Những nguy cơ phải đối mặt khi phá thai

Sức khỏe sinh sản - 11/28/2024

Khi phá thai được thực hiện bởi người được đào tạo có kỹ năng thì tai biến hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên mọi cơ sở phá thai phải thường trực 24/24 giờ.

Điều trị tai biến và biến chứng phá thai

Khi phá thai được thực hiện bởi người được đào tạo có kỹ năng thì tai biến hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên mọi cơ sở phá thai phải thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu khi có tai biến xảy ra.

Tử vong do phá thai hợp pháp chiếm 0,0006% tất cả các trường hợp phá thai (khoảng 1 ca tử vong trên 160.000 ca phá thai). Tử vong thường do nguyên nhân tác dụng phụ của thuốc giảm đau, tắc mạch, nhiễm khuẩn và băng huyết không khống chế được. Tử vong thứ phát do sốc nhiễm độc Clostridium sordellii (death secondary to toxic shock following infection with Clostridium sordellii): tỷ lệ < 0,001% các trường hợp.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị điều trị tai biến phá thai cũng tương tự như đối với sảy thai.

Các tai biến đặc trưng của phá thai ngoại khoa gồm:

- Ứ máu trong buồng tử cung: cần phải hút buồng tử cung, tỷ lệ dưới 0,2%.

- Nhiễm khuẩn: đa số dễ chẩn đoán và điều trị nếu người phụ nữ tuân thủ những hướng dẫn của thầy thuốc, tỷ lệ 0,1 - 2%. Dùng kháng sinh làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn sau thủ thuật.

- Rách cổ tử cung:cần phải khâu cầm máu, tỷ lệ 0,6 - 1,2%.

- Thủng tử cung do chọc hoặc rách:tỷ lệ < 0,4%. Tai biến này có thể tự liền hoặc phải phẫu thuật khâu lỗ thủng và hiếm khi cắt tử cung. Một nghiên cứu 700 ca phá thai quý I và triệt sản, thấy 12 trong số 14 ca có thủng tử cung nhưng vì lỗ thủng nhỏ nên không phát hiện ra và không được điều trị nội khoa. Khi nghi ngờ thủng tử cung phải theo dõi và dùng kháng sinh. Nếu nghi ngờ thủng tạng rỗng, mạch máu hoặc các tổn thương khác phải mở bụng hoặc nội soi xử trí theo nguyên nhân.

Những nguy cơ phải đối mặt khi phá thai

Tư vấn về sức khỏe sinh sản cho thanh niên tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hải Dương (Ảnh: N.C)

- Còn thai: là sự không kết thúc được thai nghén và cần hút lại buồng tử cung, tỷ lệ < 0,3%.

- Sót rau thai: là hiện tượng còn sót lại mô rau thai trong buồng tử cung cần phải hút lại buồng tử cung, tỷ lệ 0,3 - 2%.

- Băng huyết: do sót rau, chấn thương và thủng tử cung cần phải truyền máu, tỷ lệ 0,02 - 0,3%.

Các tai biến đặc trưng của phá thai nội khoa:

- Thất bại của thuốc phá thai:cần phải hút lại buồng tử cung, tỷ lệ < 2% các trường hợp.

- Sảy thai không hoàn toàn:đòi hỏi phải hút lại buồng tử cung tránh băng huyết và nhiễm trùng, tỷ lệ < 6% các trường hợp.

- Băng huyết: đòi hỏi phải hút lại buồng tử cung và hiếm khi phải truyền máu, tỷ lệ < 1% các trường hợp.

- Nhiễm khuẩn tử cung: cần dùng kháng sinh, tỷ lệ 0,09 - 0,6% các trường hợp.

Biến chứng liên quan đến phương pháp vô cảm:

- Gây tê an toàn hơn gây mê đối với tất cả các phương pháp phá thai quý I cũng như phương pháp nong gắp của quý II. Nếu áp dụng gây mê, nhân viên y tế cần được đào tạo để điều trị co giật và cấp cứu tim mạch cũng như cấp cứu hô hấp.

- Ngoài ra phải có các thuốc đối kháng với tác dụng phụ của thuốc ngủ.

Biến chứng lâu dài:

- Đa số phụ nữ phá thai an toàn không để lại hậu quả lâu dài đối với toàn thân và sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên có một tỷ lệ nhỏ có biến chứng nặng nề sẽ để lại hậu quả về sau này. Các dữ liệu dịch tễ học cho thấy, phá thai an toàn quý I không làm tăng nguy cơ ung thư vú.

- Có một tỷ lệ nhỏ những bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện tác dụng phụ trên tâm thần nhưng là do tồn tại tình trạng bệnh từ trước không phải là hậu quả của phá thai an toàn.

ThS. Vũ Văn Du (BV Phụ sản TW)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!