gian truyền lại và cũng rất hạn chế gây dị ứng. Ngoài ra, theo cách dân gian cũng có thể dùng các loại thảo dược có chất kháng sinh như mướp đắng, lá hoàng đằng... để tắm cho trẻ. Tuy nhiên, khi dùng lá tắm cần chú ý rửa thật sạch và đun sôi, rồi gạn lấy phần nước trong pha tắm cho trẻ. Các bà mẹ cũng không nên lạm dụng việc tắm lá hằng ngày mà cần phải theo dõi phản ứng da của trẻ.
Dù tắm cho trẻ bằng nước dừa hay các loại lá theo dân gian hoặc tắm với dầu, sữa tắm theo cách hiện đại thì mục đích cũng là để làm sạch, dưỡng da, làm mát da. Tuy nhiên, với cách tắm nào cũng cần chú ý đến phản ứng của cơ thể trẻ. Da của trẻ có thể hợp hoặc có thể mẫn cảm với bất kỳ loại nước tắm nào. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường trên da trẻ, cần dừng ngay loại nước tắm đó và đưa đến bác sĩ để được khám, tư vấn cách điều trị kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!